Những trường hợp được nghỉ hưu trong năm 2024

Theo quy định tại Điều 169, Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu, trong năm 2024 người lao động có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường: Tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 61 tuổi, lao động nữ sẽ là 56 tuổi 4 tháng (riêng đối với lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội).

Người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường: Tuổi nghỉ hưu của lao động nam không thấp hơn 56 tuổi, lao động nữ không thấp hơn 51 tuổi 4 tháng thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

Những trường hợp được nghỉ hưu trong năm 2024
Ảnh minh họa.

– Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (NNĐHNH) hoặc đặc biệt NNĐHNH thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;

– Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021;

– Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%;

– Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc NNĐHNH hoặc đặc biệt NNĐHNH và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021) từ đủ 15 năm trở lên.

Người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường: Tuổi nghỉ hưu của lao động nam không thấp hơn 51 tuổi, lao động nữ không thấp hơn 46 tuổi 4 tháng thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

– Có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

– Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

– Người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp hoặc có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt NNĐHNH thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

P.Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích