Những ngôi chùa cổ linh thiêng vùng Kinh Bắc

(Xây dựng) – Bắc Ninh không chỉ được biết là một trong tỉnh thành nổi tiếng vùng Kinh Bắc xưa, với những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, mà nơi đây còn có những ngôi chùa cổ tự linh thiêng cùng những nét đẹp kiến trúc cổ kính độc đáo.

Những ngôi chùa cổ linh thiêng vùng Kinh Bắc
Chùa Dâu – ngôi chùa phật giáo cổ nhất Việt Nam.

Chùa Dâu

Chùa cổ Pháp Vân Tự tức chùa Dâu ở xã Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh – một trong những ngôi chùa có công trình kiến trúc độc đáo, mang nhiều giá trị tâm linh và là nơi khởi nguồn của đạo Phật.

Chùa được khởi công xây dựng năm 187, hoàn thành năm 226. Chùa được xây dựng lại vào năm 1313 và trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ. Thời Vua Trần Anh Tông đã sai Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi về kiến thiết lại chùa Dâu thành chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp. Hiện nay, ở tòa thượng điện, chỉ còn sót lại vài mảng chạm khắc thời nhà Trần và nhà Lê. Ngôi chùa Dâu là một di tích lịch sử quý giá, có kiến trúc độc đáo với khu nhà chính được bao quanh bởi các dãy liền kề nhau, tạo nên hình chữ nhật đẹp mắt.

Hội chùa Dâu được tổ chức vào ngày 8/4 (Âm lịch) hàng năm, đây là lễ hội lớn của cả tổng Dâu xưa và Bắc Ninh ngày nay với quy mô lớn, long trọng mang nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo.

Chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp, tên chữ là Ninh Phúc tự, chùa nằm kề bên bờ nam sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa được biết đến là một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Chùa Bút Tháp nằm cách chùa Dâu 3km và cách Thủ đô Hà Nội khoảng 30km.

Chùa được phát tích từ thế kỷ XIII, được khởi dựng từ thời vua Trần Thánh Tông. Theo sử sách ghi lại, Thiền sư Huyền Quang (Trúc Lâm đệ tam tổ) sau khi đỗ Trạng Nguyên đã từ quan về tu ở đây.

Điều đặc biệt, độc đáo của ngôi chùa đúng như tên gọi đó là ngọn bảo tháp bằng đá cao lớn, uy nghiêm, vươn lên trời xanh, có tên là tháp Báo Nghiêm. Toà Tháp cao 13,05m, 5 tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh, 5 góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ, xung quanh tháp được trang trí hoa văn sinh động và độc đáo. Lòng tháp có một khoang tròn đường kính 2,29m. Tầng dưới cùng của tháp này có 13 bức chạm đá, chủ yếu là hình các con thú. Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa.

Những ngôi chùa cổ linh thiêng vùng Kinh Bắc
Ngôi chùa Bút Tháp có lối kiến trúc độc đáo bền vững theo thời gian.

Nhiều thế kỷ đã trôi qua, ngôi chùa vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn khối kiến trúc, đồ thờ, tượng thờ cổ và được bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo ngày càng đẹp hơn. Chùa Bút Tháp nổi tiếng bởi bức tượng Phật Bồ Tát Quan Thế Âm được làm bằng gỗ – bức tượng gỗ lớn nhất Việt Nam cho đến nay và trở thành một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Hội chùa được mở vào ngày 24/3 (Âm lịch) và được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng và công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ ngày 28/4/1962. Đến năm 2013, chùa được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Pho tượng Phật “Thiên thủ thiên nhỡn – Nghìn mắt nghìn tay” được cấp bằng công nhận là Bảo vật quốc gia.

Những ngôi chùa cổ linh thiêng vùng Kinh Bắc
Du khách sẽ được thưởng thức những tiết mục dân ca quan họ của liền anh, liền chị khi đến với hội Lim.

