Những ngôi đình cổ có nguy cơ đổ sập

Trải qua hàng trăm năm, nhiều ngôi đình cổ tọa lạc trên địa bàn huyện Hà Trung, Thanh Hóa đang đứng trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Tường nứt, hệ thống cột, xà bị mối mục, rui mè gãy… là những gì chúng tôi quan sát thấy tại ngôi đình Quan Chiêm, ở làng Quan Chiêm, còn gọi là Kẻ Đản, thời Nguyễn thuộc tổng Trung Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung (nay là xã Hà Giang, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011, thế nhưng đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

nhung ngoi dinh co co nguy co do sap
Theo lãnh đạo xã Hà Giang, đình Quan Chiêm đã có dấu hiệu xuống cấp từ lâu.

Đây là ngôi đình thờ thành hoàng Tống Quốc Sư (tên gọi khác là Tống Lưu Công), ông là một nhà địa lý người Trung Quốc chạy sang đất Việt lánh nạn và lập ấp ở vùng đất Bản Đản, thuộc xã Hà Giang ngày nay.

Đình được khởi công xây dựng vào ngày 27 tháng 9 năm Bính Dần, thời vua Gia Long thứ 6 (1806) và hoàn thành một năm sau đó.

nhung ngoi dinh co co nguy co do sap
nhung ngoi dinh co co nguy co do sap
Rất nhiều các hạng mục từ trong ra ngoài đều mục ruỗng, xập xệ…

Ông Tống Văn Trưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Giang, thông tin: “Hiện nay nhà Đại đình có quy mô 5 gian 2 chái, 4 hàng cột, hình thức kiến trúc 4 mái, đang trong tình trạng mục hỏng, xập xệ, mái ngói đã qua nhiều lần đôn đảo, hiện nay đã bị sụt lún, tụt làm dột nước mưa vào trong đình…”.

Theo ông Trưởng, ngôi đình có ý nghĩa rất lớn với bà con, tuy nhiên nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo rất lớn, vượt quá khả năng của địa phương.

nhung ngoi dinh co co nguy co do sap
Địa phương phải dùng những thanh sắt để chống, ngăn nguy cơ đổ sập.

“Chúng tôi cũng chỉ biết báo cáo lên cấp trên để cấp kinh phí tu bổ chứ để lâu ngôi đình có thể bị đổ sập, bởi hiện nay đình đã nghiêng về hướng Tây rất nhiều”, ông Trưởng lo ngại.

Không chỉ đình Quan Chiêm, đình Đô Mỹ (xã Hà Tân, huyện Hà Trung), được xây dựng năm 1850, thờ Thành hoàng Thái úy Tô Hiến Thành, phối thờ hai vị Đô Bá và Nguyễn Thận Xuân. Đình được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh từ tháng 7/1996.

nhung ngoi dinh co co nguy co do sap
Đình Đô Mỹ (xã Hà Tân) cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Di tích đình Đô Mỹ còn giữ được các hạng mục công trình, gồm: Đình (tiền đình và hậu cung), được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, có diện tích 250m2; kết cấu đình làng gồm 5 gian, 2 chái với 6 vì kèo, có 12 cột lớn và 12 cột quân.

Hiện nay, phần lớn các kết cấu kiến trúc của di tích đều bị mục và mối mọt nghiêm trọng, không còn khả năng liên kết, chịu lực, do đó đã làm nghiêng công trình về phía Đông Nam, mái ngói bị tụt; đồng thời, hệ thống tường bao bị sụt lún, nứt gãy và lớp vữa trát tường bị bong tróc…

nhung ngoi dinh co co nguy co do sap
Kiến trúc bên trong đình bị nghiêng về phía Đông Nam, mái ngói bị tụt…

Theo báo cáo của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hà Trung, địa phương còn giữ được số lượng các đình làng cổ nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa, với tổng số 27 đình. Các đình làng đều có tuổi đời hàng trăm năm, đã được xếp hạng, công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đình làng vẫn là nơi sinh hoạt tập thể, diễn ra các sự kiện quan trọng của người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều đình làng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Được biết, huyện Hà Trung đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa thực trạng xuống cấp của đình và xin ngân sách để tu bổ, tôn tạo các đình xuống cấp. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, chỉ có đình Thượng Phú (xã Hà Đông) đã được quan tâm trùng tu; 2 đình Quan Chiêm và Đình Đô Mỹ hiện vẫn đang phải chờ do chưa có kinh phí.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích