Những tòa nhà chọc trời bằng bùn giữa lòng Yemen

Tại Yemen, các tòa nhà được xây dựng bằng vật liệu tự nhiên, vững bền theo thời gian và thích hợp với khí hậu khô nóng trên bán đảo Ả Rập.

Bước qua Bab-al-Yaman, cánh cổng khổng lồ để vào thành phố Sana’a (Yemen) có tường bao quanh, giống như đặt chân đến một thế giới khác.

Trên những con phố, người thợ khóa cặm cụi sửa chiếc chìa khóa kim loại để mở cánh cửa gỗ uy nghiêm, anh bán xương rồng lê gai hì hục đẩy xe hàng và thợ làm bánh địa phương vừa lấy bánh mì tươi từ cái hố nóng rực.

Nhưng kiến trúc mới là yếu tố tạo nên sự độc đáo cho Sana’a.

Kỳ quan kiến trúc ngoạn mục

Thủ đô của Yemen tràn ngập những tòa nhà cao tầng bằng bùn vươn mình lên bầu trời xanh, nằm chen chúc trong con ngõ hẹp gần khu chợ cổ xưa.

Trong mỗi ngôi nhà, tầng trệt không có cửa sổ và thường sử dụng làm nơi ở cho động vật. Ở phía trên, khung cửa sổ có đường diềm được quét vôi trắng tương phản với nền màu bùn của công trình. Chúng được che đậy bằng tấm kính màu hoặc Mashrabiya (thiết kế truyền thống trong văn hóa Islam), để bảo vệ sự riêng tư của người phụ nữ, cũng như lưu thông gió và đưa ánh sáng vào nhà.

nhung toa nha choc troi bang bun giua long yemen
Cung điện đá Dar-al-Hajar như mọc từ ngọn núi. Ảnh: The New Arab.

Được xây dựng bằng vật liệu tự nhiên, những tòa nhà cao tầng ở Yemen có độ bền tuyệt vời và hoàn toàn phù hợp với khí hậu khô nóng trên bán đảo Ả Rập.

“Vào ban ngày, nhiệt từ Mặt trời sẽ hấp thụ vào tường. Khi màn đêm buông xuống, nhiệt lượng từ từ tỏa ra, khiến tòa nhà luôn duy trì nền nhiệt lý tưởng để người dân cảm thấy dễ chịu”, giáo sư Ronald Rael tại Đại học UC Berkeley, giải thích sự đặc biệt của kiến trúc bùn ở Yemen.

Bên cạnh thủ đô Sana’a, những công trình bằng bùn còn hiện diện trên khắp lãnh thổ Yemen, từ ngôi làng nhỏ Shibam được mệnh danh “Manhattan của sa mạc”, cho đến cung điện đá Dar-al-Hajar như mọc ra từ ngọn núi đồ sộ.

Theo Trevor Marchand, giáo sư tại trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi của London, rất khó xác định niên đại chính xác của kỳ quan kiến trúc này. Tài liệu thời Trung cổ cho thấy cung điện Ghumdam ở Sana’a, một trong những tòa nhà bằng bùn lâu đời nhất Yemen, được xây dựng cách ngày nay khoảng 2.300 năm.

nhung toa nha choc troi bang bun giua long yemen
Sibam, “Manhattan của sa mạc” được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 1982. Ảnh: Daily Sabah.

“Các thị trấn và thành phố có một bức tường bên ngoài, được gọi là Sur, với ranh giới là sa mạc rộng lớn”, kiến trúc sư Salma Damluji nói. Do vậy, cư dân Yemen cổ đại đã chọn thiết kế công trình theo chiều thẳng đứng.

Ngoài ra, sự hình thành khu định cư tập trung cũng là cách thức để bảo vệ người dân trước những cuộc xâm lược, cũng như trong thời kỳ nội chiến và tranh chấp quyền lực giữa các bộ lạc địa phương.

Bảo vệ di sản

Cư dân Yemen thường không sử dụng giàn giáo trong quá trình xây dựng các tòa nhà cao tầng.

Thay vào đó, họ sẽ đặt viên gạch đầu tiên xuống phần móng sâu khoảng 2 m, phía trên thi công theo nguyên tắc câu gạch dọc, nghĩa là một viên gạch được chồng lên bởi hai viên khác. Giàn giáo chỉ được sử dụng khi ngôi nhà đã hoàn thành hoặc cần sửa chữa.

nhung toa nha choc troi bang bun giua long yemen
Kỳ quan kiến trúc bùn ở thủ đô Sana’a, Yemen. Ảnh: The Guardian.

Tuy nhiên, nghệ thuật xây dựng tòa nhà bằng bùn đang có nguy cơ thất truyền ở Yemen. Để ngăn chặn điều này, Salma Damluji đang hợp tác với Tổ chức Kiến trúc Dawan, đơn vị khuyến khích sử dụng vật liệu và phương pháp truyền thống, nhằm bảo tồn di sản quý giá của quốc gia Tây Á.

Hiện nay, những kỳ quan kiến trúc bằng bùn tại Yemen đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ gió, chiến tranh và lệnh trừng phạt của phương Tây. Vào năm 2020, UNESCO đã tiến hành khảo sát hiện trạng khoảng 8.000 tòa nhà và khôi phục 78 công trình đang trên bờ vực sụp đổ.

“Thật đáng tiếc khi chứng kiến lịch sử biến thành đống đổ nát. Đây là một sự mất mát lớn cho toàn thể nhân loại”, Arwa Mokdad, nhà vận động vì hòa bình của Tổ chức Cứu trợ và Tái thiết Yemen, chia sẻ.

“Tôi không khỏi tự hào khi được sống trong ngôi nhà được nhiều thế hệ gìn giữ. Nó là sợi dây kết nối giữa thế hệ chúng tôi với quá khứ”, Arwa nói thêm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích