Những ký ức sâu đậm về ba mùa xuân xủa vị tướng
Mùa xuân 1965, tôi đã trúng tuyển trong đợt tuyển quân. Tết năm ấy là dịp để gia đình, các tổ chức đoàn thể trong thôn, xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định và bạn hữu tổ chức “Lễ tiễn con em quê hương lên đường nhập ngũ, chuẩn bị lên đường đi đánh giặc”. Là cái Tết bịn rịn, nhưng cũng vui nhất, ai nấy đều muốn ăn một cái Tết thật lớn, chiêu đãi con em sắp ra chiến trường những món ngon nhất, và về tinh thần, thì muốn gửi gắm thật nhiều yêu thương.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu
Mang trong mình nhiệt huyết, ước vọng được nhập ngũ để trở thành anh bộ đội cụ Hồ, tham gia đánh giặc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người cùng trang lứa nhập ngũ năm ấy được mời ra hiệu ảnh Chợ Cồn để chụp ảnh. Dù chưa được cấp phát quân phục, nhưng chúng tôi được mượn bộ quân phục mặc rất đẹp, rất oách. Mỗi người đều có một cái ảnh chân dung trong bộ quân phục nghiêm trang, mang về treo trong nhà. Trong xóm, khắp nơi chăng cờ hoa, từng thôn tết cổng chào bằng lá dừa, hai bên là hai dòng khẩu hiệu “Đảng Lao Động Việt Nam muôn năm!”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”. Trong xóm còn có các anh Phạm Trung Bính, anh Thông, anh Huyền,… cùng nhập ngũ với tôi năm ấy. Sau Tết, trong lễ tòng quân, các bạn gái trong thôn mang những chiếc khăn tay thêu tặng cho người thương để những người lính quê hương mang theo khắp chiến trường và không thể nào quên người thương, quê hương trong lòng người đi đánh giặc.
Cái tết đón mùa xuân năm 1968 cũng là một cái tết thực sự sâu đậm, tôi cùng đồng đội đón tết trong trong khi hành quân, chuẩn bị cho chiến dịch. Anh em ai nấy đều thương người thân, nhớ quê nhà, nhớ hơi ấm bếp lửa, nhớ vị ngon món tết. Để nâng tinh thần anh em chiến sĩ, chỉ huy đã phát đông chương trình làm báo tường. Khi đó tôi là Trung đội trưởng tôi đã làm bài thơ: TẾT XA QUÊ
Mẹ ơi!
Tết này con bận việc quân
Đường Xuân quê mẹ vắng chân con về.
Bước đường trăm núi ngàn khe
Vẫn nghe cuốn quýt Xuân quê bên mình.
Nguỵ trang gió cuốn rung rinh
Ngỡ đâu cánh bướm nặng tình quê hương.
Bài thơ được anh em thích, học thuộc, rồi ngâm thơ trong suốt thời gian tết trong rừng. Bài thơ, và các bài báo, bài văn khác trên báo tường đều hừng hực khí thế, thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng, lạc quan yêu đời của các anh lính trẻ, và cũng là tình cảm các anh dành cho nhau, động viên nhau khi tết phải xa nhà… Ai cũng lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng của cách mạng, thực hiện như lời Thư chúc Tết của Bác Hồ Tết Mậu Thân 1968, bài thơ gồm 4 câu thất ngôn tứ tuyệt:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.
Tết năm 1975 là một cái tết thật yên ả và đầy đủ đối với tôi, với các món ngon miền Bắc quen thuộc. Bộ đội được ăn tết thật ngon, chuẩn bị tâm lý và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm vào trận là quyết thắng giải phóng miền Nam. Lúc đó, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 (Sư đoàn 320B, thuộc Quân đoàn 1. Tôi chỉ huy Trung đoàn đi đắp đê Yên Khánh (Ninh Bình) để nghi binh, tạo cho phía địch cảm giác an tâm rằng binh đoàn chủ lực của bên ta chưa chuẩn bị đánh. Nhưng thực tế, lính quân đoàn đang được huấn luyện rất kỹ, chuẩn bị chu đáo. Nhờ cái tết được no đủ, vui vẻ trong an bình, những người lính không chỉ phục hồi sức lực, trau dồi kỹ năng và phương pháp mới cách đánh giặc nên đến tháng 4/1975, toàn quân toàn dân ta đã thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử – chiến dịch quyết chiến, chiến lược trong tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”,, để “Bắc – Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện được điều mong muốn cuối cùng trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Nguồn: hoanhap.vn