Chùa Lim

Nằm ở phía Bắc núi Lim – chùa Lim hay còn gọi là chùa Hồng Ân, ở thị trấn Lim huyện Tiên Du là ngôi chùa nổi tiếng với lễ hội Lim lâu đời. Khi đến chùa Lim, du khách sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính cổ và nghe những giai điệu quan họ đặc sắc của liền anh liền chị.

Chùa được xây cất khá quy mô với nhiều hạng mục công trình và tượng Phật từ thế kỷ XVIII. Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay chùa vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc độc đáo, phong cảnh đẹp, là địa điểm hấp dẫn mỗi khi du khách thập phương về với vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc. Chùa Lim thờ Phật và thờ mẫu Liễu Hạnh.

Hằng năm, vào ngày 13 tháng giêng (Âm lịch) sẽ diễn ra lễ hội truyền thống (Hội Lim) để tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân và cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mọi người, mọi nhà được an lành…

Tuy nhiên, ngay từ mùng 9 tháng Giêng, những người dân địa phương đã bắt đầu nô nức tập dượt cho lễ hội Lim. Lễ hội thường bắt đầu từ ngày 11 đến hết ngày 14 tháng Giêng hàng năm.

Chùa Linh Ứng

Chùa Linh Ứng là một trong nhiều ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng ở Bắc Ninh thu hút rất đông du khách đến tham quan và cầu bình an. Chùa có địa thế đẹp, nằm trên một ngọn đồi cao, nhìn ra bốn hướng. Chùa nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa của thị xã Thuận Thành đã được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia như: Chùa Dâu xã Thanh Khương, chùa Bút Tháp xã Đình Tổ…

Những ngôi chùa cổ linh thiêng vùng Kinh Bắc
Chùa Linh Ứng nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa của thị xã Thuận Thành.

Theo các nhà khảo cổ và một số di vật còn lại ở chùa cho thấy, chùa được xây dựng từ thời nhà Trần. Qua thời gian, chùa bị đổ nát, dân làng được ông Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thái lộc hầu Lê Đình Chất trợ duyên công đức xây dựng gác chuông và tôn tạo lại tiền đường thờ Phật, xây tả hữu hành lang, xây nhà thiêu hương, tô lại tượng Phật. Nhờ đó quy mô của chùa được mở rộng lộng lẫy trang nghiêm, khách thập phương nô nức đến chiêm bái lễ Phật đông như trẩy hội.

Những ngôi chùa cổ linh thiêng vùng Kinh Bắc
Ba pho tượng Phật bằng đá tại chùa Linh Ứng.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa từng bị phá huỷ chỉ còn lại ba tượng Phật bằng đá. Sau đó, năm 1986, chùa được xây lại trên nền cũ theo bố cục chữ Đinh với lối kiến trúc cổ hài hòa và uy nghi. Ngày 7/4 âm lịch hàng năm, chùa Linh Ứng được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội long trọng và trang nghiêm.

Chùa Hàm Long

Chùa Hàm Long là một ngôi chùa cổ từ thời Lý, nằm tại khu Thái Bảo, phường Nam Sơn, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Ngôi chùa được xây dựng trên một vị trí phong thủy tốt tại chính Hàm Con Rồng ở ngọn núi Long Lĩnh. Bao quanh đó là những ngọn núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân và núi Rùa. Có lẽ chính vị trí xây dựng này đã khiến ngôi chùa được đặt tên là Hàm Long.

Những ngôi chùa cổ linh thiêng vùng Kinh Bắc
Chùa Hàm Long là một ngôi chùa cổ từ thời Lý, nằm tại khu Thái Bảo, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh.

Từ thời Lý, chùa Hàm Long đã được Thiền sư Dương Không Lộ chọn làm nơi tu hành, người có công huấn luyện nhiều thế hệ Tăng Ni ở vùng đất Bắc. Trong chùa có nhiều cây cổ thụ và những bức tượng đá tinh tế. chùa cũng là một trung tâm đạo học của miền Bắc, đào tạo nhiều bậc cao tăng trong lịch sử. Ngôi chùa có nét kiến trúc cổ kính với những ngọn tháp rêu phong mang vẻ u tịch theo thời gian.

Ngày hội chính của chùa diễn ra vào ngày 14/2 âm lịch. Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá tại Quyết định số 28-VH/QĐ, ngày 18/01/1988.

Chùa Tiêu

Chùa Tiêu nằm trên lưng chừng núi Tiêu, thuộc phường Tương Giang, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Tiêu còn được gọi là Thiên Tâm tự nghĩa là ngôi chùa đứng giữa trời đất một vùng, nơi đây có ba làng Tiêu nên chùa này còn có tên gọi là Ba Sơn. Sách “Việt sử lược” và “Thiền uyển Tập anh” viết: “Ba sơn tức là Tiêu sơn – nơi Vạn Hạnh trụ trì”.

Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý giá của vương triều Lý và thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu. Dựa theo sử sách, chùa Tiêu có từ thời Tiền Lê. Đến thời Lý đã là một trong những trung tâm Phật giáo lớn. Chùa bao gồm: chùa Thiên Tâm ở trên núi Tiêu, là nơi trụ trì hành đạo của nhà sư và chùa Trường Liêu ở dưới núi, nơi ở của các nhà sư.

Thời Lê Trung Hưng, chùa Tiêu được trùng tu mở rộng với quy mô lớn theo kiểu chùa trăm gian, nên còn có tên là chùa “Trăm gian”. Đến thời Nguyễn, triều Vua Bảo Đại, chùa tiếp tục được trùng tu và ghi lại trên câu đầu của toà Tam Bảo.

Du khách về với khu di tích chùa Tiêu sẽ được tìm hiểu những trang sử sống động tuổi ấu thơ của Lý Công Uẩn, bậc minh vương có công khai lập vương triều Lý và quốc gia Đại Việt. Ngoài ra, ngôi chùa còn chứa đựng những công trình kiến trúc độc đáo và đẹp mắt và một không gian rộng rãi với rất nhiều cây xanh, tạo cho du khách cảm giác thư thái, thoải mái khi đến vãn cảnh tại chùa. Chùa Tiêu đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1991.

Chùa Dạm

Chùa Dạm – một biểu tượng của lịch sử và văn hóa xứ Kinh Bắc với những giá trị Phật giáo quý báu được bảo tồn qua gần 1000 năm. Chùa nằm trên núi Dạm thuộc phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Chùa thờ Phật và Nguyên Phi Ỷ Lan (dân gian gọi bà là Tấm nên cũng gọi là chùa Bà Tấm). Chùa còn có nhiều tên gọi khác là chùa Dạm, chùa Lãm Sơn, “Cảnh Long Đồng Khánh”, “Thần Quang tự”.

Qua nhiều thập kỷ, chùa được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị dỡ bỏ. Sau khi hòa bình lập lại, năm 1986, nhân dân địa phương đã xây dựng 3 gian chùa nhỏ trên nền đất cũ để thờ Phật.

Nhằm mục đích bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, lịch sử do các bậc tiền nhân để lại, cũng như việc tham vấn ý kiến của giới chuyên gia, các nhà khoa học, từ năm 2015 đến nay tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện quy hoạch tổng thể và xây dựng “Khu di tích văn hóa và sinh thái núi Dạm”. Chùa Dạm được trùng tu tôn tạo, với quy mô lớn, khang trang, cùng với hệ thống tượng thờ và đồ thờ tự tại chùa có giá trị lớn về nghệ thuật, thẩm mỹ đại diện cho đặc trưng mỹ thuật mỗi thời kỳ.

Hội chùa Dạm diễn ra hàng năm vào ngày 8/9 (âm lịch) và được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá – Quyết định số 29 -VH/QĐ ngày 13/01/1964.

Chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, là trong những ngôi chùa cổ với kiến trúc mang đậm dấu ấn thời nhà Lý theo lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc”.

Những ngôi chùa cổ linh thiêng vùng Kinh Bắc
Chùa Phật Tích là điểm tham quan, lễ bái được nhiều du khách lựa chọn vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Chùa là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ. Trên cơ sở đó hình thành trung tâm Phật giáo đầu tiên của cả nước (trung tâm Dâu – Luy Lâu).

