Ninh Bình: Kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ
Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình, thực hiện Quyết định số 303/QĐ-SKHCN của Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt kế hoạch kiểm tra lĩnh vực khoa học và công nghệ năm 2024, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đo lường trong kinh doanh vàng; về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ tại 41 cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, do sự biến động của giá vàng thế giới và giá vàng tăng cao trong nước, hầu hết cơ sở kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh đều thu nhỏ quy mô, việc kinh doanh giảm sôi động so với những năm trước. Thông qua việc kiểm tra, Chi cục đã tuyên truyền trực tiếp quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và đã ghi nhận kết quả nổi bật.
Theo đó, kiểm tra về đo lường, tại 41 cơ sở có sử dụng 47 cân kỹ thuật kiểu điện tử. Trong đó: 44/47 cân kỹ thuật (chiếm 93,6%) được sử dụng để xác định khối lượng vàng trong giao dịch mua, bán tại 38 cơ sở đã được kiểm định ban đầu và kiểm định định kỳ đúng quy định; còn nguyên niêm phong; kiểm tra tem, dấu kiểm định còn nguyên vẹn; giấy chứng nhận kiểm định đang trong thời hạn hiệu lực.
Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên địa bàn. (ảnh Sở KH&CN Ninh Bình)
03 cân kỹ thuật (chiếm 6,4%) tại 03 cơ sở chưa thực kiểm định định kỳ khi đến hạn (Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Mạnh Hùng; Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Quân Hồng; Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Đức Cường). Đoàn kiểm tra đã yêu cầu tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp đối với 03 cân kỹ thuật tại 03 cơ sở nêu trên. 03 cơ sở đã gửi báo cáo khắc phục về Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Chi cục đã ban hành thông báo hoạt động đo lường được tiếp tục thực hiện theo quy định đối với 03 cân kỹ thuật của 03 cơ sở nêu trên.
47/47 bộ quả cân được sử dụng có khối lượng danh định và độ chính xác phù hợp với loại cân sử dụng, đều đã được kiểm định tại tổ chức kiểm định được chỉ định, các chứng chỉ kiểm định đang trong thời hạn hiệu lực.
Tất cả cơ sở kiểm tra xác định khối lượng vàng theo công bố có sai số phép đo nằm trong giới hạn cho phép và đều thực hiện việc định kỳ tự kiểm tra, lập và lưu giữ hồ sơ tự kiểm tra định kỳ đối với phương tiện đo (cân vàng) định kỳ ít nhất 1 lần/1 tuần theo quy định.
Về kiểm tra chất lượng và nhãn hàng hóa, 41/41 cơ sở đã lưu giữ hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng của các cơ sở sản xuất, gia công, chế tác đối với sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ nhập về; Đã thực hiện ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP; Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. Các cơ sở cũng đã thực hiện lưu giữ kết quả kiểm tra thử nghiệm hàm lượng vàng theo tiêu chuẩn công bố của nhà sản xuất cung cấp đối với các sản phẩm nhập về.
Hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ đã dần đi vào nền nếp, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong địa bàn tỉnh.
Hà My