Những tín hiệu tích cực trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam
Tình hình đăng ký doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi
Tổng cục Thống kê cho biết, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ “zero Covid” sang sống chung an toàn với dịch bệnh. Tại Việt Nam, Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” (Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021) được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Đây là bước đi mới của Chính phủ để đảm bảo tiếp tục thực hiện đồng thời 2 mục tiêu là kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ sau 10 ngày Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành (11/10/2021-20/10/2021), đã có 3.753 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm 45,6% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng, với số vốn đăng ký là 42,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,9%. Tính chung trong tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 8.233 doanh nghiệp, tăng 111,2% so với tháng 9/2021, số vốn đăng ký đạt 108,6 nghìn tỷ đồng, tăng 73,9%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động có 4.304 doanh nghiệp, tăng 29,8%. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình đăng ký doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi.
Tổng Cục thống kê cho biết, tại một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 cũng có sự chuyển biến khi số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đều tăng cao so với tháng 9/2021 như: Thành phố Hồ Chí Minh (số doanh nghiệp thành lập mới tăng 204,7%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 31,6%), Bình Dương (tăng 260,3% và tăng 17%), Cần Thơ (tăng 289,5% và tăng 58,3%), Đồng Nai (tăng 325,6% và tăng 3,8%), Hà Nội (tăng 110,1% và tăng 17,8%),…
Ảnh minh họa |
Cũng trong tháng 10/2021, cả nước có 7.346 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 14,8%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 43%.
“Mặc dù, các doanh nghiệp đã dần phôi phục lại sản xuất nhưng vấn đề khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là thiếu lao động cho hoạt động sản xuất do trong đợt nghỉ giãn cách, người lao động đã tìm kiếm công việc khác thay thế hoặc đã trở về quê. Việc tuyển dụng và đào tạo cho nhân lực mới ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và nguồn kinh phí của doanh nghiệp. Chính vì vậy rất cần sự đồng hành từ Chính phủ trong việc chia sẻ những khó khăn cho doanh nghiệp”, Tổng cục Thống kê cho hay.
3/6 định hướng chính sách trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF (Diễn đàn Kinh tế thế giới) ngày 29/10/2021 với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục vụ toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm và đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh sáu định hướng chính sách quan trọng của Việt Nam:
Thứ nhất, phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.
Thứ 2, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định đời sống xã hội.
Thứ 3, triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia…có tác động lan toả, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Thứ 4, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Thứ 5, nâng cao chất lượng thể chế đồng bộ, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế, là điều kiện tiên quyết, một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước 10 năm tới.
Thứ 6, nhằm phát huy tối đa nguồn lực quan trọng nhất là con người với tư cách vừa là chủ thể vừa là mục tiêu cao nhất của sự phát triển thì nguồn nhân lực được coi là yếu tố quan trọng nhất. Song song với đó, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực tự chủ của nền kinh tế phù hợp với những điều chỉnh sau đại dịch COVID-19.
“Như vậy, có 3/6 định hướng chính sách trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Từ đó có thể thấy được sự quan tâm của Chính Phủ trong phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, Tổng cục Thống kê cho hay.
Theo Minh Ngọc/vnmedia.vn
https://vnmedia.vn/kinh-te/202111/nhung-tin-hieu-tich-cuc-trong-dang-ky-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-viet-nam-6d65713/
Nguồn: Báo lao động thủ đô