Niềm vui ở viện
Ảnh minh họa |
Đưa con gái nhập viện với một cuộc tiểu phẫu nhỏ – cắt Amidan. Dù đã được mẹ trấn an. Bác sĩ tư vấn đầy đủ, nhưng với một đứa trẻ mười hai tuổi vẫn lo sợ khi nghĩ đến việc kiêng nói mấy ngày.
Phòng điều trị của con có sáu giường với những bệnh khác nhau. Nhẹ nhất là viêm họng, nặng hơn cả là con gái mẹ. Mỗi buổi chiều mẹ thấy người nhà rủ nha đưa bệnh nhân ra khu vực sân sau của viện xem đánh bóng chuyền. Con ra hiệu cũng muốn ra sân xem cùng mọi người .
Đến nơi, mẹ để ý thấy có rất nhiều khán giả. Những khán giả đặc biệt. Đó là, cụ già ngồi trên xe lăn vẫn hô cố lên. Hay những bà tay vẫn còn dây truyền thuốc, tay kia vẫn vỗ vào đùi mỗi khi thấy pha bóng đẹp. Hoặc những em bé chân tập tễnh vẫn hoan hô mỗi khi thấy đội mình cổ vũ ghi điểm…
Các cầu thủ cũng thật đặc biệt. Đó là những bác sĩ, y tá sau giờ làm việc căng thẳng, sân bóng là nơi các lương y thư giãn, thả những âu lo, mỏi mệt vào những bước chuyền, nhất là niềm vui vỡ òa khi ghi được điểm cho đội mình. Cũng có khi cầu thủ lại là người nhà bệnh nhân cùng giao lưu. Đều là những người không chuyên nhưng niềm đam mê thể thao đã nối những người vốn xa lạ thành đồng đội, kéo những người bệnh gần nhau hơn.
Chị kể, nhà chị thuộc hộ nghèo, hai con nhỏ, người chồng rượu chè nên chị chẳng thể trông cậy ai. Nhà cách viện đến sáu mươi km nhưng ngày cách ngày chị lại phải đi chạy thận. Chủ xe khách biết hoàn cảnh của chị, cho chị đi lại không lấy tiền. Gia đình thuộc hộ nghèo nên chị cũng không mất tiền viện phí, Nghe chị kể mà mẹ rơm rớm nước mắt. Vậy mà khi có một pha bóng đẹp chị vẫn rạng rỡ khuôn mặt, vỗ tay hoan hô “hay quá, hay quá” và quên luôn câu chuyện đang dở dang với mẹ.
Mẹ hiểu rằng, cuộc sống vốn chẳng dễ dàng. Người mắc bệnh lại càng khó khăn hơn. Những lúc phải khóc rên trong những cơn đau hay thậm chí có người sau lần đi viện mất đi một phần cơ thể. Nhưng dù nghiệt ngã là vậy song họ vẫn tìm được cho mình niềm vui chính nơi người ta không muốn đến nhất. Và mẹ mong con cũng vậy. Hãy mỉm cười thật tươi ngay cả khi con thấy tồi tệ nhé.
Muồng Hoàng Yến
Nguồn: Báo lao động thủ đô