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ Tư (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Nhưng theo “Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh” và truyền thuyết dân gian thì có thể chùa Phật Tích có từ cuối thế kỷ thứ III.

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 37, mặt khắc 10 có ghi chép: “Phật Tích: tên núi ở địa phận huyện Tiên Du, trên núi có ngôi chùa”. Núi Phật Tích còn gọi là núi Lạn Kha, núi Tiên Du, núi Nguyệt Hằng, cửa mở ra hướng Tây, trước mặt là sông Đuống. Tính từ cổng chùa lên đến vườn tháp, khu vực chùa có 3 lớp gồm những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Lý.

Bên cạnh sự độc đáo về công trình kiến trúc, chùa Phật Tích còn độc đáo bởi những tác phẩm điêu khắc cổ kính như: pho tượng đá A Di Đà; tượng mình người đầu chim vỗ trống; chân cột bằng đá chạm hình ảnh dàn nhạc đang hoạt động; hàng linh thú trước sân chùa; ao rồng…

Qua nhiều thế kỷ, chùa Phật Tích đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Ngày 28/4/1962, Bộ Văn hóa đã ban hành Quyết định số 313/VH-VP công nhận chùa Phật Tích là Di tích Lịch sử văn hóa. Đây là một trong 4 ngôi chùa, đình đầu tiên ở Bắc Ninh được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử văn hóa. Với những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời và độc đáo, chùa Phật Tích ngày càng có nhiều khách trong và ngoài nước đến thăm và tìm hiểu.

Lễ hội chùa Phật Tích được tổ chức vào ngày mùng 4 hàng năm và diễn ra trong 3 ngày từ mùng 3 đến mùng 5 Tết âm lịch.

Chùa Phúc Nghiêm

Chùa Tổ có tên chữ là “Phúc Nghiêm tự” thuộc thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Từ lâu đời, chùa Tổ đã nổi tiếng cổ kính thâm nghiêm với truyền thuyết về Phật mẫu Man Nương.

Đây là điểm di tích quan trọng, gắn liền với hệ thống các chùa thờ Tứ Pháp gồm Pháp Vân (bà Mây), Pháp Vũ (bà Mưa), Pháp Lôi (bà Sấm), Pháp Điện (bà Chớp). Và 4 bà được đặt ở 4 ngôi chùa là: Bà Mây đặt ở chùa Dâu (Diên Ứng tự). Bà Mưa đặt ở chùa Đậu (Thành Đạo tự). Bà Sấm đặt ở chùa Tướng (Phi Tướng tự). Bà Chợp đặt cở chùa Dàn (Trí Quả tự).

Chùa nằm trên một khu đất cao, thoáng, rộng thấp thoáng dưới những tán cây cổ thụ, bao quanh là nhà cửa dân cư và những cánh đồng lúa, hoa màu tươi tốt. Hiện chùa Tổ còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật quý giá như: Tượng thờ, bia đá, sắc phong, hoành phi, câu đối… Trong đó, sắc phong triều Vua Cảnh Hưng thứ 14 (1786) phong cho sư tổ Khâu Đà La và một sắc phong triều Vua Khải Định thứ 8 (1923) phong cho Phật Mẫu Man Nương…

“Với nhiều phật tử, trước khi ghé chùa Dâu thì phải ghé qua chùa Tổ vì muốn thăm con gái thì phải đi thăm mẹ, mặc dù quy mô và vị trí của chùa Tổ không được như chùa Dâu nổi tiếng”, người dân ở đây kể lại.

Những ngôi chùa cổ linh thiêng vùng Kinh Bắc
Chùa là điểm di tích quan trọng, gắn liền với hệ thống các chùa thờ Tứ Pháp (Chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Dàn, chùa Tướng).

Với giá trị đặc biệt về lịch sử văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng, ngôi chùa Tổ – Phúc Nghiêm Tự đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng và công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 2001.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích