Ninh Bình: Đề án Công viên động vật hoang dã quốc gia liệu có được “hồi sinh”?

(Xây dựng) – Sau gần chục năm triển khai xây dựng, Công viên động vật hoang dã quốc gia tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình vẫn trong tình trạng dang dở, bỏ hoang… không rõ liệu có được “hồi sinh” trong tương lai?

Ninh Bình: Đề án Công viên động vật hoang dã quốc gia liệu có được “hồi sinh”?
Công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đề án tổng thể xây dựng Công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 154/QĐ-TTg ngày 29/01/2015 có tổng diện tích trên 1.155ha tại xã Kỳ Phú, xã Phú Long, huyện Nho Quan với 6 phân khu chức năng. Tổng nhu cầu vốn là 7.368 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước chiếm gần 29%, nguồn vốn xã hội hoá 71%). Thời gian thực hiện đến năm 2025.

Đề án có mục tiêu bảo tồn, cứu hộ, phát triển và lưu giữ nguồn gen các loài động vật hoang dã, ưu tiên các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm; phục vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường kết hợp với du lịch sinh thái; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Đến năm 2025 sẽ đưa vào vận hành, khai thác, tuy nhiên hiện mới chỉ thi công được một phần rất nhỏ so với tổng thể như: Xây dựng khu nhà làm việc của Ban quản lý và các hạng mục tuyến đường kết nối. Nhiều hạng mục khác như hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước tạm, hệ thống đường nội bộ, hồ cảnh quan, hệ thống hàng rào động vật… vẫn trong tình trạng thi công dở dang. Từ năm 2017 đến nay, dự án không được Nhà nước cấp vốn nên phải tạm dừng thi công và bị bỏ hoang suốt 6 năm qua.

Ninh Bình: Đề án Công viên động vật hoang dã quốc gia liệu có được “hồi sinh”?
Liệu Công viên động vật hoang dã tại Ninh Bình có được “hồi sinh” sau nhiều năm bị bỏ hoang, dang dở?

Được biết, đến nay nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí được 159,316/2.121 tỷ đồng (chỉ chiếm 7,51%) cho các hạng mục như: Lập quy hoạch xây dựng; lập Đề án tổng thể, cắm mốc giới, rà phá bom mìn; xây dựng các tuyến giao thông kết nối; phòng cháy, chữa cháy kết hợp cấp nước cho công viên; xây dựng cơ sở hạ tầng khu nuôi thả thú dữ châu Á. Về nguồn vốn xã hội hóa, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt đã đầu tư 205 tỷ đồng cho Dự án Trang trại bảo tồn gấu Ninh Bình với quy mô gần 10ha (mới chỉ đạt 3,9% kế hoạch vốn xã hội hóa).

Theo tìm hiểu của PV Báo điện tử Xây dựng, Đề án Công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Từ năm 2017 đến nay, cũng như trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn ngân sách Nhà nước không được bố trí. Nguồn vốn xã hội hóa cũng bị hạn chế do cơ sở hạ tầng của công viên chưa được đầu tư đồng bộ. Một số hạng mục đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước không còn phù hợp. Các hạng mục đầu tư trước đây xây dựng quá chi tiết, dẫn đến trong quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc…

Mới đây, tại Hội nghị báo cáo về việc điều chỉnh Đề án tổng thể xây dựng Công viên động vật hoang dã quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng nhấn mạnh: Đây là đề án không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, du lịch, bảo vệ môi trường mà còn có ý nghĩa quốc tế được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Vì vậy, các Sở, ban, ngành chuyên môn tỉnh Ninh Bình phải tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc để sớm đưa công viên đi vào hoạt động.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích