Ninh Bình: Chưa có bất kỳ dự án nhà ở xã hội nào được triển khai thi công

(Xây dựng) – Nhiều dự án nhà ở xã hội đã được tỉnh Ninh Bình quy hoạch, phê duyệt, thậm chí có dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư… thế nhưng hiện nay chưa có bất kỳ dự án nhà ở xã hội nào được triển khai thi công, hầu như tất cả chỉ dừng lại ở công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Ninh Bình: Chưa có bất kỳ dự án nhà ở xã hội nào được triển khai thi công
Một góc mặt bằng khu nhà ở xã hội và dịch vụ công nhân phục vụ KCN Gián Khẩu và địa bàn lân cận đang chờ nhà đầu tư.

Nhu cầu lớn

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Bùi Duy Quang – Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Ninh Bình cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 5/7 KCN đã đi vào hoạt động là KCN Tam Điệp I, KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu, KCN Phúc Sơn, KCN Khánh Cư. Tổng số lao động đang làm việc thường xuyên trong các KCN khoảng 39.500 người. Dự kiến đến năm 2030, tỉnh Ninh Bình sẽ đầu tư phát triển thêm 4 KCN, nâng tổng số KCN trong tỉnh lên 11 khu với tổng diện tích 2.790ha. Số lượng công nhân cũng như người lao động tại khu vực sẽ tăng lên rất nhanh, dẫn đến nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp là lớn.

Hiện tại, tỉnh Ninh Bình đã có quy hoạch 4 khu nhà ở xã hội và dịch vụ công nhân, đó là: Khu nhà ở xã hội và dịch vụ công nhân phục vụ KCN Gián Khẩu và địa bàn lân cận tại xã Gia Trấn và xã Gia Tân (huyện Gia Viễn) với quy mô 49,6ha; Khu nhà ở và dịch vụ công nhân KCN Tam Điệp II tại xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) với quy mô 6,89ha, nằm trong KCN Tam Điệp II; Khu dân cư, dịch vụ và khu nhà ở phục vụ công nhân các KCN Phúc Sơn, Khánh Phú và địa bàn lân cận với quy mô 26,16ha tại phường Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình); Dự án Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) có quy mô 1,34ha. Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với tỉnh Ninh Bình để xây dựng khu thiết chế công đoàn, phục vụ cho nhu cầu ở, sinh hoạt của công nhân.

Còn nếu tính cả các công nhân, người lao động trong các cụm công nghiệp trên toàn tỉnh, cũng như trong các nhà máy, xí nghiệp thì số lượng lao động này phải trên 200.000 người và rất nhiều lao động trong số này là làm ăn xa quê rất cần an cư để yên tâm lập nghiệp.

Chậm triển khai

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 2 dự án nhà ở xã hội đã được phê duyệt, thậm chí có dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư thế nhưng chưa có bất kỳ dự án nào được triển khai thi công, hầu như tất cả chỉ dừng lại ở công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Ninh Bình: Chưa có bất kỳ dự án nhà ở xã hội nào được triển khai thi công
Ninh Bình có 2 dự án nhà ở xã hội nhưng chưa có bất kỳ dự án nào được triển khai thi công, hầu như tất cả chỉ dừng lại ở công tác GPMB.

Dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Trường Thắng làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 1,34ha với 335 căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp. Dự án được triển khai xây dựng năm 2020, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023. Thế nhưng đến nay, dự án này mới hoàn thành xong công tác GPMB.

Đối với Khu nhà ở xã hội và dịch vụ công nhân phục vụ KCN Gián Khẩu và địa bàn lân cận tại xã Gia Trấn và xã Gia Tân (huyện Gia Viễn) với quy mô rộng đến 49,6ha có tổng số lượng nhà ở 2.153 căn. Trong đó, khu nhà ở xã hội có 3 khu nhà ở liền kề tại các lô LK-01, LK-02, LK-03 với 94 căn, mỗi căn thiết kế 3 tầng và xây dựng 3 khu chung cư (8 tòa) tại các lô CT-01, CT-02, CT-03 với 2.018 căn, mỗi tòa chung cư được thiết kế xây dựng cao 19 tầng. Tổng mức đầu tư khoảng 2.342 tỷ đồng. Sau nhiều năm triển khai thì dự án này cũng đang dừng lại ở khâu GPMB và hoàn thiện các hạ tầng cơ bản như đường nội khu, hệ thống thoát nước, vỉa hè… còn hạng mục chính là khu nhà ở xã hội thì đang trong quá trình mời gọi các nhà đầu tư.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình, nguyên nhân dẫn đến các Dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ vì trước hết là bị ảnh hưởng bởi 3 năm đại dịch Covid-19, sau đó là bị vướng ở công tác GPMB dẫn đến các thủ tục về đất đai cũng bị chậm theo.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích