Những người ‘lính chất lượng’ ở VHT

Trọng trách “đứng mũi, chịu sào” trên mỗi khối ngành

“Trung tâm Quản lý chất lượng chịu trách nhiệm tham mưu cho Ban lãnh đạo của VHT về định hướng chất lượng, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến như ISO 9001, TL 9000, ISO 17025, ISO 17020 và là đại diện cho VHT làm việc với cơ quan quản lý, đơn vị bên ngoài về công tác quản lý chất lượng” – ông Phạm Phương Chi – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng của VHT cho biết.

Với đặc thù của VHT gồm 3 khối ngành, mỗi kỹ sư của Trung tâm Quản lý chất lượng lại có những nhiệm vụ rất khác nhau, nhưng chẳng có ai là không mang trong mình trọng trách “đứng mũi, chịu sào” trên mỗi thiết bị, sản phẩm của VHT. Thế mới là “lính chất lượng”. Sản phẩm mà thành công thì cùng vỗ tay chúc mừng, nhưng sản phẩm phát sinh vấn đề thì những người lính chất lượng này là người đầu tiên chịu trách nhiệm giải trình trước khách hàng.

Các đơn vị khác của VHT được tư vấn bởi Trung tâm Quản lý Chất lượng về định hướng chất lượng, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo các chuẩn mực quốc tế. 

Tháng 9/2021, anh Lê Văn Quỳnh – nhân viên đảm bảo chất lượng của khối 1 (sản xuất kính ngắm ảnh nhiệt) đảm nhận vai trò phụ trách chất lượng trong quá trình sản xuất sản phẩm kính ngắm ảnh nhiệt được kết hợp sản xuất cùng Công ty TNHH MTV Thông tin M3 (M3). Được sản xuất lần đầu, rủi ro về chất lượng trong quá trình sản xuất là rất lớn, nên áp lực lên người kỹ sư đảm bảo chất lượng không hề nhỏ. Ngày nào, anh Quỳnh cũng liên tục di chuyển giữa hai cơ sở của nhà máy M3 ở Xuân Khanh và Hòa Lạc. Với anh, việc dầm mưa dãi nắng cùng sản phẩm đã là lẽ đương nhiên.

Đối với khối 2 (khối ngành viễn thông), công việc của “lính chất lượng” lại đòi hỏi khả năng nghiên cứu, tư duy liên tục. Anh Nguyễn Đức Anh và chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Phòng Quản lý chất lượng Khối 2, đang “đau đầu” trước việc thực hiện đánh giá chứng nhận mở rộng và duy trì hai tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015 và TL 9000. Đây là những tiêu chuẩn cần được cập nhật liên tục để đảm bảo tính hệ thống và chất lượng đầu ra của sản phẩm.

Nắm rõ từng công đoạn công việc trong lòng bàn tay, anh Nguyễn Đức Anh chia sẻ: “Tiêu chuẩn TL 9000 được xây dựng trên tiêu chuẩn ISO 9001:2015, tuy nhiên có bổ sung thêm tới 84 điều khoản chuyên ngành viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông, thêm phần đo lường theo TL 9000 Measurement handbook. Việc thực hiện đánh giá chứng nhận 2 tiêu chuẩn thành 2 đợt khiến thời gian chuẩn bị và thực hiện đánh giá dài hơn rất nhiều. Với tiêu chuẩn ISO 9001 là 4 ngày làm việc cùng 3 chuyên gia đánh giá, còn tiêu chuẩn TL 9000 là 4 ngày làm việc với 2 chuyên gia. Nếu làm theo đúng trình tự thì khối lượng hồ sơ, công việc là rất lớn và khó”.

Những tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015 và TL 9000 được các cán bộ Trung tâm cập nhật liên tục để đảm bảo tính hệ thống và chất lượng đầu ra của sản phẩm. 

Đối với Khối 3 (ngành dân sự), việc chứng minh được khả năng và tiêu chuẩn vượt trội trong từng sản phẩm để đưa ra cạnh tranh ngoài thị trường lại là yếu tố then chốt. Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng Khối 3, kỹ sư Phạm Hoài Nam là người hiểu điều đó hơn ai hết. Vì vậy, ngay cả với các sản phẩm đầu tiên của khối ngành dân sự, anh vẫn quyết tâm “thử lửa” dưới tiêu chuẩn CE của châu Âu. CE là một trong những “tấm hộ chiếu” để đưa sản phẩm vào thị trường khó tính này với khía cạnh ngặt nghèo cần đảm bảo về độ an toàn với người dùng, khả năng tương thích với môi trường sử dụng…

“Đưa sản phẩm của VHT vào thử nghiệm trong thang đo CE tức là khẳng định về chất lượng sản phẩm cũng như khả năng nghiên cứu của VHT với thị trường” – anh Nam cho biết.

“Lính chất lượng” cũng vô cùng “chất lượng”

Chẳng khó để nhận ra công việc của người đảm bảo chất lượng của VHT vô cùng đa dạng. Nhưng, dù là công việc thực địa, nghiên cứu hay đưa sản phẩm đi thử sức ở trường đấu quốc tế, người kỹ sư đảm bảo chất lượng của VHT luôn có điểm chung: sự vất vả cũng như những đóng góp thầm lặng.

Có thể trên thế gới, hình ảnh người kỹ sư đảm bảo chất lượng thường được coi như “hung thần” của nhóm dự án vì họ là người nắm quyền “sinh sát” của từng sản phẩm. Nhưng tại VHT, chính vì bám sát với sản phẩm, người kỹ sư đảm bảo chất lượng, dù ở khối ngành nào, cũng luôn chia sẻ và trở thành chỗ dựa vững chắc cho đội dự án. Với anh Quỳnh, đó là những ngày tháng đứng trên nóc tầng 20 tòa nhà Hòa Lạc dưới cái nắng 39-40oC để thử nghiệm sản phẩm. Với anh Nam, đó là những cuộc tranh luận nảy lửa để bảo vệ chất lượng sản phẩm trước đối tác ngoài…

Rõ ràng, ở vai trò là những “ngọn lửa thử vàng” với những sản phẩm đầy phức tạp của VHT, người kỹ sư đảm bảo chất lượng của VHT cũng vô cùng “chất lượng”. Bằng tư duy hệ thống sẵn có, họ liên tục có những cách làm mới, phương pháp mới để thích nghi vào môi trường làm việc đầy áp lực.

Những ý tưởng của anh Đức Anh và chị Huyền Trang đã rút ngắn đáng kể quá trình kiểm định tại VHT: “Chúng tôi đã sắp xếp chung 2 đợt đánh giá tiêu chuẩn TL 9000 và ISO 9001:2005 trong 1 đợt đánh giá để tối ưu thời gian các phần đánh giá có nội dung trùng lặp. Dự kiến tiết kiệm thời gian đánh giá xuống 5 ngày làm việc và 3 chuyên gia đánh giá, tiết kiệm được 1/4 tổng thời gian và giảm khối lượng hồ sơ cần chuẩn bị tới một nửa”.

Ở khối dân sự, những sản phẩm đầu tiên đã vượt qua 90% bài test CE chỉ sau 1 tháng thử nghiệm, tăng sự tin cậy của khách hàng với sản phẩm. “Việc hướng tới chứng chỉ ngặt nghèo với ví dụ là tiêu chuẩn CE cũng là cách sản phẩm của VHT tự định hình rằng sản phẩm dân sự của VHT tách biệt về chất lượng so với những dòng sản phẩm khác trên thị trường. Quyết tâm của chúng tôi là định vị được giá trị khác biệt, đưa sản phẩm VHT tới những vạch đích xa hơn” – anh Phạm Hoài Nam chia sẻ.

“Quyết tâm của chúng tôi là định vị được giá trị khác biệt, đưa sản phẩm VHT tới những vạch đích xa hơn” – anh Phạm Hoài Nam chia sẻ. 

Những “ngọn lửa thử vàng mười”

Tại VHT, đối tác, khách hàng có thể tiếp cận với những hệ thống đo lường sản phẩm quân sự được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn quân sự quốc phòng khắt khe nhất thế giới là tiêu chuẩn Hoa Kỳ MIL STD 810G và MIL STD 461F. Hệ thống hiện tại có khả năng cung cấp 10 phép đo lĩnh vực cơ khí – môi trường theo MIL STD 810G và 11 phép đo lĩnh vực điện từ trường theo MIL STD 461F, đáp ứng nhu cầu cho các sản phẩm quân sự của khối quân sự. Ngoài ra, hệ thống đo lường với lĩnh vực dân sự được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn quốc tế IEC 60068, IEC 60529 và IEC 61000, đáp ứng nhu cầu cho các sản phẩm dân sự của khối viễn thông và khối dân sự.

Dù ở vị trí nào, trên thao trường, bên những tập giấy tờ hay trong phòng thử nghiệm, người kỹ sư chất lượng VHT luôn là những ngọn lửa mạnh mẽ góp vào thành công của ngành. “Chỉ trong năm 2021, Trung tâm Quẩn lý chất lượng đã lấy chứng nhận các tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến như tiêu chuẩn ISO 9001:2015, TL 9000, ISO 17025:2017 cho VHT; hoàn thành xây dựng 03 phòng Lab dùng chung lĩnh vực cơ khí – môi trường, điện từ trường, buồng đo ăng-ten cho TCT và các phòng Lab chuyên ngành cho 3 khối của Trung tâm; tham gia quá trình kiểm soát chất lượng, đo kiểm nghiệm thu cho các đề tài, dự án của Trung tâm và hướng dẫn xây dựng chỉ tiêu kỹ thuật, chỉ tiêu khung cho các dòng sản phẩm thuộc đề tài, dự án của Trung tâm” – đồng chí Phạm Phương Chi, tự hào chia sẻ. “Đây là những bước tiến lớn, đặt nền móng vững chắc để VHT giữ vững vai trò là trụ cột về chất lượng sản xuất các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, viễn thông của Viettel và toàn quốc”.

Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích