Những “khúc mắc” cần được giải quyết dứt điểm trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án Liên Hà Thái
Vừa qua, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn nhận được đơn phản ánh từ anh Đặng Thanh Vĩnh, sinh năm 1974, thường trú tại thôn Trà Bôi, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình về việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất của gia đình tại Dự án Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Green ipark-1).
Cụ thể, anh Đặng Thanh Vĩnh cho biết, gia đình anh đang sử dụng ổn định thửa đất nuôi trồng thủy sản (gọi tắt đất 1605), có diện tích 25.000m2 khu vực ven đê số 8 sông Diêm Hộ tại xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình từ năm 2001 đến năm 2017, trong quá trình sử dụng gia đình luôn hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đất hàng năm cho UBND xã Thụy Liên. Từ năm 2017 đến nay khu đất vẫn được gia đình anh sử dụng ổn định để phát triển kinh tế, đồng thời góp phần cho sự phát triển chung của địa phương. Để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản, gia đình đã đầu tư nhiều hạng mục và công trình phục vụ sản xuất theo mô hình trang trại tổng hợp, nhiều năm liền gia đình anh được chứng nhận đạt tiêu chí kinh tế trang trại, đây cũng là nguồn thu nhập chính về kinh tế cho cả gia đình.
Đến năm 2023, gia đình anh nhận được thông báo của UBND xã Thụy Liên về việc kiểm kê tài sản trên đất phục vụ cho dự án Dự án Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Green iP-1).
Anh Vĩnh bức xúc cho biết, sáng ngày 18/3/2022 gia đình nhận được thông báo về việc kiểm kê tài sản, đến 14h chiều cùng ngày UBND xã Thụy Liên tổ chức họp gấp với dân, sau đó 5 ngày 21/3/2023, Ban giải phóng mặt bằng cho kiểm đếm gấp gáp. Anh cho biết thêm, gia đình chưa nhận được bất cứ thông báo chính thức nào từ UBND xã Thụy Liên về việc thu hồi đất để phục vụ cho dự án, việc này gia đình cũng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, phản ánh tới UBND xã Thụy Liên, đơn vị giải phóng mặt bằng nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng, cho rằng đó là phần đất do UBND xã quản lý mặc dù gia đình anh đang sử dụng đất ổn định hơn 20 năm qua.
“Nếu không có dự án thì khu đất nhà tôi đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ vì trong suốt quá trình sử dụng gia đình sinh sống ổn định, không tranh chấp, kiện tụng, cũng như địa chỉ trong hộ khẩu ghi rõ nơi ở tại đây, hơn nữa sau khi kết thúc hợp đồng năm 2017, gia đình tôi không nhận được bất cứ văn bản nào đề nghị bàn giao cho UBND xã quản lý, tại biên bản thanh lý hợp đồng năm 2017, nội dung 3 nêu rõ, UBND xã Thụy Liên tiến hành làm các thủ tục đề nghị UBND huyện Thái Thụy miễn giảm tiền thuê đất theo NĐ02, ký hợp đồng cho thuê mới và cấp GCN QSD đất cho hộ được thuê đất”, anh Vĩnh cho biết.
Bên cạnh đó, việc tiến hành kiểm kê tài sản trên đất cũng khiến anh Vĩnh bức xúc khi diện tích đất của gia đình anh bị thiếu hụt hơn 6000m2.
Anh Vĩnh cho biết: “Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiểm kê tài sản trên đất, gây thiệt hại cho người sử dụng. Để có thành quả như ngày hôm nay, gia đình tôi đã rất vất vả cải tạo, quật lấp, xây dựng các công trình phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản nhưng khi kiểm đếm lên phương án đền bù thì ban giải phóng mặt bằng chưa thống kê đầy đủ, đánh gía đúng giá trị các tài sản khiến cho gia đình tôi không đồng ý với phương án bồi thường, điều mà đáng lẽ gia đình tôi xứng đáng được hưởng”.
Cùng cảnh ngộ với gia đình anh Vĩnh còn có 17 hộ dân tại thôn Cam Đông xã Thụy Liên cũng nhiều lần gửi đơn kiến nghị liên quan tới việc đền bù và giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Liên Hà Thái, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến cho tình trạng đơn thư vượt cấp kéo dài.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, đảm bảo quyền lợi cho người dân, bảo vệ tính thượng tôn của pháp luật, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm của tỉnh. Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn kính chuyển đơn tới lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình để có “cái nhìn” công tâm, khách quan, xử lý dứt điểm tình trạng đơn thư khiếu kiện kéo dài. Có như vậy mới tạo dựng được niềm tin trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống cho người dân…!
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu