Những nỗ lực thời gian qua của thế giới vẫn chưa đủ để làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu ?
Những nỗ lực thời gian qua của thế giới vẫn chưa đủ để làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu ?
Theo dõi MTĐT trên
Bên cạnh những thuận lợi và động lực đã đạt được, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chung tay ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều thách thức và trở ngại
Năm 2022 dần khép lại khi mà Pakistan vẫn chưa thể khắc phục được hậu quả trận lũ lụt lịch sử hồi giữa năm khiến hơn 1/3 diện tích đất nước bị ngập trong nước, ít nhất 1.700 người chết và 33 triệu người chịu ảnh hưởng, trong đó có 7,9 triệu người bỏ nơi cư trú và khoảng 6 triệu người đối mặt với khủng hoảng lương thực.
Chỉ trong 11 tháng đầu năm, hơn 15.000 người ở châu Âu đã tử vong do nắng nóng khắc nghiệt chưa từng thấy, hạn hán kéo theo cháy rừng phủ bóng đen lên phần lớn diện tích châu lục.
Vùng Sừng châu Phi trải qua đợt hạn hán dài nhất từ trước tới nay đe dọa an ninh lương thực, đẩy 22 triệu người tới bờ vực nghèo đói.
Miền nam Trung Quốc hứng chịu hạn hán khủng khiếp nhất sau đợt sóng nhiệt dai dẳng và quy mô lớn nhất, khiến nước này có một mùa hè khô hạn thứ hai trong lịch sử, mực nước sông Trường Giang xuống thấp kỷ lục hồi tháng 8.
Năm 2022, lần đầu tiên vấn đề “tổn thất và thiệt hại” do biến đổi khí hậu được đưa ra bàn thảo và thống nhất tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập.
Không chỉ giới khoa học mà ngày càng nhiều lãnh đạo các nước thừa nhận biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những hậu quả thảm khốc, buộc thế giới phải tăng tốc hành động hơn nữa.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio cảnh báo các nước đang đứng trước lựa chọn khốc liệt, giữa một bên là hợp tác giảm khí thải và một bên là đẩy các thế hệ tương lai vào thảm họa khí hậu.
Không chỉ gây những hậu quả nặng nề về kinh tế và môi sinh, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất, lan rộng và sâu nhất đối với quyền con người mà thế giới từng chứng kiến.
Trong báo cáo gửi Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 10, chuyên gia về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu Ian Fry cho biết trên toàn thế giới, mọi quyền cơ bản của con người đều đang suy yếu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khí hậu, gồm quyền được sống, đảm bảo sức khỏe, thức ăn, phát triển, tự quyết, nước uống và sinh hoạt, có việc làm, có nơi ở phù hợp và không bị bạo hành.
Trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu, tình trạng bất bình đẳng sâu sắc thể hiện rõ nét hơn, các nước kém phát triển, người nghèo, những nhóm ít có tiếng nói nhất trong quá trình đưa ra quyết định như trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do những hậu quả của biến đổi khí hậu.
Với những bằng chứng ngày càng rõ nét hơn về hậu quả khắc nghiệt của biến đổi khí hậu với an ninh và phát triển toàn cầu, năm 2022, thế giới cũng đã tăng cường nỗ lực để tìm ra giải pháp giúp đảo ngược tiến trình này, từ đó tạo ra một số thuận lợi, động lực nhất định cho cuộc chiến chung.
Đầu tiên phải kể đến là những nỗ lực nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm của vấn đề và tầm quan trọng của việc tìm ra giải pháp thông qua các hội nghị quốc tế.
Năm 2022 được coi là năm hồi sinh các hội nghị mà ở đó vấn đề biến đổi khí hậu luôn là một trong những nội dung trọng tâm. Các sự kiện riêng về vấn đề biến đổi khí hậu diễn ra dày đặc, đó là Tuần lễ khí hậu Trung Đông và Bắc Phi diễn ra tại Dubai (UAE) tháng 2-3/2022; Hội nghị Stockholm+50 tại Thụy Điển hồi tháng 6; COP27…
Bên cạnh đó, có rất nhiều hội nghị lớn nhỏ khác bàn về những chủ đề có liên quan mật thiết và tác động qua lại với cuộc khủng hoảng khí hậu như Hội nghị về rừng thế giới lần thứ 15 tại Hàn Quốc (tháng 5) tìm cách thúc đẩy giảm khí thải nhờ các cánh rừng; Hội nghị về sa mạc hóa lần thứ 15 cũng trong tháng 5 tại Cote d’Ivoire; Hội nghị về đại dương ở Bồ Đào Nha tháng 6, cùng hàng loạt hội nghị cấp cao của các tổ chức khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7)… đều ưu tiên một phần chương trình nghị sự cho vấn đề ngày càng cấp bách này.
Cùng với đó, các sáng kiến chống biến đổi khí hậu cũng được hưởng ứng rộng rãi. Tới nay, hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký hiệp ước nhằm giảm khí methane, tăng khoảng 50 quốc gia so với thời điểm sáng kiến này được công bố tại COP26 ở Glasgow (Anh) vào năm ngoái. Hàng loạt nước phát triển như Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Ireland, Na Uy, Hà Lan… đã quyết định tham gia Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA) nhằm khuyến khích phát triển phong điện.
Liên minh quốc tế ứng phó với hạn hán đã ra mắt tại COP27: “Sáng kiến Xanh Trung Đông”, “Sáng kiến thị trường carbon châu Phi”, “Lá chắn toàn cầu” hay “Cuộc sống tốt đẹp tại châu Phi” đánh dấu sự hợp tác và tham gia của các khu vực trong nỗ lực chung.
Bên cạnh những thuận lợi và động lực đã đạt được, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chung tay ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều thách thức và trở ngại.
Trên thực tế, bất chấp những nỗ lực trong các năm qua, nhiều khả năng Trái Đất sẽ vẫn nóng hơn, với mức nhiệt trung bình tăng lên trên mức 1,5 độ C ngay từ năm 2031 so với thời kỳ tiền công nghiệp thay vì vào cuối thế kỷ 21 như mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris.
Trong khi các nỗ lực giảm khí thải chưa thể đạt được đến mức mong muốn thì khủng hoảng năng lượng xảy ra một phần do ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraine và tình trạng lạm phát khiến nhiều quốc gia châu Âu tạm dừng lộ trình chuyển đổi xanh, quay lại sử dụng nhiên liệu hóa thạch, từ đó thúc đẩy hoạt động khai thác loại nhiên liệu gây ra nhiều khí thải nhà kính tại châu Phi và châu Á.
Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết năm 2022, ước tính mức tiêu thụ than trên toàn thế giới tăng 1,2% so với năm 2021, vượt 8 tỷ tấn. Chưa bao giờ nhân loại đốt cháy nhiều than đá như vậy trong một năm trong khi đây là loại năng lượng gây ô nhiễm nhất và là nguồn phát thải khí nhà kính hàng đầu.
Ông Kei-suke Sadamori, Giám đốc thị trường năng lượng và an ninh tại IEA, lưu ý rằng: “Thế giới đang tiến gần đến đỉnh điểm về tiêu thụ năng lượng hóa thạch, lẽ ra than phải là thứ giảm đầu tiên, nhưng chúng ta chưa làm được điều đó.”
Trên bàn thảo luận, các bên vì những lợi ích đan xen đã chú trọng hơn tới vấn đề buộc nước khác hành động thay vì cùng tìm cách hành động.
Điều này cản trở rõ rệt việc tìm ra một thỏa thuận chung giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng nóng lên toàn cầu. Đơn cử như thỏa thuận khí hậu đạt được tại COP27 cũng bị đánh giá là chưa đủ tham vọng và thuyết phục, không đi xa hơn so với thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị COP26 liên quan tới các vấn đề chủ chốt.
Dù việc thiết lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” được ví như bước ngoặt thì giới quan sát vẫn tỏ ra thất vọng khi chưa rõ quỹ mới thành lập sẽ vận hành với cơ chế như thế nào, tiền quỹ lấy từ đâu và bao nhiêu sẽ là đủ để quỹ hoạt động.
Hàng loạt cam kết mạnh mẽ đã được đưa ra tại COP26, nhưng sau 1 năm, Liên hợp quốc một lần nữa cảnh báo thế giới đang tiến đến ngưỡng không thể đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu và những hệ lụy thảm khốc.
Cơ hội đảo ngược tiến trình này và cứu Trái Đất đang hết sức mong manh khi mà các quốc gia hành động quá chậm hoặc còn lưỡng lự.
An Đông (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị