Những tác động tích cực từ Covid – 19

 

Những tác động tích cực từ Covid-19
Những phần quà được trao đến người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19.Ảnh: Cổng thông tin Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết này nhằm chia sẻ yếu tố tích cực mà đại dịch Covid đã và sẽ đem lại trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Kinh tế online lên ngôi

Trước đại dịch, câu chuyện phát triển kinh tế online trên thế giới đã được bàn luận và nhìn thấy trước. Tuy vậy, giãn cách xã hội quá dài như đã và đang diễn ra sẽ khiến người dân, cả lực lượng cung và cầu quen dần và hình thành tập quán mới khi tham gia nền kinh tế online. Khi giao tiếp xã hội bị hạn chế, mọi người dần quen mua bán, đặt hàng, giao dịch ngân hàng, sử dụng dịch vụ giáo dục, thể dục thể thao, y tế, truyền thông… thông qua online. 

Hàng loạt các loại hình phục vụ cuộc sống như điện ảnh, truyền thông, nghệ thuật sẽ thay đổi theo xu hướng số hóa trên môi trường internet.

Trong hoạt động doanh nghiệp, do có thời gian quá dài bắt buộc làm việc online tại nhà sẽ giúp các giao tiếp online trở thành một thói quen. Người ta sẽ sử dụng các cuộc họp online thay thế cho các cuộc gặp mặt truyền thống. Chắc chắn hàng loạt các cửa hàng ảo, văn phòng ảo, showroom ảo, hội chợ triển lãm ảo…sẽ hình thành sau đại dịch, giúp các hoạt động trở nên thuận tiện, giảm thiểu chi phí và an toàn hơn.

26-8-7-3374-1629986092.jpg
Cách ly xã hội khiến mọi người quen dần với việc học hành, làm việc, giao dịch… trực tuyến. Ảnh: Internet

Nhu cầu sống và xu hướng đầu tư mới được hình thành

Lịch sử đã chứng minh rằng sự đổi mới mạnh mẽ thường được tạo ra và phát triển trong thời kỳ khủng hoảng. Qua đại dịch, nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm xanh, thân thiện môi trường sẽ tác động đến hướng đầu tư bảo vệ môi trường và an toàn cho sức khỏe con người. Trên khắp thế giới, các doanh nghiệp đang phải tự làm mới mình, tự xoay chuyển để tìm ra hướng đi mới, làm ra những sản phẩm có khả năng tái sinh và tiến tới nền kinh tế tuần hoàn.

Việc bùng phát dịch dẫn đến tử vong hàng loạt ở các khu mật độ dân cư lớn sẽ là dấu ấn khó phai nhòa trong ký ức ít nhất một hay hai thể hệ. Chắc chắn sau đại dịch, nhu cầu sống ở ngoại ô, vùng biển, vùng núi – những nơi không khí trong lành, gần gũi thiên nhiên, mật độ dân cư thấp –  sẽ là xu hướng mà không chỉ nguời giàu có mà cả người dân bình thường cũng hướng đến.

Hướng đầu tư bất động sản rồi sẽ chuyển dần sang những vùng ngoại ô hay các tỉnh thành xa, gần gũi thiên nhiên. Xu hướng du lịch cũng thay đổi mạnh mẽ. Chắc chắn du khách sẽ hạn chế tới các nơi du lịch đông đúc, ồn ào mà chuyển tới các khu du lịch sinh thái ngoài hải đảo, các bãi biển hoang sơ hay các vùng cao nguyên.

Lực lượng lao động quay về nông thôn

Làn sóng người lao động ở các thành phố lớn bỏ chạy về quê sẽ gây mất mát lực lượng lao động trong tương lai cho các doanh nghiệp ở các đô thị lớn sau đại dịch. Tuy nhiên, chính việc này sẽ tác động tích cực ở chỗ giảm áp lực về số lượng dân tại các thành phố lớn, giảm áp lực cho hạ tầng đô thị, chuyển dịch lực lượng lao động để phát triển các vùng nông thôn.

Từ đó, các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn mở nhà máy, cơ sở kinh doanh, phát triển bất động sản tại các vùng nông thôn. Trước đại dịch, người ta lo ngại việc dồn nguồn lực phát triển cho đô thị lớn làm mất sự cân bằng. Nay, đại dịch đang tạo ra sự cân bằng hơn cho việc phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng nông thôn và thành thị.

26-8-6-7178-1629986093.jpg
Lô vaccine viện trợ của Nhật Bản đến sân bay Nội Bài hôm 16/6. Ảnh: Lao Động
26-8-5-2455-1629986093.jpg
Chùa Bát Nhã, quận Bình Thạnh trao tặng cơm chay miễn phí cho người dân. Ảnh: Quốc Thanh

Con người sống nhân ái hơn

Những ngày qua tại TP.HCM và các vùng lân cận, trước những đau thương do cơn đại dịch gây ra đối với người thân, đồng nghiệp, hàng xóm…, chúng ta được chứng kiến không ít những câu chuyện cảm động về sự giúp đỡ và tấm lòng của những nhà hảo tâm ở TP.HCM và các tỉnh thành khác.

Chúng ta cũng chứng kiến sự hy sinh xả thân của đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu, của các đội quân tình nguyện, của quân đội… những tấm lòng nhân ái dành cho đồng loại là yếu tố tích cực nhất cho thấy trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, người dân Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước đang siết chặt tay nhau hơn. Chắc chắn sau cơn đại dịch, hình ảnh nhân viên y tế, đội quân tình nguyện giúp sức ở các bệnh viện, người lính quân đội… sẽ luôn là hình ảnh đẹp đọng lại trong mắt người dân. 

Trong mỗi gia đình, tình cảm yêu thương gắn bó trở nên sâu sắc hơn khi cuộc sống đang “treo” mong manh hơn bao giờ hết. Những danh lợi giờ chỉ là phù du. Dù là người giàu sang hay nghèo khó, dù là người quyền chức hay dân thường đều cảm thấy đồng lòng như đang cùng trên con thuyền gặp bão tố giữa biển.

Trong đại dịch, sức khỏe và sinh mạng của bất kỳ ai cũng có thể bị lấy đi bất kỳ khi nào. Sự mong manh của kiếp người lộ rõ hơn bao giờ hết và sợi dây ấy sẽ thắt chặt tình cảm, để rồi sau khi vượt qua cơn đại dịch, mối quan hệ gia đình, xã hội, đồng nghiệp, đối tác… sẽ có những chuẩn mực mới, sống cao đẹp hơn, nhân ái vị tha hơn.

26-8-3-3948-1629986093.jpg
Sau gần 3 tháng cấm tắm biển để phòng chống dịch, hiện các bãi biển ở Vũng Tàu nước biển trở nên trong xanh, cây dại bắt đầu mọc lan trên bãi cát. Ảnh: Thành Duy 

Môi trường trong sạch và lối sống vệ sinh

Đại dịch Covid – 19 đang có những tác động tích cực rõ rệt đối với môi trường sống. Không khí trong lành hơn, đại dương và sông ngòi giảm ô nhiễm, thiên nhiên và động vật đang quay trở lại.

Các thói quen của người dân thay đổi sau đại dịch. Đơn giản như thói quen rửa tay, sử dụng khẩu trang, vệ sinh cá nhân vốn bị xem nhẹ ở các vùng đời sống thấp thì sau đại dịch sẽ trở thành thói quen tốt. Con người có ý thức hơn đối với việc chăm sóc sức khỏe bản thân và giữ gìn không gian sống.

Đại dịch Covid – 19 đang mang lại cho loài người nhiều đau thương nhưng đồng thời cho chúng ta nhiều bài học. Vượt qua đại dịch và sống sót cũng tạo cho chúng ta động lực tích cực để tiến lên phía trước.

 

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích