Ninh Bình: “Mòn mỏi” bên dự án “treo”

(Xây dựng) – Huyện miền núi Nho Quan (Ninh Bình) hiện đang có nhiều dự án chậm tiến độ, dự án “treo” khiến rất nhiều hộ dân cả chục năm qua phải sống “mòn mỏi” bên các dự án này.

Ninh Bình: “Mòn mỏi” bên dự án “treo”
Một trong số rất nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang thuộc quy hoạch Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương.

Hơn 11 năm qua, gần trăm hộ dân ở thôn 3 xã Phú Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình) phải sống cảnh tạm bợ trong những ngôi nhà xuống cấp vì thuộc diện thu hồi đất, giao đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái vui chơi giải trí hồ Đồng Chương.

Dự án khu du lịch sinh thái vui chơi giải trí hồ Đồng Chương tại xã Phú Long và xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan có tổng vốn đầu tư trên 1.716 tỷ đồng, được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2011, hiện dự án vẫn trong tình trạng dở dang; 99 hộ dân thôn 3, xã Phú Long vẫn chưa được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), nhà cửa, tài sản của nhân dân xuống cấp, có đất mà không được xây nhà, có nhà mà không thể bán, không sang tên cũng như không thể vay vốn để phát triển kinh tế.

Chị Đinh Thị Thảo ở thôn 3, xã Phú Long, một trong những hộ dân thuộc diện thu hồi đất, giao đất thực hiện dự án cho biết, nhà chị xây dựng năm 2010, đến năm 2011 có thông báo thu hồi đất làm dự án và có đơn vị về đo đất để GPMB nhưng từ đó đến nay chưa có chi trả đền bù. Người dân ở đây không được xây dựng nhà cửa, từ năm 2021 được thông báo là 99 hộ trong diện thu hồi đất, giao đất làm dự án không được sửa chữa nữa. Nhiều gia đình phải chấp nhận sống tạm bợ trong những ngôi nhà xuống cấp, nứt dột.

“Mong muốn của chúng tôi là Nhà nước có tiếp tục triển khai dự án nữa hay không, nếu có thì thời gian nào triển khai để người dân có định hướng, xác định làm ăn kinh tế lâu dài, xây dựng chỗ ở kiên cố để ổn định cuộc sống”, chị Thảo chia sẻ.

“Vì diện tích ở và đất canh tác nằm trong dự án nên giờ muốn mua bán, chuyển nhượng đất hay chia tách đất cũng không thực hiện được, nếu gia đình nào đông con cháu hoặc sinh sống nhiều thế hệ thì gặp rất nhiều khó khăn”, ông Phạm Trường cho biết thêm.

Hay như Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt quy hoạch xây dựng với tổng diện tích 1.488ha thuộc địa phận 2 xã Phú Long và Kỳ Phú, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Sau 8 năm triển khai xây dựng, dự án này mới chỉ thi công được khu nhà làm việc của Ban quản lý và các hạng mục tuyến đường kết nối. Nhiều hạng mục khác như hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước tạm, hệ thống đường nội bộ, hồ cảnh quan, hệ thống hàng rào động vật… vẫn nằm trong tình trạng thi công dở dang. Từ năm 2017 đến nay, dự án không được Nhà nước cấp vốn nên dự án phải tạm dừng thi công và bị bỏ hoang suốt 5 năm qua.

Ninh Bình: “Mòn mỏi” bên dự án “treo”
Nhà cửa, công trình trong vùng dự án bị nứt, xuống cấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Cùng với đó là hơn 80 hộ dân tại bản Mét, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan bị ảnh hưởng bởi quy hoạch Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia, nhiều năm qua nhà cửa, công trình bị xuống cấp cũng không thể xây dựng tu sửa, người dân thì bất an vì chưa thể sinh sống ổn định ngay trên chính mảnh đất của mình.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Bùi Minh Hiếu – Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết: Năm 2011, huyện Nho Quan đã tiến hành kiểm đếm, áp giá, kiểm kê tài sản, hoa màu trên đất, lập biên bản đánh giá tài sản đền bù, ký kết giữa Ban GPMB và các hộ dân được đền bù nhưng không có kinh phí chuyển về để chi trả cho các hộ dân nên dự án treo từ đó.

Ninh Bình: “Mòn mỏi” bên dự án “treo”
Nhiều hộ dân đã phải chuyển nhà đến nơi ở khác chờ ngày đền bù, GPMB.

Hiện, 99 suất đất ở thuộc diện thu hồi làm dự án trên không giao dịch, chuyển nhượng, tặng cho được. Nếu có mua bán chỉ viết tay với nhau, không đảm bảo về mặt pháp lý. Người dân vẫn có thể sử dụng đất để canh tác nhưng không được xây dựng, sửa chữa. Người dân đã nhiều lần có ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Xã cũng có báo cáo lên HĐND huyện, HĐND tỉnh, đề nghị các cấp làm rõ có lấy đất để thực hiện dự án hay không, để người dân được đảm bảo quyền lợi trong canh tác, sản xuất, giao dịch mua bán.

Theo ông Hiếu, những dự án treo, dự án chậm tiến độ như vậy không chỉ gây lãng phí đất mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi, quyền sử dụng đất, nhu cầu đời sống của người dân.

Do vậy, chính quyền địa phương có đề xuất, kiến nghị cấp trên sớm có phương án giải quyết đối với những dự án treo, dự án chậm tiến độ để người dân sớm ổn định cuộc sống. Để tránh trường hợp lãng phí tài nguyên đất, đề nghị các đơn vị chức năng thu hồi đất của những dự án nhiều năm mà không triển khai.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích