Những lãng phí trong đầu tư xây dựng
Hưởng ứng tinh thần quyết tâm chống lãng phí của Tổng Bí Thư Tô Lâm. Gần đây đã có nhiều bài viết, phân tích các giai đoạn, các công việc cụ thể trong việc đầu tư công và đầu tư bằng các nguồn vốn khác có thể xảy ra lãng phí cần phải có biện pháp ngăn chặn. Trong bài viết này chúng tôi muốn nói đến một cách tổng quát trong quá trình một chủ đầu tư dự án phải thực hiện những công việc theo quy định của hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng. Vậy thì pháp luật đã quy định như thế nào? Và trên thực tế những nhà đầu tư đã thực hiện ra làm sao?
Theo quy định của hệ thống Pháp luật, để tiến hành thực hiện 1 dự án đầu tư xây dựng thì cơ bản bắt buộc phải hoàn thành một số công việc sau, có thể gọi là “dòng đời” để thực hiện một dự án, bao gồm các công việc như sau:
Các bước trong dòng thời gian của một dự án đầu tư. Thiết kế BĐT-HN
Qua liệt kê thì chúng ta thấy dòng đời của một dự án mà chủ đầu tư phải thực hiện với khoảng 20 đầu việc lớn và khoảng gần 30 đầu việc nhỏ có liên quan đến công tác quản lý nhà nước ở từng cấp, công việc coi như hoàn thành sau khi được phê duyệt hoặc chấp thuận bằng văn bản của cấp có thẩm quyền.
Đối với nguồn vốn đầu tư không phải đầu tư công mà là vốn của các nhà đầu tư, giai đoạn được cấp phép xây dựng là giai đoạn cuối cùng để nhà đầu tư tiếp tục thi công xây dựng dự án; nếu dự án chậm thì trách nhiệm chủ yếu thuộc về nhà đầu tư; tuy nhiên vẫn còn một vài việc liên quan đến công tác quản lý của nhà nước tùy thuộc vào quy mô dự án và cấp công trình như: công tác nghiệm thu, sự cho phép bán nhà khi đủ điều kiện (đối với dự án xây dựng nhà ở), việc xác nhận công trình đảm bảo chất lượng đưa vào sử dụng. Nhìn chung những công việc này cũng thường chậm thời gian so với yêu cầu.
Đối với nguồn vốn đầu tư công, sau khi được cấp giấy phép xây dựng thì việc vướng mắc và chậm trễ thường xảy ra là việc nghiệm thu thanh toán từng giai đoạn, quyết toán công trình. Việc chậm trễ này thường gây thiệt hại cho nhà đầu tư trong việc trả lãi vay đối với nguồn vốn vay để đầu tư xây dựng dự án. Tuy nhiên sự chậm trễ ở giai đoạn này cũng gây ra những công trình, dự án “đắp chiếu” gây lãng phí tiền của nhà nước và nhân dân.
Mấy năm gần đây hầu như đi công trình nào, hội nghị về đầu tư xây dựng nào Thủ tướng Chính Phủ cũng yêu cầu về việc giải ngân. Trên thực tế, nhiều công trình khối lượng công việc đã hoàn thành nhưng lại không được giải ngân, vậy vướng mắc từ đâu? Tại sao một ngành nào đó có trách nhiệm trong việc này không tìm được giải đáp để kiến nghị sửa đổi pháp luật, khơi thông tình hình thực tiễn mà cứ để tình trạng hết năm này qua năm khác vẫn như vậy. Tại sao người đứng đầu không bị xử lý trách nhiệm?
Qua tổng kết chưa đầy đủ thì theo quy định pháp luật, thời gian để tiến hành lập quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 đến giai đoạn hoàn thành hồ sơ cấp phép xây dựng khoảng 2 năm (do một số công việc không quy định thời gian cụ thể).
Nhưng trên thực tế thì dòng đời của một dự án từ khâu quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 cho đến giai đoạn hoàn thành cấp phép xây dựng kéo dài đến 3- 4 năm thậm chí nhiều dự án kéo dài đến 5- 7 năm và có những dự án kéo dài hàng chục năm. Thời gian kéo dài này đã làm lãng phí nhiều tiền của, công sức, trí tuệ của các nhà đầu tư, thậm chí còn làm mất lòng tin của các nhà đầu tư. Vậy nguyên nhân tại sao?
Nguyên nhân rõ nhất là do năng lực hay trách nhiệm của người có trách nhiệm giải quyết công việc được pháp luật quy định. Thường thì bất kỳ một công việc nào trong từng giai đoạn của dự án hầu hết được quy định rõ trong pháp luật về thời gian giải quyết và thẩm quyền của người giải quyết, nhưng trên thực tế đều kéo dài thời gian, có những công việc kéo dài không có thời hạn.
