Những người trẻ điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Đà Nẵng: Sáng ngủ dậy bỗng đau đầu dữ dội rồi hôn mê
Những người trẻ điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Đà Nẵng: Sáng ngủ dậy bỗng đau đầu dữ dội rồi hôn mê
Theo dõi MTĐT trên
Thời gian gần đây, Bệnh viện Đà Nẵng ghi nhận số bệnh nhân bị đột quỵ đến từ các tỉnh thành miền Trung tăng đột biến. Đáng báo động là tình trạng trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ chiếm tỷ lệ 20%.
Bác sĩ Dương Quang Hải – Phó trưởng khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 tình trạng bệnh nhân đột quỵ tăng rất cao. Hiện, đơn vị đang điều trị cho gần 100 bệnh nhân bị đột quỵ ở mọi lứa tuổi; trong đó có 30% ca bệnh hôn mê, phải thở máy, cần can thiệp sâu…
“1 tháng chúng tôi tiếp nhận, điều trị trung bình hơn 400 bệnh nhân đột quỵ. Trong đó, có ngày đỉnh điểm, khoa tiếp nhận đến hơn 20 ca bệnh”, bác sĩ Hải chia sẻ.
Đặc biệt, không chỉ bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền mới bị đột quỵ mà rất nhiều người trẻ (dưới 40 tuổi) cũng đã mắc bệnh này, chiếm khoảng 20%. Nhiều bệnh nhân bị hôn mê sâu, thở máy, phải dùng các biện pháp điều trị can thiệp, phẫu thuật mở sọ,…
Đang chăm sóc con trai 22 tuổi bị đột quỵ, chị N.T.K (ngụ huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cho biết, sáng mùng 2 tết, con trai chị đang ngồi chơi trước nhà thì thấy mệt trong người và ngã xuống ghế. Thấy vậy, chị liền gọi xe cấp cứu chở vào Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu, đến trưa cùng ngày thì chuyển tuyến ra Bệnh viện Đà Nẵng.
Theo chị K, khi nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán con chị bị xuất huyết não và cấp cứu mổ liền trong ngày. “Giờ con cũng đã tỉnh được một phần nhưng vẫn khó vận động”, chị K nói.
Cũng tất tả chăm sóc con trai trong phòng bệnh nặng của khoa Đột quỵ suốt 2 tháng nay, bà Ng.Th.Ph (ngụ quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, trước đây bình thường anh N.V.C (con trai bà Phi) thường thức dậy lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị và uống thuốc hạ huyết áp trước khi đi làm. Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, khi thức dậy anh C có uống thuốc hạ huyết áp nhưng sau đó bỗng buồn nôn, xuất hiện các triệu chứng nghi đột quỵ.
Người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê. Sau 2 tháng điều trị, tình trạng bệnh nhân đã có tiến triển hồi phục nhưng rất chậm.
“Sau 2 tháng thì bây giờ con tôi mới có cử động được một vài ngón tay. Cháu cũng có dấu hiệu hồi tỉnh. Hy vọng mọi thứ sẽ ổn”, bà Ph chia sẻ.
Cũng tại đây, mẹ của bệnh nhân R. (31 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, sáng ngủ dậy, con gái của bà thấy đầu đau dữ dội, chóng mặt, tay chân yếu dần không thể cầm nắm, miệng ú ớ và sau đó rơi vào hôn mê. Ngay sau đó, gia đình đã đưa bệnh nhân đi cấp cứu và kết luận bị xuất huyết não. Người nhà cho biết thêm, tháng trước, bệnh nhân có triệu chứng đau đầu và đã đi khám nhưng không phát hiện bất thường.
Theo Bác sĩ Dương Quang Hải, trước khi khởi phát, đột quỵ đã có một quá trình diễn biến âm thầm, kéo dài từ biến chứng của xơ vữa động mạch gây thiếu máu não. Khi mảng xơ vữa ngày càng dày, bong ra, kết hợp với các yếu tố hình thành cục huyết khối (máu đông) kẹt lại trong nhiều mạch máu não gây tắc, vỡ mạch dẫn đến đột quỵ.
Bác sĩ Hải cho biết thêm, Bệnh viện Đà Nẵng cũng từng điều trị cho nhiều bệnh nhân đột quỵ là trẻ em, chỉ mới mười mấy tuổi.
Những trường hợp trẻ tuổi bị đột quỵ thường rơi vào những người có bệnh lý nền hoặc có dị dạng bẩm sinh như bất thường trong mạch máu não, bệnh lý tim mạch, bệnh lý máu khó đông,…. Không chỉ vậy, một trong những nguyên nhân khiến người trẻ mắc đột quỵ chính là thói quen sinh hoạt không điều độ, lạm dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, ăn uống nhiều chất đạm dẫn đến các bệnh mãn tính… Ngoài ra, yếu tố thời tiết thay đổi đột ngột, đặc biệt vào thời điểm giao mùa, mùa lạnh, khiến mạch máu dễ co lại, làm tăng huyết áp cũng có nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
“90% bị đột quỵ sẽ để lại di chứng, tàn tật và có khoảng 71% bệnh nhân sẽ không trở lại được với công việc bình thường trước đó của họ”, Bác sĩ Hải nói.
Bác sĩ Hải cũng khuyến cáo, khi thấy người thân xuất hiện các dấu hiệu như đột ngột rối loạn ngôn ngữ (không nói được hoặc ú ớ, kích thích la hét), yếu tay, yếu chân cùng một bên, méo miệng, co giật, đột ngột hôn mê và rối loạn ý thức… cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để khám, cấp cứu.
“Thời gian vàng để cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ chỉ kéo dài khoảng 4 tiếng rưỡi kể từ khi phát bệnh. Nếu người bệnh được can thiệp, điều trị càng sớm so với thời gian trên thì khả năng cứu sống và tỷ lệ hồi phục càng cao”, Bác sĩ Hải thông tin./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị