Những vấn đề đặt ra khi dùng túi chuyên dụng để chứa rác
Những vấn đề đặt ra khi dùng túi chuyên dụng để chứa rác
Ai sẽ kiểm tra trước khi đổ rác vào thùng rác xem túi đựng rác là túi thật hay túi rởm. Hơn nữa ai sẽ là người kiểm tra túi đã sử dụng một lần hay được quay vòng nhiều lần?
Ngày 10/1/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Thông tư 02).
Thông tư nêu rõ Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được phân thành ba loại: Loại một có khả năng sử dụng tái chế, loại hai chất thải thực phẩm, loại ba chất loại sinh hoạt khác. Hộ dân, đơn vị sản xuất thải ra loại chất thải thực phẩm và loại chất thải sinh hoạt khác phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý thông qua việc mua túi đựng chất thải sau phân loại. Làm thế nào để chủ trương này đi vào cuộc sống?
Trong giai đoạn 2016 -2021, khối lượng CTRSH tăng liên tục trên địa bàn cả nước. Ước tính lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình từ 10 đến 16% năm. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021, tổng lượng CTRSH trên địa bàn 45/63 tỉnh, thành phố hơn 51.586 tấn/ngày. Trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng: 30.807 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 20.778 tấn/ngày; tỷ lệ chất thải nhựa khoảng từ 10 đến 12%. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tại các đô thị tăng dần theo các năm, năm 2020 đạt khoảng 94,71% , năm 2021 đạt khoảng 98,37%.
Nhận định về thực trạng phân loại rác tại nguồn, thu gom rác hiện nay, ThS Phạm Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền trung và Tây Nguyên (Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng: Một số địa phương thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn tại một số khu vực với quy mô lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Riêng khu vực miền trung và Tây Nguyên mới chỉ có 4/14 tỉnh, thành phố đã từng thí điểm phân loại rác tại nguồn (Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Quảng Nam).
Điều 29 của Thông tư 02 nêu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) bao gồm: Thứ nhất, giá dịch vụ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt là chi phí hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải trả cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Thứ hai, giá dịch vụ áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt là chi phí mà UBND các cấp chi trả cho chủ đầu tư, cơ sở được lựa chọn để cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Thông tư 02 cũng nêu rõ nguyên tắc định giá dịch vụ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân phát sinh CTRSH được quy định như sau: Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và các đối tượng được tính theo nguyên tắc có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương; Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH phát sinh từ cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp được tính trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý. Không chỉ nêu nguyên tắc, Thông tư 02 đã chỉ ra hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích chất thải.
UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải theo một trong các trường hợp sau: Thông qua giá bán bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt. Giá bán bao bì bao gồm giá thành sản xuất bao bì và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Trong đó, UBND cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quy định quy cách, kiểu dáng, kích thước cụ thể, thể tích khác nhau để bảo đảm dễ dàng phân biệt với các loại bao bì thông thường khác. Mỗi loại bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt có thể tích khác nhau tương ứng với mức giá bán khác nhau; Bao bì đựng các loại chất thải rắn sinh hoạt khác nhau có màu sắc khác nhau; bao bì đựng chất thải thực phẩm có màu xanh, bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt khác có màu vàng.
Trong trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh, thành phố có thể quy định màu sắc khác, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh; Chất liệu bao bì đựng chất thải phải phù hợp với công nghệ xử lý chất thải của địa phương. Khuyến khích sử dụng bao bì là chất liệu dễ phân hủy sinh học; Bao bì đựng chất thải thực phẩm hoặc có lẫn chất thải thực phẩm phải đảm bảo tránh rò rỉ nước và phát tán mùi. Trường hợp địa phương quy định chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại thành nhiều loại khác nhau chất liệu sử dụng làm bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm nhìn thấy loại chất thải đựng bên trong.
Như vậy phương án dùng bao bì để đựng CTRSH đã được “chốt”. Phương án này làm theo cách mà Nhật Bản đang triển khai. Theo ông Hodeki Wada, Chủ tịch, Cố vấn trưởng Công ty Vietnam Waste Planning, rác thải sau phân loại ở Nhật Bản được đựng trong các túi ni-lông đặc biệt.
Người dân sau khi đổ rác vào đó, đặt túi trước cửa nhà để công nhân vệ sinh môi trường đến thu gom. Loại túi rác này được bán tại các siêu thị với giá tương đương với tiền Việt Nam là: Túi có dung tích 5 lít giá 1.700 đồng, túi 10 lít giá 3.500 đồng; 20 lít giá 7.000 đồng; 40 lít giá 14.000 đồng.
Tại Hàn Quốc hệ thống thu phí chất thải dựa trên khối lượng (VWF) được áp dụng ở tất cả các khu vực. Mọi người dân và doanh nghiệp nhỏ (bao gồm chợ và cửa hàng mua sắm) thải ít hơn 300 kg chất thải mỗi ngày phải tuân theo hệ thống VWF và chỉ có hai cách để xử lý CTRSH: mua túi VWF do địa phương chỉ định; tái chế chất thải bằng cách sử dụng các thùng chứa và thùng chứa được chỉ định.
Các nguyên tắc cơ bản của VWF như sau: hộ gia đình (hoặc doanh nghiệp nhỏ) được yêu cầu mua túi chất thải nhựa tiêu chuẩn do chính quyền địa phương sản xuất và bán, chất thải phải bỏ vào túi nhựa và để lại nơi thu gom, đồ tái chế như giấy, nhựa và đồ hộp được thu gom miễn phí từ các thùng chứa hoặc thùng đặt gần nơi ở. Về góc độ kinh tế, theo hệ thống VWF, các hộ gia đình được yêu cầu mua túi đựng chất thải để xử lý CTRSH, họ sẽ có động lực để tái chế càng nhiều càng tốt thay vì vứt rác tái chế như chất thải để giảm chi phí mua túi phế liệu. Trên thực tế, sau khi thực hiện VWF, các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ đã đồng thuận rằng “vứt rác thải cũng giống như vứt tiền…” và bắt đầu sử dụng các sản phẩm có ít chức năng đóng gói và nạp lại hơn để giảm sản lượng chất thải.
Qua ý kiến của các chuyên gia cũng như nhiều người dân được hỏi chúng tôi thấy có một số vấn đề như sau. Thứ nhất việc thu phí thu gom, vận chuyển rác và xử lý rác thải đã giúp người dân, doanh nghiệp hiểu thêm rằng rác phải bỏ vào túi quy định trước khi mang ra thùng rác và phải đổ đúng giờ, đúng nơi quy định.
Vậy là phải có người đứng canh thùng rác nếu để thùng rác cố định. Nếu là các điểm rác đổ theo giờ. Phải có người đứng giám sát xem ai cho rác vào túi không đúng quy định. Nếu không đúng loại túi quy định thì xử lý thế nào? Bắt mang rác về hay bán túi bổ sung.
Ở Nhật Bản rác đựng trong túi chuyên dụng được đặt trước cửa nhà. Ở Việt Nam đặt như vậy sẽ rất mất thẩm mỹ khi trong các ngõ hẻm, đầu ngõ tràn ngập túi rác thải. Chưa kể chó, mèo có thể cào bới tìm thức ăn.
Ai sẽ kiểm tra xem trước khi đổ rác vào thùng rác đựng trong túi là thật hay túi rởm. Hơn nữa ai sẽ là người kiểm tra túi đã sử dụng một lần hay được quay vòng nhiều lần. Theo lý thuyết việc kiểm tra xử lý các trường hợp sai phạm nói trên sẽ “đổ lên đầu” người thu gom rác.
Chưa có văn bản nào nói về chuyện này. Nếu tăng quyền hạn, người thu gom rác có được tăng lương? Hơn nữa nhiều người công nhân thu gom rác trình độ thường không cao so với nhiều lĩnh vực khác, họ không quen vừa thu gom rác vừa ghi sổ sách, sử dụng phương tiện kiểm tra. Liệu họ có phát hiện được việc dùng túi rởm, túi sử dụng nhiều lần?
Nếu thành lập các đội chuyên đi thu gom, ngân sách lấy đâu ra để trả lương cho đội chuyên đó? Nếu người công nhân ngại va chạm, dễ dãi bỏ qua những sai phạm đó: cho phép đổ rác không cần bao bì, dùng bao bì rởm, bao bì dùng nhiều lần thì ai kiểm tra người công nhân thu gom? Cơ chế thưởng, phạt thế nào. Do thu phí cao (so với mức thu như hiện nay) tình trạng đổ rác bậy sẽ gia tăng.
Đơn vị nào sẽ được trang bị phương tiện đi kiểm tra xử phạt trường hợp đổ rác bậy. Việc thu phí đổ rác thông qua túi đặc biệt đối với các hộ dân sống trong các trung cư cao tầng khó thực hiện được. Để ở hành lang thì không tiện, vứt vào đường đổ rác chung, khó kiểm tra. Hiện tại có một số khu nhà chung cư cao tầng xảy ra trường hợp (tuy không nhiều) vứt rác từ cửa sổ xuống sân chung cư, tình trạng này có giảm nếu tính phí thu gom rác qua việc bán túi chuyên dụng?
Điểm c, khoản 2, điều 30 của Thông tư 02 nêu: Chất liệu bao bì đựng chất thải phải phù hợp công nghệ xử lý chất thải của địa phương. Khuyến khích sử dụng bao bì là chất liệu dễ phân huỷ sinh học. Theo chúng tôi không nên “khuyến khích” mà phải dùng bao bì có chất liệu dễ phân huỷ. Hoặc có lộ trình rõ ràng đến thời điểm nào phải dùng hoàn toàn bao bì dễ phân huỷ sinh học, có như vậy đơn vị sản xuất bao bì mới lên kế hoạch đầu tư, đổi mới công nghệ để sản xuất bao bì dễ phân huỷ.
Điểm g của khoản 2, điều 30 của thông tư đề cập loại bao bì đựng chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế. Theo đó chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được lưu chứa trong các bao bì thông thường, bảo đảm có khả năng lưu chứa và không gây ô nhiễm môi trường. Như vậy chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế từng hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Trường hợp không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác. Lộ trình thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Từ những vấn đề nêu trên, sau khi Thông tư 02 ban hành, chúng tôi kiến nghị:
Bộ Tài nguyên và Mội trường và các đơn vị có liên quan sớm triển khai việc ban hành hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn phù hợp vùng miền, khu vực đô thị và nông thôn để triển khai thực hiện; triển khai thí điểm các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình và cá nhân tại một số địa phương.
-Xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
-Trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, trong đó có các chế tài xử lý đối với các hành vi, vi phạm về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.
Có như vậy Luật Bảo vệ môi trường, và Thông tư 02 mới đi vào được cuộc sống.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị