Những mảng màu tươi sáng của kinh tế việt Nam đầu năm mới
Điểm sáng nổi bật ngay từ tháng đầu năm nay phải kể đến là sản xuất công nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 7,3%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao . Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tháng 01/2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Đường kính tăng 66,2%; thép cán tăng 59,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57,1%; sữa bột tăng 47,4%; sơn hóa học tăng 44,7%; phân hỗn hợp NPK tăng 40,7%; thép thanh, thép góc tăng 37,5%; thuốc lá điếu tăng 34,7%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Linh kiện điện thoại giảm 15,3%; ti vi giảm 11,3%; điện thoại di động giảm 3,5%; dầu mỏ thô khai thác giảm 2,2%.
Bên cạnh đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2024 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm trước.
Tiếp đến là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ 2023.
Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 1 là thời điểm cận Tết Nguyên đán nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỉ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,1%).
Tổng cục Thống kê nhận định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 1/2024 đạt quy mô cao hơn so với cùng kỳ các năm trước do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Không khí sôi động trước Tết Nguyên đán cũng thể hiện ở chỉ số hoạt động vận tải. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1 vận tải hành khách tăng 5,5% về vận chuyển và tăng 7,4% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 11,5% về vận chuyển và tăng 13,8% về luân chuyển.
Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình nhận định: “Về đầu tư tư nhân đã có sự cải thiện rất đáng kể, đó là phần cầu rất quan trọng của nền kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công cũng gia tăng cũng là điểm sáng, giúp tăng cầu đầu tư, tăng cầu của Chính phủ. Đây là điểm sáng cần chú ý để thấy rằng, có những yếu tố để chúng ta kỳ vọng vào năm 2024 tốt đẹp hơn”.
Sang năm 2024, nhiều chuyên gia nhận định áp lực về chính sách tiền tệ sẽ giảm đi, đỡ hơn cho ngành ngân hàng.
Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, giữ an toàn hệ thống, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ DN. Cùng với đó, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Với việc chính sách tiền tệ hiện đang tập trung vào giảm lãi suất cho vay và gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đồng thời tăng cường giám sát và quản trị rủi ro hệ thống. Đây sẽ là những “liều thuốc” trợ lực cần thiết giúp người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo ra sự bứt phá cho nền kinh tế.
Đồng thời, việc kéo dài thêm thời hạn cho một số chính sách hỗ trợ tài khoá cũng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi phát triển.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã mở hàng đầu năm bằng những container xuất khẩu. Nhiều công ty đã có đơn hàng tới nửa năm 2024. Tín hiệu cho thấy sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu, kỳ vọng về một năm bội thu.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu hàng hóa tháng đầu tiên của năm 2024 tăng mạnh, đạt hơn 64 tỉ USD, tăng gần 38% cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu tăng 42%, khoảng 33,6 tỉ USD. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ tháng 4.2022 (33,26 tỉ USD).
Xuất khẩu tăng mạnh nhờ động lực từ hai nhóm ngành chính là nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, tăng lần lượt gần 97% và 38%. Điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu trong tháng đầu năm nay ước đạt gần 6 tỉ USD. Mức này tăng hơn 56% so với tháng trước do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1.
Nông sản tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu cả nước nhờ lợi thế về giá. Dữ liệu của Bộ Công Thương cho thấy, giá cà phê bình quân đạt 2.955USD một tấn, tăng hơn 35%; gạo 693USD một tấn, đắt hơn 33,5% cùng kỳ…
Mỹ vẫn là thị trường nhập hàng lớn nhất của Việt Nam, với 9,6 tỉ USD, tăng gần 56% cùng kỳ. Các thị trường xuất hàng truyền thống như Trung Quốc, EU, hay ASEAN lần lượt tăng 58%, 18% và 38%.
Gần đây, các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều dự báo lạc quan về nền kinh tế Việt Nam năm 2024. Hầu hết các dự báo cho rằng, tăng trưởng của nước ta sẽ đạt trên 6%. Thậm chí có tổ chức tài chính đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7%, mức tăng trưởng cao hơn cả chỉ tiêu Quốc hội Việt Nam đặt ra trong năm nay.
Sự khởi đầu tốt đẹp với những tín hiệu tích cực trong những ngày đầu, tháng đầu của năm đã củng cố niềm tin của các tổ chức quốc tế vào sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam thời gian tới.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu