Những người làm giàu từ cây sả Java

Nông dân xóm Nà Mon, xã Nam Cao (Bảo Lâm) thu hoạch lá sả. Ảnh Báo Cao Bằng
Nông dân xóm Nà Mon, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) thu hoạch lá sả. Ảnh Báo Cao Bằng.

Sả Java là một loại cây cỏ gia vị chủ yếu mọc ở một số nước châu Á và một số đảo ở Nam Thái Bình Dương. Nó có một mùi thơm dễ chịu, xen lẫn mùi cam quýt và mang tính thư giãn. Sả Java cho thu hoạch tốt từ năm thứ 2 trở lên, một năm cho thu hoạch 5 – 6 lứa, mỗi lứa cách nhau khoảng 40 – 50 ngày nên tinh dầu sả có thể xuất bán liên tục quanh năm.

Gia đình anh Triệu Văn Hòn là một trong những hộ trồng sả Java đầu tiên tại xóm Nà Mon, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Anh Hòn cũng là người đã tìm ra hướng đi mới đưa cây sả Java đến với bà con trong xóm để phát triển kinh tế. Trước đây, gia đình anh Hòn cũng chỉ trồng những loại cây truyền thống cho hiệu quả kinh tế không cao như lúa, ngô. Năm 2018, sau chuyến đi thăm quan mô hình trồng sả Java lấy tinh dầu của huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), anh thấy hiệu quả nên đem về trồng thử.

Gia đình anh chuyển đổi gần 1ha đất đồi dốc sang trồng sả và góp vốn với các gia đình khác trong xóm đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng lò chưng cất tinh dầu. Sau 3 tháng, cây sả phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch lượt lá sả đầu tiên để chưng cất, tách tinh dầu. Đến nay, gần 1ha sả của gia đình cho thu hoạch đều, năm 2019 thu hoạch 6 lượt lá để chưng cất tinh dầu, đạt thu nhập hơn 60 triệu đồng. Thấy hiệu quả, nhiều hộ trong xóm đã triển khai học tập và triển khai trồng trung bình 3.000 – 8.000 m2/hộ.

Xóm Nà Mon có gần 150 hộ dân, 98% là dân tộc Sán Chỉ. Diện tích đất canh tác của người dân chủ yếu là đồi dốc nên đa số chỉ trồng ngô, thu nhập thấp. Bền bỉ tuyên truyền, vận động, bà con xóm bản cũng hiểu, tin tưởng bảo nhau làm theo. Việc chuyển đổi trồng cây lúa, ngô sang trồng cây sả ở Nà Mon được các hộ hưởng ứng, nhiều diện tích nương rẫy trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả, nhiều đồi núi hoang trống không có giá trị kinh tế được phủ một màu xanh của sả. Đến nay, anh Hòn đã vận động 124/154 hộ tham gia mô hình trồng cây sả, thu nhập bình quân 50 đến 100 triệu đồng/năm/hộ.

Anh Hòn cho biết, đây là giống sả có nguồn gốc từ Ấn Độ, đặc tính sinh trưởng, phát triển nhanh, cho hàm lượng tinh dầu cao, mùi thơm đậm, khả năng khử mùi và xua đuổi côn trùng tốt. Cây sả Java khá dễ trồng, chỉ đầu tư một lần, ít tốn công chăm sóc, có thể trồng thâm canh hoặc xen canh với nhiều loại cây. Đặc biệt, cây sả có ưu điểm chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục, trồng giống sả Java chỉ phải làm cỏ năm đầu, từ năm thứ hai trở đi sả đã kín đất, không phải làm cỏ, đặc biệt không phải dùng phân bón và thuốc hóa học.

Một năm cho thu hoạch 6 lứa sả, mỗi lứa cách nhau khoảng 40 – 50 ngày nên tinh dầu sả có thể xuất bán liên tục quanh năm. Trung bình một nồi chưng cất 1 tấn lá trong khoảng 4 – 6 giờ thu được 10 – 12 kg tinh dầu. Ngoài ra, lá sả sau khi đã tách tinh dầu được bà con dùng đun thay củi và dùng làm phân hữu cơ bón ngô, lúa, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.

Người dân tự góp vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng 2 lò chưng cất tinh dầu. Mỗi năm, cả xóm bán ra thị trường hơn 5,5 nghìn lít tinh dầu, thu về trên 1,8 tỷ đồng, hộ nhiều nhất đạt thu nhập trên 60 triệu đồng. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm, số tinh dầu trưng cất được là hơn 5.200 lít, đem lại thu nhập gần 20 triệu đồng cho mỗi hộ. Riêng gia đình anh Triệu Văn Hòn, năm 2022, gia đình thu được 5 tấn sả Java. Đến năm 2023, gia đình anh thu được 7 tấn. Thu nhập mỗi năm trừ chi phí lãi 300 – 500 triệu đồng.

Gia đình ông Trần Văn Hồ đầu tư nồi chưng cất tinh dầu sả để nâng cao thu nhập. Ảnh: N.M
Gia đình ông Trần Văn Hồ đầu tư nồi chưng cất tinh dầu sả để nâng cao thu nhập. Ảnh: N.M.

Giống như anh Hòn, từ năm 2014, ông Trần Văn Hồ (thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) bắt tay vào trồng sả để chiết xuất tinh dầu. Hướng đi này đã góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

Sau khi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ông Trần Văn Hồ được Công ty TNHH Sản xuất thương mại và công nghệ Xuân Xanh (Hà Nội) hỗ trợ giống sả Java và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chiết xuất tinh dầu.

Ông Hồ cho biết: “Đầu năm 2014, tôi trồng 1 ha sả Java theo hướng hữu cơ. Cây sả Java dễ trồng, thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương nên phát triển tốt. Thời gian xuống giống đến khi thu hoạch là hơn 3 tháng. Mỗi năm, vườn sả cho thu hoạch 6 – 7 đợt lá, năng suất bình quân hơn 15 tấn lá/ha. Đặc biệt, sả trồng một lần có thể cho thu hoạch 5 – 6 năm”.

Phát triển vùng nguyên liệu ổn định, ông Hồ đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng khu sản xuất và mua nồi chưng cất, hệ thống chiết xuất tinh dầu sả. Ông cho hay: Lá sả được hong khô, qua chưng cất sẽ cho tinh dầu chất lượng, màu sắc đẹp hơn so với lá tươi. Vì vậy, lá sả tươi lúc thu hoạch không được quá già hoặc quá non để đảm bảo lượng tinh dầu nhiều nhất.

Lá sả thu hoạch vào mùa nắng được phơi ngay tại ruộng, còn mùa mưa mang về nhà hong khô, nhặt hết các loại cỏ dại, lá tạp. Đợi đến khi lá sả héo, độ ẩm còn 50% thì cho vào nồi nấu. Mỗi mẻ nấu khoảng 6 giờ đồng hồ sẽ thu được tinh dầu. Sau đó, tinh dầu tiếp tục được đưa qua hệ thống bình lọc tách nước, tạp chất để thu được tinh dầu nguyên chất. Bình quân 1 tấn nguyên liệu thu được 8 lít tinh dầu sả, giá bán 1,2 triệu đồng/lít. Lá sả sau khi ép lấy tinh dầu, gia đình đem ủ mục làm phân bón cho cây sả để tiết kiệm chi phí.

“Tinh dầu sả được nhiều người dùng làm nước lau sàn nhà, xịt thơm phòng, xe ô tô, xua đuổi muỗi, côn trùng, xông hơi, chăm sóc sức khỏe nên gia đình sản xuất đến đâu bán hết tới đó. Việc sản xuất tinh dầu sả không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí mà còn tạo việc làm cho 5 – 6 lao động địa phương với tiền công 200 – 250 ngàn đồng/người/ngày vào mùa thu hoạch”, ông Hồ cho biết thêm.

Cẩn thận dán nhãn cho từng chai tinh dầu, bà Nguyễn Thị Kim (vợ ông Hồ) chia sẻ: “Nhiều năm nay, sản phẩm tinh dầu sả Ngọc Anh được gia đình giới thiệu tại các sự kiện, phiên chợ, ngày hội do chính quyền địa phương tổ chức và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng về mẫu mã, chất lượng. Tinh dầu sả Ngọc Anh được xã chọn đăng ký Chương trình OCOP của huyện. Điều này tạo động lực để gia đình nâng cao chất lượng sản phẩm; liên kết với thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ An Thành (xã An Thành) mở rộng vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”.

Theo Thương hiệu Sản phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích