Những tòa tháp cổ cao nhất miền Bắc còn nguyên vẹn đến ngày nay
Các tòa tháp với kiến trúc tuyệt đẹp mang đậm dấu ấn kiến trúc của từng thời kỳ lịch sử, trong đó có ngọn tháp niên đại hơn 700 năm vẫn vươn lên sừng sững và gần như nguyên vẹn.
Những tòa tháo cổ hơn 700 tuổi cao nhất miền Bắc còn lại nguyên vẹn đến nay (Video Hữu Nghị).
Tháp Phổ Minh là một trúc tuyệt đẹp thời nhà Trần, được bảo tồn khá nguyên vẹn. Tòa tháp này năm trong khuôn viên chùa Phổ Minh (Nam Định), được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt về lĩnh vực kiến trúc.
Tháp Phổ Minh được xây dựng năm 1305. Tháp cao khoảng 20m, gồm 14 tầng, được xây bằng gạch.
Riêng phần nền tháp và tầng thứ nhất xây bằng đá, tầng nào cũng trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái…
Tầng tháp thứ nhất đặt trên bệ đá, có hai lớp cánh sen, lớp dưới chúc xuống, lớp trên ngửa lên đỡ lấy tháp hình vuông. Mỗi cạnh tường bao quanh tháp rộng hơn 5m.
Bệ và tầng thứ nhất có những hình chạm nông trên mặt đá như hoa lá, sóng nước, mây cuốn, đặc trưng cho phong cách trang trí thời nhà Trần.
Mặt ngoài những viên gạch các tầng trên được trang trí hình rồng. Tháp nặng 700 tấn, được xác lập là tháp chùa bằng gạch cao nhất Việt Nam do Trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam xác lập.
Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong chùa Vĩnh Khánh có tòa Tháp Bình Sơn, là một kiến trúc phật giáo mang dấu ấn của cả giai đoạn dài từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI. Kỹ thuật xây dựng điêu luyện tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý – Trần.
Toàn bộ ngôi tháp được xây bằng gạch nung không tráng men. Tháp hiện nay cao 16,5m, (còn lại 11 tầng và 1 tầng bệ, phần chóp của tháp đã bị đổ vỡ). Được cấu tạo với bình đồ hình vuông nhỏ dần về ngọn. Cạnh của tầng dưới cùng là 4,45 mét, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55 mét.
Từ bệ tháp đến hết tầng 2, có chiều cao dưới 6 mét hoa văn hoàn chỉnh nhất. Đây là ngọn tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến ngày nay.
Ở hai tầng có họa tiết trang trí kỹ lưỡng với hàng hoa cúc, cánh sen, lá đề, hoa mặt nhẵn, rồng chạm nổi, cùng mô típ “sư tử hý cầ”. Trong ảnh là viên gạch có trang trí kiểu lá đề, đơn giản, không thực trau chuốt như “lá đề” thời Lý.
Tháp Bình Sơn được xây dựng bằng nhiều loại gạch như “gạch khẩu” với nhiều kích cỡ, hình chữ nhật, để trơn, dày mỏng không nhất loạt như nhau dùng để xây chân bệ. Loại gạch hình hộp, có trang trí, thường được dùng ở các đường diềm…
Nằm trong khuôn viên chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), tháp Báo Nghiêm trông như cây bút khổng lồ vươn thẳng lên trời cao. Tháp cao 13,5 mét, có 5 tầng, mỗi tầng 8 mặt, tất cả được xây bằng đá. Tầng dưới cùng của tháp rộng hơn các tầng trên với mái hiên nhô ra.
Ở tầng dưới cùng của tòa tháp có 13 bức phù điêu chạm vào đá. Nhiều phù điêu hình tượng phật giáo được đắp, khắc xung quanh bảo tháp.
Đỉnh tháp có hình bầu hồ lô, tượng trưng cho sự hội tụ linh khí của đất trời.
Lòng tháp đặt tượng Hòa thượng Chuyết Chuyết, vị sư trụ trì danh tiếng của chùa Bút Tháp thế kỷ 17.
Tháp Báo Nghiêm được quan sát từ trong không gian chùa Bút Tháp.
Bên hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là Tháp Bút bằng đá, cao 5 tầng, được xây dựng năm Tự Đức thứ 18 (1865) trên nền núi Độc Tôn cũ theo ý tưởng của nhà nho Nguyễn Văn Siêu, nằm ở phía ngoài lối vào cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn.
Trên thân ba tầng giữa có khắc theo chiều dọc ba chữ Tả Thanh Thiên (chữ Hán: 寫青天) mang nghĩa viết lên trời xanh. Tháp dựng trên một núi đá do người xếp thành, đường kính 12m, cao 4m.
Tháp vuông có 5 tầng, cao 28m. Đỉnh là một ngòi bút lông dựng ngược. Cả cán và ngòi bút cao 0,9m.
Ở đầu cầu Thê Húc là đài nghiên, được đặt trên tòa cửa đầu tiên dẫn vào đền. Đây là một nghiên mực bằng đá xanh đẽo tạc theo hình nửa quả đào, cắt ngang theo chiều dọc, khoét lõm. Bề dài quả đào 0,97m, bề ngang 0,8m, cao 0,3m, chu vi 2m, có ba con thiềm thừ (con cóc) đội nghiên như ba cái chân kiềng
Cụm kiến trúc Tháp Bút biểu dương văn chương, nhưng đồng thời cũng để biểu dương võ công của chúa Trịnh trong việc dẹp cuộc khởi nghĩa của quận Hẻo Nguyễn Danh Phương.
Nguồn: Báo xây dựng