Ninh Bình: 6 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công hơn 2.115 tỷ đồng
(Xây dựng) – Tính đến hết ngày 30/6, tổng số vốn kế hoạch năm 2024 của tỉnh Ninh Bình đã giải ngân đạt khoảng 2.115,592 tỷ đồng, bằng 32,7% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Ninh Bình đã giải ngân vốn đầu tư công hơn 2.115 tỷ đồng. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 30/6, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ đã giao cho tỉnh Ninh Bình là 6.459,903 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 611,380 tỷ đồng. Gồm vốn trong nước 519,380 tỷ đồng để thực hiện các công trình, dự án theo ngành, lĩnh vực; vốn nước ngoài 92 tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương là 5.848,523 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/6, tổng số vốn kế hoạch năm 2024 giải ngân đạt khoảng 2.115,592 tỷ đồng, bằng 32,7% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao. Gồm, vốn ngân sách Trung ương trong nước giải ngân đạt 53,505 tỷ đồng, bằng 10,3% kế hoạch vốn được giao; vốn ngân sách Trung ương nước ngoài giải ngân đạt 56,071 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch vốn được giao; vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân đạt 2.006,015 tỷ đồng, bằng 34,3% kế hoạch vốn được giao. Ước tính đến hết ngày 30/9, tổng số vốn kế hoạch năm 2024 toàn tỉnh Ninh Bình giải ngân sẽ đạt khoảng 3.771,285 tỷ đồng, bằng 58,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Và ước tính đến hết ngày 31/12, tổng số vốn vốn kế hoạch năm 2024 giải ngân sẽ đạt khoảng 6.313,197 tỷ đồng, bằng khoảng 97,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỉnh Ninh Bình kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. |
Để đạt được những kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2024 như trên, ngay từ những ngày đầu năm 2024, UBND tỉnh Ninh Bình đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tỉnh đã thành lập tổ công tác về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; ban hành nhiều các văn bản chỉ đạo sát sao yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh gắn với nâng cao hiệu quả quản lý theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ với các địa phương hàng tháng; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn đôn đốc của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt tối thiểu 95% số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đặc biệt, tập trung vào những giải pháp như thực hiện các thủ tục giao, phân bổ chi tiết vốn cho các công trình, dự án ngay khi đủ điều kiện, đảm bảo kịp thời. Trong đó ưu tiên nguồn lực, tập trung cao độ để thi công và hoàn thành, cơ bản hoàn thành một số dự án quan trọng ngay trong năm 2024, tạo động lực và làm cơ sở thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Ngoài ra, chủ đầu tư các dự án lập cam kết tiến độ hoàn tất các thủ tục đầu tư, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, theo dõi và định kỳ hàng tuần, hàng tháng báo cáo tiến độ triển khai thực hiện từng dự án so với tiến độ đã cam kết trước đó; làm rõ trách nhiệm của đơn vị không đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
Cùng với đó, phân công, giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ trách nhiệm. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể cho từng dự án gắn với tiến độ giải ngân và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình.
Tập trung cao độ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn lực, triển khai thi công ngay những khu vực đã có mặt bằng; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật, sớm khởi công công trình; khẩn trương lập hồ sơ nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành, không để dồn thanh toán vào cuối năm và không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
Nguồn: Báo xây dựng