Ví dụ như việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 được pháp luật quy định khoảng 10 công đoạn, với thời gian là 345 ngày. Nhưng trên thực tế thì để phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 thời gian có thể kéo dài gấp đôi thậm chí dài hơn so với thời gian quy định. Nguyên nhân rõ nhất ở đây là việc sợ trách nhiệm của các cấp thẩm quyền khi phê duyệt; thường lấy ý kiến nhiều lần đối với các ngành liên quan, lấy ý kiến của các ngành không có liên quan, vì vậy mất rất nhiều thời gian lấy ý kiến. Có những dự án quy hoạch chi tiết 1/500 đã được UBND cấp huyện phê duyệt theo phân cấp, nhưng khi cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư lại tiếp tục xem xét lại quy hoạch chi tiết 1/500, lại tiếp tục lấy ý kiến vì vậy thời gian kéo dài (chúng tôi không tiện đưa những dự án cụ thể kéo dài thời gian vào bài viết này).
Mặt khác, trong việc này cũng cần xem xét lại quy định của pháp luật, bởi các dự án có quy mô khác nhau, có dự án quy mô chỉ một vài hecta, có dự án quy mô hàng trăm hecta thậm chí vài trăm hecta thì rõ ràng thời gian lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 sẽ phải rất khác nhau không nên quy định đồng loạt như vậy?
Theo quy định của pháp luật, nhiều công việc để thực hiện một dự án có thể nằm song song, hoặc có thể nằm trước, nhưng trên thực tế thì hầu hết phải làm tuần tự vì vậy đây cũng là nguyên nhân kéo dài thời gian của một dự án.
Ví dụ trong quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch phân khu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trước khi phê duyệt về xây dựng thì cơ quan quản lý cũng đã thống nhất với cơ quan quản lý về đất đai trong quy hoạch sử dụng đất. Như vậy trong quy hoạch đã xác định rõ từng loại đất với diện tích tương đối cụ thể như: Đất ở, đất cây xanh, đất công nghiệp,… về nguyên tắc thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất của địa phương để thực hiện phê duyệt một số vấn đề như kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển đô thị, kế hoạch phát triển nhà ở, danh mục dự án thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất,…theo quy định của luật đất đai. Những công việc này hoàn toàn có thể làm trước khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Nhưng thực tế hiện nay chỉ khi có dự án thì các chính quyền địa phương mới làm các bước về đất đai như nêu trên. Việc này cũng là nguyên nhân kéo dài thời gian làm thủ tục pháp lý của một dự án.
Một nguyên nhân khác là hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng luôn thay đổi, mỗi lần thay đổi thì hầu như các tỉnh lại phải chờ đợi văn bản mới, mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Thậm chí khi văn bản mới ban hành lại không quy định rõ những vấn đề chuyển tiếp của các dự án, không tôn trọng đầy đủ các quy định mà văn bản trước đã quy định, vì vậy từ các cấp chính quyền, chủ dự án đều lúng túng trong quá trình thực hiện và lại tiếp tục làm văn bản để hỏi cấp bộ… và lại đợi trả lời. Thậm chí nhiều văn bản cấp bộ trả lời cũng không thực hiện được bởi việc trả lời rất chung chung, thiếu cụ thể.
Một số bộ ngành coi việc ban hành pháp luật mới, sửa đổi pháp luật như một “bệnh thành tích” vì vậy việc ban hành mới, sửa đổi văn bản pháp luật không đáp ứng, khơi thông những vướng mắc trong thực tế cuộc sống thậm chí còn gây ách tắc.
Về nguyên lý để sửa đổi một quy định pháp luật thì phải xác định rõ quy định đó đã gây cản trở, ách tắc trong công việc cũng như trong cuộc sống như thế nào? Cơ quan nghiên cứu sửa đổi phải điều tra lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân thụ hưởng pháp luật, phải tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ, trung thực và đề xuất hướng sửa đổi, đặc biệt phải quan tâm đến ý kiến của các nhà khoa học chuyên ngành, của những doanh nghiệp, những người dân đang thực hiện những quy định pháp luật đó.
Nhưng trên thực tế nhiều quy định của pháp luật sửa đổi hầu như không được tổng kết, tiếp thu những ý kiến đóng góp một cách đầy đủ trung thực mà còn mang tính chủ quan của một tổ chức cá nhân nào đó khi soạn thảo văn bản, bởi có thể nó liên quan đến lợi ích, thẩm quyền của tổ chức nào đó, ví dụ như việc cấp “giấy phép con”, thẩm tra, thẩm định…
Có thể nói nguyên nhân kéo dài thười gian thực hiện của một dự án như nêu trên vẫn là hai yếu tố chính, đó là con người gồm những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực thi pháp luật và đã được pháp luật quy định. Yếu tố thứ hai là pháp luật hiện hành còn nhiều việc chồng chéo, không điều chỉnh được tình hình thực tế dẫn đến ách tắc trong việc thực thi pháp luật đã gây nên tình trạng lãng phí về công sức, tiền của của nhân dân, của đất nước.
Nguồn: hoanhap.vn