Những Thủy tổ vùng đất thiêng Kinh Bắc
(Xây dựng) – Vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc, không chỉ được biết đến là cái nôi của Thủy tổ Quan họ (nơi có đền thờ Đức Vua Bà, người khai sinh ra làn điệu Dân ca Quan họ nổi danh năm Châu) mà ở vùng đất thiêng này, còn là nơi khởi nguồn của rất nhiều Thủy tổ khác.
Cổng nghi môn Lăng Kinh Dương Vương được xây dựng trên một dải đất cao, bên hữu ngạn sông Đuống. |
Trải qua các tiến trình lịch sử đã tạo nên một Bắc Ninh giàu bản sắc, độc đáo, hấp dẫn và mang dấu ấn riêng có. Nếu Bắc sông Đuống là vùng đất phát tích Vương triều Lý, triều đại khởi đầu nền văn minh Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc thì Nam sông Đuống lại đậm đặc dấu thiêng truyền thuyết về Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ, Thủy tổ của dân tộc, mở ra thời đại các Vua Hùng dựng nước làm rạng rỡ non sông.
Chính bởi lẽ đó, mà ngày nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia khảo cổ học và các chuyên gia về đô thị cổ, Bắc Ninh không chỉ dừng lại ở “Thất Tổ” mà có tới “Bát Tổ” và nhiều hơn thế… những Thủy tổ này đã tạo nên vùng đất thiêng Kinh Bắc những huyền sử và giá trị về văn hóa di sản to lớn.
Nam Bang Thủy Tổ – Kinh Dương Vương
Kinh Dương Vương là một nhân vật truyền thuyết trong lịch sử, tương truyền ông là Đức Thủy tổ mở ra Nhà nước sơ khai độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta.
Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, mặt khắc 1 có chép về thân thế của Kinh Dương Vương: “Vương tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. Nhâm Tuất, năm thứ 1. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhiều lần đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua Kinh Dương Vương. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho Đế Nghi, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân”.
Như vậy, theo Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư thì Kinh Dương Vương làm vua và cai trị đất nước Xích Quỷ từ khoảng năm 2879 trước Công nguyên trở đi.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục đệ tam kỷ, quyển 53, mặt khắc 25, 26 có chép: “Miếu Kinh Dương Vương nằm ở xã Á Lữ, huyện Siêu Loại (nay là thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)” – nơi duy nhất ở nước ta còn nguyên dấu tích Thủy tổ của người Việt.
Phía trước Lăng là tấm bia đá khắc năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) mang dòng chữ “Kinh Dương Vương lăng”. |
Đền Tổ (Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ)
Nằm sát bờ Nam sông Đuống, truyền rằng, vùng đất Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành là miền đất cổ, nơi hội tụ của “Tứ linh” với 99 cái ao, 99 cái gò, được ví như long – ly – quy – phượng chầu về.
Với diện tích tự nhiên gần 120km2, thị xã Thuận Thành ngày nay là nơi khởi nguồn của rất nhiều Thủy tổ như: Nam Bang Thủy Tổ – Kinh Dương Vương; đền tổ (Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ); nơi phát triển của hai dòng văn hóa tín ngưỡng lớn nhất Việt Nam là Phật giáo và Nho học, ghi dấu ấn đậm nét trong thời kỳ Luy Lâu là Tổ đình phật giáo – chùa Dâu.
Theo huyền sử, Kinh Dương Vương là cháu ba đời của vua Thần Nông. Kinh Dương Vương lên làm vua và đặt tên nước là Xích Quỷ vào khoảng năm 2879 (trước Công nguyên). Kinh Dương Vương lấy Nữ Thần Long sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra bọc rồng trăm trứng, nở trăm chàng trai, người con cả là Hùng Đoàn được cha truyền ngôi, phong là Hùng Quốc Vương, thành lập ra Nhà nước Văn Lang.
Chính vì vậy, mà họ Hùng là cháu ba đời của Thủy tổ Kinh Dương Vương (thuộc họ Hồng Bàng) truyền được 18 đời… Ngày nay, người dân Á Lữ vẫn thường gọi Kinh Dương Vương là “ông nội” của Vua Hùng.
