Những thách thức đối với hạ tầng chất lượng quốc gia Việt Nam
Các hoạt động quan trọng trong cấu phần của Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) gồm tiêu chuẩn, đo lường, công nhận, đánh giá sự phù hợp đã được Chính phủ Việt Nam quan tâm và ban hành nhiều khung pháp lý với 03 luật nền tảng là Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường.
Trong lĩnh vực tiêu chuẩn, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn và tổ chức thực hiện Luật này. Với vai trò cơ quan đầu mối, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thẩm định khoảng 800 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) theo đề nghị của các Bộ quản lý chuyên ngành theo đúng quy định.
Đến nay, các Bộ quản lý chuyên ngành đã ban hành và đăng ký tại Bộ Khoa học và Công nghệ trên 800 QCVN. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức xây dựng, thẩm định và công bố 13.500 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó tỷ lệ hài hòa so với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực đạt 62%; Cùng với việc tham gia với tư cách là thành viên P (thành viên tham gia chính thức) đã tham gia 98 ủy ban kỹ thuật và tiểu ban của Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO); 03 ban kỹ thuật của Uỷ ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC). Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập 135 ban kỹ thuật và 56 tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia gồm hơn 1.100 chuyên gia, nhà khoa học của các viện, trường, hiệp hội, doanh nghiệp…
Đối với lĩnh vực về đo lường, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường và 02 Nghị định quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định hiệu chuẩn thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Để hướng dẫn thực thi Luật Đo lường và các Nghị định này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành 14 Thông tư quy định về đo lường; tổ chức xây dựng và phát triển 32 chuẩn đo lường quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, xây dựng được hệ thống các văn bản kỹ thuật gồm có 349 Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) đã được ban hành gồm: các yêu cầu kỹ thuật đo lường, quy trình kiểm định, quy trình hiệu chuẩn, quy trình thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
Ảnh minh hoạ
Cùng với việc nghiên cứu, thiết lập, duy trì, bảo quản và khai thác hệ thống chuẩn đo lường quốc gia; đã xây dựng và hình thành mạng lưới thực hiện dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm gồm 564 tổ chức đăng ký, 385 tổ chức được chỉ định đang hoạt động với khoảng 7300 chuẩn đo lường để sử dụng trực tiếp kiểm định phương tiện đo được đầu tư, trang bị và khoảng 4800 kiểm định viên được chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên đo lường để cung cấp các dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hoạt động đo lường của Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ với đo lường khu vực và quốc tế, thể hiện rõ thông qua sự tham gia họp đầy đủ và có trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là thành viên của các tổ chức OIML, BIPM, APMP, APMLF, ACCSQ, EGM,… Đến nay, Việt Nam đã có 31 phép đo hiệu chuẩn (CMCs) được thừa nhận quốc tế theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về chuẩn đo lường quốc gia (CIPM MRA).
Lĩnh vực đánh giá sự phù hợp và công nhận, với hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn và tổ chức thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, giám định, chứng nhận, kiểm định, công nhận) trở thành nền tảng kỹ thuật cần thiết giúp doanh nghiệp khẳng định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Ngoài ra, hoạt động công nhận là biện pháp giúp cho việc thừa nhận lẫn nhau đối với kết quả thử nghiệm/hiệu chuẩn, giám định chất lượng và chứng nhận chất lượng; là tiền đề nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước; là cơ sở để phát triển trao đổi thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu “một tiêu chuẩn, một lần đánh giá, được chấp nhận ở mọi nơi”.
Đến nay có 1.582 tổ chức đánh giá sự phù hợp được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, trong đó 1.075 tổ chức thử nghiệm, 240 tổ chức chứng nhận sản phẩm và chứng nhận hệ thống quản lý, 106 tổ chức giám định và 161 tổ chức kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa; 62 tổ chức tổ chức chứng nhận được công nhận đối với lĩnh vực chứng nhận sản phẩm (ISO/IEC 17065); 82 tổ chức tổ chức chứng nhận được công nhận đối với lĩnh vực chứng nhận hệ thống quản lý (ISO/IEC 17021); 78 tổ chức giám định được công nhận (ISO/IEC 17020); 1.311 tổ chức thử nghiệm/phòng thử nghiệm được công nhận (ISO/IEC 17025); 196 phòng hiệu chuẩn được công nhận (ISO/IEC 17025); 190 phòng xét nghiệm được công nhận (ISO 15189).
Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã chỉ định hơn 370 tổ chức đánh giá sự phù hợp phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2; có 03 tổ chức công nhận (BoA, AOSC, VACI) đã đăng ký hoạt động, trong đó BoA và AOSC là thành viên ký thỏa ước thừa nhận lẫn nhau MRA của Tổ chức APAC và ILAC cho chương trình Công nhận Phòng thí nghiệm (ISO/IEC 17025) và Phòng xét nghiệm y tế (ISO 15189). Như vậy, ở Việt Nam, NQI đã và đang được xây dựng, phát triển. Với một số kết quả ban đầu, hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam đã góp phần tích cực, hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ tích cực trong việc xây dựng NQI, nhưng vẫn còn tồn tại khoảng cách nhất định về trình độ kỹ thuật và năng lực quản lý so với các nước trong khu vực, các nước phát triển.
Thứ nhất về cơ chế, chính sách, hệ thống thể chế hỗ trợ xây dựng và phát triển NQI vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng chủ yếu được thiết lập trước năm 2010, nhiều hệ thống pháp luật và phương thức quản lý vẫn mang tính chất kinh tế kế hoạch hóa mạnh mẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường và phát triển của thời đại mới. Các chính sách này chủ yếu là ngắn hạn, thiếu tính liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương, chưa có cơ chế chính sách tổng thể cho việc xây dựng và phát triển NQI.
Thứ hai, Việt Nam thiếu năng lực kỹ thuật cho NQI để hỗ trợ phát triển công nghiệp. Thứ ba, về huy động nguồn lực, việc xây dựng và phát triển NQI cần có sự hỗ trợ tài chính, huy động nguồn lực từ chính phủ, từ các địa phương, doanh nghiệp và phân bổ nguồn lực đóng vai trò cơ bản.
Thứ tư, tính liên kết đồng bộ, thống nhất, trong quá trình phát triển công nghiệp, các yếu tố của NQI có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Do ảnh hưởng của việc phân chia mang tính hành chính, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chứng nhận và công nhận, kiểm tra và thử nghiệm của Việt Nam cũng như các yếu tố khác của NQI chưa được liên kết. Việc thiếu liên kết, điều phối và hợp tác giữa các cơ quan quản lý liên quan và các tổ chức kỹ thuật. Thiếu sự đồng bộ, phối hợp hiệu quả giữa các yếu tố khác nhau của NQI đã hạn chế sức mạnh tổng hợp của NQI và khả năng tích hợp các dịch vụ.
Thứ năm, về chuyển đổi số, Việt Nam chưa xây dựng được các nền tảng, hệ thống thông tin số; dữ liệu số; hạ tầng số làm nền tảng phục vụ phát triển ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; các hệ thống thông tin manh mún, phân tán cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin nội bộ của Tổng cục với các bộ, ngành, địa phương.
Thứ sáu, Việt Nam còn hạn chế phát triển giáo dục và phát triển kỹ năng, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực và sức cạnh tranh nhằm thúc đẩy năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Về định hướng thời gian tới, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ sẽ xây dựng và trình Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” (cuối tháng 11/2023).
Về một số mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia trong đó có Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý khác có liên quan. Chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam đạt vị trí 45 trong bảng xếp hạng Chỉ số hạ tầng chất lượng toàn cầu.
Hán Hiển