Những món đồ nội thất bắt mắt đến từ các nhà mốt nổi tiếng thế giới

Các thương hiệu thời trang tham gia sản xuất đồ nội thất không phải là điều gì mới mẻ. Nhưng liệu họ có mang được điều gì khác lạ hay không?

Tại Design Miami, hội chợ đồ nội thất tạo tiền đề cho các xu hướng trang trí nội thất sắp tới, thương hiệu thời trang nổi tiếng Fendi chiếm một gian hàng trung tâm. Bộ sưu tập được họ mang tới triển lãm mang tên Kompa, gồm 10 tác phẩm đến từ bộ óc của Peter Mabeo, nhà sáng lập của Mabeo Studio ở Botswana.

Trong đó, phải kể đến chiếc credenza “Chicara”, một chiếc tủ dệt dạng lượn sóng có ngăn kéo; hay chiếc ghế đẩu “efo” với thiết kế theo hình chữ F cách điệu mang tính biểu tượng của Fendi được làm từ đất sét và gỗ Panga Panga; hay chiếc ghế Maduo Chair được lấy cảm hứng từ đồ trang sức do Delfina Delettrez Fendi thiết kế.

nhung mon do noi that bat mat den tu cac nha mot noi tieng the gioi
Một số đồ nội thất trong bộ sưu tập của Mabel Studio tại hội chợ Design Miami năm nay (Ảnh: Fendi).

Mabeo đã phải họp bàn nhiều lần với Giám đốc nghệ thuật Kim Jones của Fendi, Silvia Venturini Fendi và Delettrez Fendi ở Rome để cho ra những thiết kế phóng khoáng ở Kompa. Sau đó, ông đi khắp Botswana thuê những nghệ nhân có kỹ thuật chuyên biệt, từ thợ điêu khắc gỗ, thợ gốm cho tới thợ dệt, để giúp chế tác bộ sưu tập. Nói cách khác, mỗi một tác phẩm trong Kompa là thành quả chung tay của nhiều người đến từ nhiều khu vực khác nhau.

Vì vậy, bộ sưu tập Kompa không chỉ nhằm thể hiện sự tôn kính đối với thương hiệu mốt Italia lâu đời Fendi mà còn cho thấy tay nghề thủ công tinh tế của con người châu Phi. Bộ sưu tập cũng là minh chứng cho thấy công việc thiết kế và sáng tạo có thể được thực hiện xuyên biên giới và dung hòa được nhiều văn hóa.

“Ý tưởng ở đây là mang những người khác nhau lại với nhau. Tôi thích gắn kết những người làm việc được với các loại vật liệu khác nhau, đến từ các vị trí địa lý khác nhau và có tâm hồn khác nhau. Nó không phải theo kiểu ‘Đây là những gì tôi muốn các bạn làm’ mà theo kiểu ‘Hãy xem chúng ta có thể làm nên thứ gì'”, ông Mabel nói với Vogue.

Cách đó vài dặm ở Design District tại Miami, Louis Vuitton tại cửa hàng của mình cũng ra mắt Objets Nomades, bộ sưu tập đồ nội thất ngoài trời lấy cảm hứng từ du lịch của Frank Chou.

Được bọc một lớp vải chống thấm của Louis Vuitton và vải của Paola Lenti, các tác phẩm đầy màu sắc với đường cong đặc trưng của Chou được lấy cảm hứng từ những cánh đồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và những hẻm núi uốn lượn ở Thung lũng Antelope tại Arizona, Mỹ.

nhung mon do noi that bat mat den tu cac nha mot noi tieng the gioi
Đồ nội thất ngoài trời của Frank Chou cho Louis Vuitton (Ảnh: Louis Vuitton).

Ngoài tác phẩm của Chou, tầng 4 của cửa hàng Louis Vuitton này còn trưng bày những tổ kén treo trần của Campana Brothers cũng như những chiếc ghế cánh hoa của Marcel Wanders Studio. “Nó có nghĩa là một bông hoa đang nở rộ”, Giám đốc sáng tạo Gabriele Chiave nói với Vogue. Ông cũng cho biết thêm thiết kế này được lấy cảm hứng từ hoa văn thực vật trong biểu tượng của Louis Vuitton.

nhung mon do noi that bat mat den tu cac nha mot noi tieng the gioi
Một số đồ nội thất trong bộ sưu tập Objets Nomades của Louis Vuitton (Ảnh: Louis Vuitton).

Còn tại Italia, Dolce & Gabbana cũng trình làng một loạt đồ nội thất hồi đầu tháng 12 trong bộ sưu tập đầu tay Casa. Bộ sưu tập này gồm bộ đồ ăn – ly rượu Murano mang phong cách color block (kết hợp từ hai đến nhiều khối màu trong cùng một đồ vật), bộ đĩa với hoa văn trắng – xanh; hay đồ dệt may như gối in họa tiết ngựa vằn và vải bọc họa tiết báo đốm. Một tuần trước đó, Altuzarra cũng thông báo về bước đột phá đầu tiên của họ trong ngành dệt may, đó là sản phẩm chăn và vải bọc sofa làm từ len cashmere bền vững.

Các thương hiệu thời trang tham gia sản xuất đồ nội thất không phải là điều gì mới mẻ. Fendi đã tham gia hội chợ Design Miami được vài năm còn bộ sưu tập Objets Nomades của Louis Vuitton cũng xuất hiện từ năm 2012.

Một câu hỏi đặt ra là khi các nhà mốt tham gia vào ngành này, họ mang được điều gì khác lạ hay không? Tất nhiên là có. Việc Louis Vuitton bước vào mảng đồ nội thất ngoài trời xảy ra vào một thời điểm hoàn hảo: ngành hàng đó đã tăng trưởng ba con số kể từ năm 2020. Tháng 8 năm nay, Dolce & Gabbana nói với Vogue rằng họ sẽ tập trung nhiều hơn vào hàng gia dụng.

Domenico Dolce và Stefano Gabbana cho biết: “Những gì diễn ra gần đây khiến chúng ta phải sống ở trong nhà nhiều hơn và dành cho ngôi nhà sự quan tâm nhiều hơn, điều mà cuộc sống điên cuồng hàng ngày khiến chúng ta thường quên đi”. Dường như phong cách cá nhân không còn được xác định bởi những gì bạn mặc nữa, mà còn là những gì bạn mang vào ngôi nhà của mình.

Một báo cáo gần đây cho thấy chi tiêu cho đồ nội thất và đồ gia dụng tăng từ 373 tỷ USD lên 405 tỷ USD trong năm nay. Con số được cho là sẽ đạt 481,11 tỷ USD vào năm 2025. Vì đại dịch khiến mọi người ở nhà nhiều hơn, nên việc ai cũng dành nhiều thời gian hơn để trang trí nhà cửa là điều dễ hiểu.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích