Những phương án tích hợp nâng cao năng suất cho doanh nghiệp
Theo cấu trúc mới của tiêu chuẩn hệ thống quản lý do tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành thì các hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống quản lý môi trường, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp… có cấu trúc giống nhau trong 10 điều khoản: Bối cảnh của tổ chức, Sự lãnh đạo, Hoạch định, Hỗ trợ, Thực hiện, Đánh giá kết quả hoạt động, Cải tiến.
Sự khác biệt chính giữa các tiêu chuẩn là: ISO 9001 tập trung vào yêu cầu của khách hàng, chất lượng sản phẩm, ISO 14001 tập trung vào các tác động môi trường, ISO 22000 tập trung vào an toàn thực phẩm còn ISO 45001 tập trung vào an toàn sức khỏe và nghề nghiệp cho người lao động.
Cấu trúc các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000/ HACCP, ISO 45001 dựa trên nguyên tắc, quan điểm tiếp cận rủi ro. Các tiêu chuẩn này quy định yêu cầu đối với tổ chức trong việc hiểu bối cảnh của tổ chức và xác định các rủi ro làm cơ sở cho việc hoạch định. Điều này thể hiện việc áp dụng quan điểm tiếp cận rủi ro cho việc hoạch định, thực hiện quá trình của hệ thống quản lý và sẽ hỗ trợ trong việc xác định mức độ của các thông tin dạng văn bản. Một trong những mục đích chính của hệ thống quản lý là hành động như một công cụ phòng ngừa.
Theo đó, các tiêu chuẩn này không có điều riêng biệt về hành động phòng ngừa. Khái niệm về hành động phòng ngừa được thể hiện thông qua việc sử dụng quan điểm tiếp cận rủi ro trong việc tạo lập các yêu cầu của hệ thống quản lý. Quan điểm tiếp cận rủi ro được áp dụng trong các tiêu chuẩn này đã giúp giảm phần nào yêu cầu mang tính quy tắc và thay bằng các yêu cầu trên cơ sở kết quả thực hiện.
Doanh nghiệp có thể tích hợp tất cả yêu cầu của các tiêu chuẩn để xây dựng một hệ thống IMS duy nhất đáp ứng sản xuất và vận hành hệ thống để năng cao năng suất.
Hệ thống quản lý tích hợp (IMS – Integrated Management System) tích hợp tất cả hệ thống và quy trình của tổ chức thành một khung hoàn chỉnh với các công cụ NSCL cho phép tổ chức hoạt động như một đơn vị duy nhất với các mục tiêu thống nhất. Việc sáp nhập này cho phép một doanh nghiệp hợp lý hóa việc quản lý, tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả bằng cách giải quyết tất cả yếu tố của hệ thống nói chung. Vì vậy, phương pháp tiếp cận khi tích hợp là chọn tiêu chuẩn ISO 9001 làm chuẩn, ứng với các điều khoản, chúng ta sẽ chọn một hoặc một vài công cụ để áp dụng, xem như là một phương pháp thực hiện để đáp ứng yêu cầu của những điều khoản đó.
Các tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý do tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành từ năm 2015 trở lại đây đều tuân theo một cấu trúc thống nhất – Cấu trúc tổng quát. Việc đưa ra cấu trúc tổng quát chung cho các tiêu chuẩn sẽ giúp việc tích hợp nhiều HTQL riêng lẻ được áp dụng trong doanh nghiệp thành một HTQL tích hợp, bao quát toàn bộ hoạt động liên quan nhưng vẫn đảm bảo được bộ máy tổ chức tinh gọn, khoa học, không bị chồng chéo.
Thêm vào đó, khi tích hợp thêm công cụ sẽ giúp củng cố, gia tăng hiệu quả của HTQL trong từng yêu cầu cụ thể. Với một doanh nghiệp có nhu cầu áp dụng nhiều HTQL sẽ xảy ra những bất cập do sự chồng chéo các HTQL cũng như khó khăn trong duy trì song song các HTQL riêng lẻ. Đồng thời, doanh nghiệp luôn gặp phải khó khăn khi chưa tối ưu được hoạt động của doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển.
Phương Nam