Hai ngôi đền cổ ở phía Tây làng Á Lữ thờ phụng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ (đền Thượng thờ Kinh Dương Vương, đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ), có quy mô kiến trúc to lớn, chạm khắc trang trí “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy.
Nam giao học tổ – Sĩ Nhiếp
Cách lăng Kinh Dương Vương không xa là đền thờ Sĩ Nhiếp ở thôn Tam Á, xã Gia Đồng, thị xã Thuận Thành, “ông tổ” của nghề dạy học nước Nam – Thái thú Sĩ Nhiếp.
Sĩ Nhiếp (137-226) tự là Ngạn Uy, tổ tiên là người Vấn Dương nước Lỗ. Trong thần tích ngôi đền, Sĩ Nhiếp là một vị quan cai trị nổi tiếng có tài và đức độ. Sử gia Ngô Sĩ Liên cũng từng viết trong Đại Việt sử ký toàn thư về Sĩ Nhiếp: “Độ lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sỹ, người trong nước yêu mến, đều gọi là Vương. Danh sỹ nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người”.
Ngài được các triều đại phong kiến sau này ban tặng 33 đạo sắc phong và được suy tôn là một trong những nhân vật mở đường cho Nho giáo ở Việt Nam, tôn vinh là “Nam Giao học tổ”.
Ông tổ quân khí – Cao Lỗ Vương
Tướng quân Cao Lỗ (277-179 trước Công nguyên) còn có tên là Đô Lỗ hoặc Đô Lỗ Thạch Thần, quê ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ông là người có công lớn trong việc dời đô từ Phong Châu về vùng đồng bằng. Là cận thần của An Dương Vương, ông là tổng công trình sư xây dựng thành Cổ Loa, là người chế ra nỏ thần liên châu, giúp vua xây dựng và bảo vệ Nhà nước Âu Lạc trong thời kỳ đầu, cách đây hơn 2.000 năm. Tên ông đã gắn liền với lịch sử oai hùng của dân tộc.
Trong cuộc Hội thảo khoa học năm 2013 “Cao Lỗ – Danh tướng thời dựng nước”, các nhà nghiên cứu nhận định rằng, nếu các Vua Hùng có công tạo nên Nhà nước Văn Lang đầu tiên cho người Việt, thì người có công đầu tạo nên nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương chính là Cao Lỗ.
Hội thảo cũng đã rút ra những bài học quý giá cho hậu duệ họ Cao và nhân dân cả nước, đó là: Luôn phải đề cao cảnh giác với bọn xâm lược, phải có kế sách giữ nước ngay từ khi nước còn mạnh. Phải biết trọng dụng người hiền tài và tăng cường sự đoàn kết toàn dân tộc để bảo vệ, xây dựng đất nước hùng mạnh.
Vị vua sáng lập triều Lý – Lý Thái Tổ
Lý Công Uẩn (974-1028) – người khai sáng vương triều Lý, đồng thời là người khai sáng nền văn minh Đại Việt, khai sáng Thủ đô Thăng Long – Hà Nội. Ông quê ở làng Cổ Pháp (nay thuộc Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, nơi lưu giữ ngôi đền Lý Bát Đế nổi tiếng thờ 8 vị vua triều Lý).
Về lý lịch xuất thân của Lý Công Uẩn, qua dữ liệu lịch sử cho thấy, ông là con nuôi nhà sư Lý Khánh Văn ở chùa Cổ Pháp. Sau khi lên làm vua, ông quyết định chọn thành Đại La làm Kinh đô, dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên là thành Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay.
Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, Vương triều Lý là Vương triều mở đầu kỷ nguyên mới – kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Việc Triều Lý mở Quốc Tử Giám, xác lập chế độ đại học, mở khoa thi tuyển chọn nhân tài cho đất nước là những sự kiện, những cái mốc văn hóa mang ý nghĩa trường cửu. Theo chứng tích lịch sử, đất nước ta dưới thời Vua Lý Thái Tổ trị vì, thiên hạ được yên ổn, nhân dân ngày càng no ấm.
Tam Tổ Trúc Lâm – Huyền Quang
Huyền Quang (tức Lý Đạo Tái 1254 – 1334) là người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang xưa, nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình. Ông học giỏi, đỗ cả thi hương, thi hội. Năm 20 tuổi, ông đỗ Trạng nguyên khoa thi năm 1272 và làm quan trong triều đình, sau từ chức đi tu, theo Trần Nhân Tông lên Trúc Lâm, trở thành tổ thứ ba dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Huyền Quang là một Thiền sư cũng là một nhà thơ lớn của Việt Nam với nhiều bài thơ còn được lưu lại.
Theo “Tổ gia thực lục”, từ nhỏ ông đã có khiếu văn chương, tư chất thông minh, hiếu học, năm hai mươi tuổi, đỗ thi hương rồi năm sau đỗ đầu thi hội (1274); được bổ dụng vào Viện nội hàn, từng tiếp sứ Bắc, rất nổi tiếng về thơ văn. Nhưng không bao lâu ông một mực xin từ chức đi tu, được người đứng đầu dòng Thiền Trúc lâm lúc bấy giờ là Trần Nhân Tông rất quý mến, giao cho Thiền sư Pháp Loa hướng dẫn. Về sau ông trở thành vị tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm.
Năm Giáp Tuất (1334) Huyền Quang viên tịch tại chùa Côn Sơn, vua Trần Minh Tông đã ban xây tháp, cấp 150 mẫu ruộng để làm tư điền và ban duệ hiệu là Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại, đặc phong pháp tự Huyền Quang tôn giả.
Thủy tổ Quan họ – Đức Vua Bà
Đền Vua Bà Thủy Tổ (khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) là nơi duy nhất trong 49 làng Quan họ gốc của Bắc Ninh, Bắc Giang thờ vị Thủy tổ Quan họ – người sản sinh làn điệu Quan họ và là người khai dân lập ấp dạy dân làm ăn, dạy dân làng trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, nghề này ngày nay vẫn còn duy trì và phát triển thành nghề truyền thống của làng Viêm Xá. Bà được phong là Vương mẫu giới phúc.
Sau này qua nhiều thế kỷ, nhân dân Viêm Xá còn thờ bà ở trong đình như một vị thần hoàng. Đình Diềm hiện còn giữ được 5 ngai thờ của 5 vị thần hoàng và sắc phong của 5 vị, trong đó có bà. Bà được phong “Đương cảnh thành hoàng thiên tử Nhữ Nương nam nữ Nam Hải Đại Vương”.
Đền được cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994. Năm 2014, lễ hội làng Diềm được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Quang cảnh chùa Dâu nhìn từ trên cao với kiến trúc cổ kính nhưng vẫn giữ được nét uy nghi. |
Tổ đình Phật giáo – chùa Dâu
Chùa Dâu còn có tên gọi khác là Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Định tự, chùa Bà Dâu, thuộc thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013).
Theo thư tịch cổ, chùa được khởi dựng ở vùng Dâu (Luy Lâu) vào thế kỷ II đầu Công nguyên, thời kỳ Sĩ Nhiếp (nhà Hán) làm Thái thú quận Giao Châu. Đây được coi là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta, là dấu tích quan trọng gắn với quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam.
Chùa Dâu in đậm dấu ấn kiến trúc, điêu khắc của nhiều thời kỳ lịch sử, với hệ thống tượng pháp mang nghệ thuật đặc sắc của thời Lê – Nguyễn, đặc biệt là hệ thống tượng Tứ Pháp. Đây là một minh chứng sống động của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt, đã tạo nên một trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo mang bản sắc dân tộc.
Chính từ những trung tâm này, nhiều tăng sỹ đã đắc đạo và có nhiều đóng góp lớn vào nền văn hóa dân tộc. Sự xuất hiện của những trung tâm Phật giáo, Nho giáo lớn còn là điều kiện cho nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc phát triển, đạt được những thành tựu có ý nghĩa thời đại và đã để lại những dấu ấn của các thời kỳ lịch sử.
Với “Bát tổ” kể trên cho thấy, Bắc Ninh là một trong những tỉnh đặc biệt với những nguồn nội sinh bền vững. Đây cũng là lợi thế của tỉnh này trong thu hút đầu tư cũng như là điểm đến, nơi đáng sống và là “đòn bẩy” cần thiết để tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Nguồn: Báo xây dựng