Những tác động tiêu cực của tua bin điện gió tới vật nuôi và sức khỏe con người

Những tác động tiêu cực của tua bin điện gió tới vật nuôi và sức khỏe con người

Theo các nhà nghiên cứu, tua bin điện gió được xem là chìa khóa để thúc đẩy nền kinh tế không cacbon. Tuy nhiên bên cạnh những tác động tích cực thì tua bin gió cũng để lại không ít tiêu cực cho vật nuôi và cây trồng lẫn môi trường sống.

Tua bin gió co tác động tiêu cực thế nào tới vật nuôi và sức khỏe

Trong những năm gần đây, năng lượng gió với tư cách là đại diện cho năng lượng tái tạo được đánh giá cao và phát triển nhanh chóng. Năng lượng gió là nguồn năng lượng sạch được sử dụng rộng rãi hiện nay nhưng những vấn đề liên quan đến nó cũng ngày càng được mọi người quan tâm. Khi thảo luận về tính bền vững và bảo vệ môi trường của năng lượng gió, chúng ta không thể bỏ qua một số tác hại tiềm tàng của nó đối với môi trường.

Do tua bin gió thường được đặt gần môi trường sống di cư hoặc trú ngụ của các loài chim nên cánh quay của các thiết bị này có nguy cơ va chạm tiềm ẩn đối với các loài chim. Một số lượng lớn các loài chim bị thương hoặc thiệt mạng mỗi năm do va chạm với các cánh quạt đang quay, điều này có tác động không thể khắc phục được đối với quần thể chim trong hệ sinh thái địa phương. Ngoài chim, các loài động vật bay khác như dơi cũng thường xuyên bị đe dọa bởi các thiết bị năng lượng gió.

Năng lượng gió cũng gây ra các vấn đề về tiếng ồn và ô nhiễm thị giác. Thiết bị phát điện bằng gió sẽ tạo ra tiếng ồn trong quá trình vận hành, đặc biệt sẽ gây ra sự xáo trộn nhất định cho người dân và động vật hoang dã gần đó. Việc tiếp xúc kéo dài với môi trường có tiếng ồn cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả con người và động vật, dẫn đến gia tăng căng thẳng, giảm chất lượng giấc ngủ và tổn hại thính giác.

Hiệu ứng hình ảnh của thiết bị điện gió cũng sẽ có tác động nhất định đến cảnh quan xung quanh. Đặc biệt khi các trang trại gió được xây dựng với quy mô lớn, những tòa tháp cao chót vót và những cánh quạt quay khổng lồ này thường phá hủy cảnh quan thiên nhiên ban đầu, dẫn đến hủy hoại môi trường sinh thái và mất cảnh quan.

Những tác động tiêu cực của tua bin điện gió tới vật nuôi và sức khỏe con người
Bên cạnh những tác động tích cực thì tua bin gió cũng để lại nhiều hậu quả về lâu dài. Ảnh minh họa

Nhà khí tượng học nông nghiệp Eugene Takle từ Đại học bang Iowa (Mỹ) đã thực hiện nhiều nghiên cứu về tác động của tua bin gió lên những cánh đồng bắp. Iowa là một phần của “vành đai bắp” của nước Mỹ, khu vực có sản lượng bắp hàng đầu thế giới.

Takle giải thích một trong những điều dễ thấy nhất của tua bin gió là giúp “trộn” không khí, từ đó mang lại nhiều carbon dioxide (CO2). Cây bắp lại thích được hấp thụ nhiều CO2. Ngoài ra, bằng cách làm cho không khí chuyển động, tua bin gió có thể giúp giảm lượng sương trên lá vào ban đêm, từ đó cũng giảm bệnh cây trồng như bệnh do nấm gây ra.

Cũng do các tua bin trộn lẫn không khí và tốc độ gió chậm nên chúng cũng có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ xung quanh, khiến đêm ấm hơn và ngày mát hơn. Cả hai tác động này, theo Takle, đều có thể giúp ích cho cây trồng, làm cho những đêm băng giá ít xảy ra hơn và giảm số ngày oi bức gây căng thẳng cho cây.

Tỉnh Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc) ghi nhận số dự án điện gió gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Sống cạnh một dự án, cư dân của làng Hyonggye-ri cho biết họ cảm nhận được tác động của những tua bin gió với cộng đồng dân cư và vật nuôi.

Nông dân nuôi ong Ahn Hyo Jong cho biết ông đã từng mất hàng ngàn con ong trong một năm. Ông tin rằng hoạt động tua bin gió là nguyên nhân trực tiếp. Một năm sau, ông chuyển toàn bộ đàn ong sang khu vực khác vì sợ phát sinh thêm tổn thất.

Không chỉ ong, người dân trong vùng cũng thấy một số sinh vật như chuồn chuồn “mất tích” trong ba năm từ khi có các tua bin điện gió. Sản lượng táo cũng giảm mạnh. Đặc biệt, họ còn phản ảnh tiếng ồn của những cánh quạt gió khiến họ như muốn “phát điên”.

Giáo sư Bae Myung Jin tại Phòng thí nghiệm Kỹ thuật âm thanh của Đại học Soongsil nhận định: “Việc tiếp xúc liên tục với tiếng ồn tần số thấp quá mức có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe con người như căng thẳng quá mức, các vấn đề về khớp và rối loạn hô hấp”.

Ngoài ra, giáo sư Bae nói dữ liệu nghiên cứu liên quan ghi nhận một số con bò đã bị sẩy thai do tiếp xúc với tiếng ồn tần số thấp trong thời gian dài. Trong khi đó, Muppandal ở Tamil Nadu là nơi có trang trại gió đang hoạt động lớn nhất Ấn Độ xét về công suất lắp đặt.

Ông Raghavan M. đã nuôi cừu nhiều năm nay. Ông cho biết dưới các tua bin gió hiện gần như không có cỏ. Đàn cừu 70 con của ông buộc phải đi kiếm ăn xa hơn. Ngoài ra, mực nước ngầm cũng giảm rõ ở những nơi có lắp đặt các tua bin gió.

Theo ông Raghavan, những người còn bám trụ với nghề nông như ông ở trong vùng đều cho rằng nếu xét riêng về nông nghiệp, tua bin gió không đem lại tác động tích cực nào.

Phát triển mạnh nguồn điện gió cũng đồng nghĩa với số lượng chất thải phát sinh

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay, năng lượng gió được xem là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy nền kinh tế không cacbon. Chuyển đổi sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo là một giải pháp cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (về năng lượng sạch và giá cả phải chăng) đến năm 2030 do Liên Hợp quốc đề ra.

Theo số liệu thống kê, hiện nay đã có 130 nước trên thế giới phát triển điện gió. Tổng công suất điện gió của thế giới tăng nhanh trong khoảng 1 thập kỷ gần đây. Năm 2020, tổng công suất đã lên tới 733 GW, cao gần gấp hai lần so với năm 2011. Những năm gần đây, xu thế phát triển điện gió ngoài khơi tăng mạnh. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất điện gió ngoài khơi trên thế giới là 64,3 GW. Trong đó, châu Âu có 30 GW, châu Á – Thái Bình Dương đã vượt qua châu Âu, chiếm 34,3 GW. Dự kiến, phát triển điện gió trên toàn thế giới đến năm 2050 với tổng công suất là 5.044 GW.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng gió rất lớn, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện gió dài hạn góp phần giảm thiểu hàng triệu tấn carbon từ nhiệt điện. Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nền móng phát triển ngành công nghiệp điện gió, một giải pháp mang tính dài hạn và chiến lược cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Với trọng tâm chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, điện gió được kỳ vọng sẽ là nhóm được đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi là ưu tiên được nêu rõ trong Quy hoạch điện VIII. Theo đó, đến năm 2030, công suất điện gió trên bờ đạt 21.880 MW (tổng tiềm năng kỹ thuật của Việt Nam khoảng 221.000 MW) và phát huy tối đa tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi (khoảng 600.000 MW) để sản xuất điện và năng lượng mới. Đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.

Định hướng đến năm 2050, tổng công suất điện gió ngoài khơi Việt Nam đạt 70.000 – 91.500 MW. Căn cứ theo Quy hoạch điện VIII, thì điện gió sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là điện gió ngoài khơi. Đến năm 2050, nguồn điện gió sẽ chiếm từ 26,5 đến 29,4% tổng cơ cấu nguồn điện toàn hệ thống.

Phát triển mạnh nguồn điện gió, cũng đồng nghĩa với số lượng chất thải phát sinh từ nguồn điện này cũng tăng cao. Đối với Việt Nam, chất thải từ quá trình sản xuất tua bin gió được loại trừ vì hầu hết các thiết bị của tua bin gió chúng ta chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu hoàn toàn. Như vậy, các chất thải phát sinh từ nguồn điện gió chỉ xuất hiện trong quá trình vận hành và sau khi vòng đời dự án kết thúc.

Theo báo cáo “Phát triển các giải pháp cuối vòng đời cho điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam” cho thấy: “Khoảng 19,3 nghìn tấn vật liệu tua bin gió thải bỏ cuối vòng đời dự án theo kịch bản thải loại bình thường và khoảng 66,9 nghìn tấn vật liệu tua bin gió thải bỏ ở kịch bản thải loại sớm sẽ phát sinh tại Việt Nam vào năm 2030. Đến năm 2040, lượng chất thải phát sinh tích lũy sẽ tăng lên lần lượt là 112,9 – 1.171 nghìn tấn và đến năm 2050 là khoảng 1.484 – 5.057 nghìn tấn trong các kịch bản thải loại bình thường và thải loại sớm. Dự báo về dòng nguyên liệu từ tua bin gió cuối vòng đời dựa trên thành phần vật liệu và khối lượng cuối vòng đời được tính toán với giả định rằng toàn bộ tua bin gió sẽ bị tháo dỡ khi hỏng hóc”. Các cánh tuabin gió là nơi dễ bị hỏng nhất, do chúng là bộ phận chuyển động liên tục trong quá trình vận hành.

Tuổi thọ của cánh quạt tua bin gió là 18 năm ở kịch bản sớm và 26 năm ở kịch bản bình thường. Điều đó nói lên rằng: Khoảng 15 năm nữa (kịch bản sớm) thì chúng ta sẽ phải đối mặt với với lượng chất thải phát sinh từ điện gió sẽ xuất hiện, khác với điện mặt trời là khoảng 20 – 30 năm nữa mới cần tiến hành xử lý các tấm quang điện mặt trời hết hạn sử dụng.

Quy định quốc tế về chất thải từ dự án điện gió

Đối với các dự án điện gió đòi hỏi phải có các quy định cụ thể về tháo dỡ các cánh tua bin gió, bởi kích thước của chúng lớn và vị trí tua bin được lắp đặt ở độ cao hàng trăm mét so với mặt đất, hoặc mực nước biển. Mặt khác, so với các tấm quang điện, thành phần tháo dỡ từ tua bin gió đã có dây chuyền tái chế và không yêu cầu thêm về các kỹ thuật tách lớp. Hiện tại trên thế giới chưa có chính sách cụ thể nào trong việc quản lý chất thải của các tuabin gió.

Tuy nhiên, ở các quốc gia khác nhau đã có các tiêu chuẩn và hướng dẫn cụ thể về ngừng vận hành, tháo dỡ và khôi phục địa điểm của các dự án điện gió. Hầu hết các quy định ngừng vận hành đối với tua bin gió được đề cập thông qua các chính sách quản lý chất thải khác nhau. Cụ thể là chính sách quản lý chất thải phá dỡ và xây dựng, quản lý chất thải kim loại, quản lý chất thải điện tử tương ứng với nhiều loại chất thải khác nhau, phát sinh từ các tua bin gió được cấu thành từ nhiều loại vật liệu khác nhau như bê tông, kim loại, cáp điện.

Do các hợp phần của nhà máy điện gió rất đa dạng, mỗi hãng sản xuất tua bin gió có quy trình riêng nên các nhà đầu tư điện gió Việt Nam cần phối hợp với nhà sản xuất thông qua hợp đồng cung cấp tua bin kèm theo cung cấp quy trình tháo dỡ để áp dụng cho các trang trại điện gió khi hết vòng đời dự án.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích