Ninh Bình: Dự án thu gom và xử lý nước thải mới đạt 70% công suất thiết kế

(Xây dựng) – Dự án xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải thành phố Ninh Bình được chính thức đưa vào vận hành từ năm 2021. Tuy nhiên từ đó đến nay lượng nước thải thu gom và xử lý chỉ mới đạt 70% so với công suất thiết kế.

Ninh Bình: Dự án thu gom và xử lý nước thải mới đạt 70% công suất thiết kế
Một góc khu vực hồ thu gom và xử lý nước thải thành phố Ninh Bình.

Dự án xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải thành phố Ninh Bình được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt tại Quyết định số 988/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 với tổng mức đầu tư 416,156 tỷ đồng. Dự án có mục tiêu cải tạo hệ thống thoát nước của thành phố, đảm bảo vệ sinh môi trường, đáp ứng đời sống sức khoẻ của nhân dân. Phạm vi thu gom nước thải là 10/14 phường trong thành phố. Dự án có hệ thống mạng lưới tuyến ống thu gom và trạm xử lý nước thải có công suất 15.000 m3/ngày đêm.

Đến ngày 28/1/2016, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định số 231/QĐ-UBND về việc phê duyệt, cập nhật dự án xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải thành phố Ninh Bình. Trong đó, điều chỉnh thiết kế một số tuyến của đường ống thu gom và bổ sung các hạng mục như: Mái che hồ yếm khí của Trạm xử lý nước thải, di chuyển đường dây điện 10kV, bổ sung các tuyến ống, bổ sung hệ thống quản lý, điều khiện tự động skada. Tổng mức đầu tư sau cập nhật, điều chỉnh là 430,306 tỷ đồng. Trong đó vốn vay từ Ngân hàng Thế giới là 16,509 triệu USD (tương đương 358,911 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm 30/10/2015); vốn đối ứng của tỉnh Ninh Bình là 3,274 triệu USD (tương đương 71,395 tỷ đồng). Thời gian thực hiện năm 2012 – 2016.

Sau khi hoàn thành tất cả các hạng mục và trải qua thời gian vận hành thử nghiệm, đến năm 2021 dự án được giao cho Liên danh Trọng Hiếu – CEEN là đơn vị quản lý vận hành chính thức.

Ninh Bình: Dự án thu gom và xử lý nước thải mới đạt 70% công suất thiết kế
Công suất xử lý hiện mới chỉ đạt khoảng 70% so với công suất thiết kế.

Đại diện Liên danh Trọng Hiếu – CEEN cho biết: Toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt được thu gom qua hệ thống các tuyến cống chung, cống riêng, cống bao, hệ thống hố ga, giếng tách thu gom về 11 trạm bơm chuyển bậc và bơm về nhà máy xử lý nước thải sau đó qua nhà tiền xử lý, hồ hiếu khí, hồ tuỳ tiện, hồ xử lý triệt để (khử trùng nước thải), hồ wetland (khử ni tơ, phốt pho) và cuối cùng là xả vào nguồn tiếp nhận là sông Vạc. Chất lượng nước thải sau xử lý phải đạt được theo QCVN14/2008 – BTNMT, cột A. Đối với khối lượng bùn nạo vét từ hệ thống thu gom được vận chuyển về Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình ở thành phố Tam Điệp để xử lý.

Dự án đã đi vào vận hành, hoạt động chính thức từ năm 2021 đến nay nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc như: Một số vị trí đấu nối trực tiếp tại phường Bích Đào dân đổ tràn bê tông lên hộp đấu nối, quây chặn rãnh thoát nước phía sau nhà; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc bể chắn mỡ, rác trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom chung; người dân thường xả trực tiếp vào hệ thống, dẫn đến hiện tượng tắc rác, tắc mỡ còn xảy ra gây cản trở dòng chảy chung của tuyến ống; các công trình hạ tầng đang thi công (như công trình cầu Chà Là, tường kè sông Vân…) ảnh hưởng đến trạm bơm và hệ thống thu gom nước thải. Dự án sau khi được đi vào vận hành đã cải thiện môi trường, giảm mùi hôi tại các hệ thống thu gom, thoát nước, thế nhưng công suất xử lý từ năm 2021 đến nay mới chỉ đạt khoảng 70% so với công suất thiết kế.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích