Những yếu tố đại kỵ cần lưu ý khi bố trí phòng thờ
Phòng thờ, bàn thờ không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa, tưởng nhớ đến tổ tiên và người đã khuất mà còn mang giá trị lớn về mặt phong thủy.
Theo quan điểm phương Đông, phòng thờ, bàn thờ là nơi linh thiêng, góc tâm linh, mang lại thịnh vượng, may mắn, sức khỏe và tiền tài, vận mệnh của gia chủ.
Những yếu tố đại kỵ cần lưu ý khi bố trí phòng thờ |
Để chọn vị trí đặt phòng thờ, bàn thờ phù hợp, mang lại nhiều may mắn, các gia đình có thể tham khảo một số tư vấn sau của chuyên gia phong thủy Tuấn Thịnh:
Phía sau bàn thờ cần phải là tường vững chãi, không được dựa vào tường kính hoặc cửa sổ…
Ngoài ra, việc đặt bàn thờ đối diện cửa ra vào nếu thỏa mãn về phương vị và hướng là một cách bố trí tốt về phong thủy.
Trừ bàn thờ ông địa, thần tài đặt gần cửa để nghênh tiếp tài lộc, còn lại bàn thờ gia tiên nên mang tính hướng nội.
Với những gia đình có nhà 1 tầng hay chỉ sống trong một căn hộ chung cư thì cách đặt phòng thờ theo phong thủy cũng không có nhiều lựa chọn. Thường người ta sẽ đặt vị trí phòng thờ trong nhà ngay ở phòng khách, nơi có không gian rộng và thoáng nhất trong nhà.
Trong giải pháp thiết kế kiến trúc dành cho những căn nhà phố hiện nay, kiến trúc sư thường bố trí bàn thờ đặt trong một phòng riêng, tầng trên cùng của ngôi nhà để đảm bảo sự tôn kính. Cách làm này sẽ không ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.
Trong đó, tầng trên cùng thường là tầng thượng, tầng tum, tầng áp mái, gồm: phòng thờ, phòng giặt + sân phơi. Vị trí này không chỉ mang đến sự trang nghiêm, kín đáo, tĩnh lặng… mà còn thuận tiện cho việc cúng ngoài trời, hóa vàng mã trên sân thượng.
Một số điều tối kỵ khi đặt bàn thờ
– Không nên đặt bàn thờ cao quá gây khó khăn cho việc thờ cúng, cũng không nên đặt thấp quá thiếu trang nghiêm.
– Trong các trường hợp bàn thờ treo hay tủ thờ cao, phải đảm bảo khoảng cách tới trần không quá gần, tránh ám vàng trần.
– Không sử dụng ánh sáng trắng, tạo cảm giác lạnh lẽo. Ánh sáng trong phòng thờ và trên bàn thờ nên sử dụng ánh sáng vàng, có cảm giác ấm cúng; nguồn sáng gián tiếp, tránh gây chói. Bạn có thể dùng đèn hắt tường, những bóng đèn nhót, đèn thờ… Bố trí chiếu sáng nên đăng đối theo 2 bên bàn thờ; kiểu dáng, chất liệu của đèn cũng cần phù hợp với tủ thờ và không gian chung, tránh quá màu mè, lòe loẹt…
– Trường hợp gia đình nào xây dựng một phòng thờ riêng thì tuyệt đối không nên kết hợp phòng ngủ. Nơi thờ cúng thể hiện sự trang nghiêm, thanh tịnh, còn nơi ngủ là lúc con người được thoải mái thể hiện bản thân nhất. Hai không gian đặt chung với nhau sẽ gây ra sự phản cảm.
– Không đặt bàn thờ sát nhà tắm. Bởi theo quan niệm, tắm rửa là việc trút bỏ ô uế, vì vậy, nếu đặt bàn thờ cạnh nơi này sẽ làm mất đi không khí tôn nghiêm.
– Không đặt bàn thờ ở lối đi lại. Nếu đặt ở lối đi lại ồn ào sẽ làm mất đi sự thanh tịnh của nơi thờ cúng. Như vậy, gia đình sẽ ít có may mắn và tài lộc.
– Không đặt bàn thờ trên nóc tủ.
– Không lấy gỗ đã qua sử dụng để làm bàn thờ.
– Bàn thờ Thần và Phật có thể để chung, song không nên để bát hương sát nhau.
– Bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật không nên đặt đối nhau trong 1 gian phòng.
– Không nên treo ảnh người quá cố cao hơn bàn thờ.
– Bàn thờ phải luôn sạch sẽ và thường xuyên thắp nhang. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bàn thờ hướng trực tiếp ra cửa chính. Tượng thần thánh hoặc vật thể thiêng liêng phải đặt trên bàn kệ cao. Đèn trên bàn thờ luôn bật sáng để thu hút năng lượng dương.
– Không đặt phòng thờ gần bếp và vệ sinh. Vì đây là không gian ẩm thấp, không sạch sẽ. Nếu phạm điều này, sức khỏe gia chủ sẽ bị giảm sút, tài lộc hao hụt.
– Không đặt phòng thờ ở gần bếp. Bởi bếp mang hỏa khí lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến nơi thờ tự.
– Trên bàn thờ không nên để nhiều đồ, chỉ đặt đồ cần thiết như bát nhang, ống cắm hương, bình hoa và bộ chén nước là đủ.
Nguồn: Báo xây dựng