Những hộ dân cuối cùng sống giữa đại công trường sân bay Long Thành
Mất điện, thiếu nước sạch, những người cuối cùng còn sinh sống trên đại dự án sân bay Long Thành đang hy vọng được giải quyết bồi thường thỏa đáng để sớm có cuộc sống tốt hơn.
Cách đây 2 năm, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được khởi công xây dựng giai đoạn 1 trên phạm vi 2.500 ha trong tổng hơn 5.000 ha toàn dự án. Tuy nhiên cho đến nay, ngoài 96% diện tích được bàn giao, ngay vùng lõi của đại công trường này vẫn còn hơn chục hộ dân cố trụ lại vì chưa được giải quyết vướng mắc về đền bù.
Trên nền đất đã san phẳng, căn nhà của bà Đỗ Thị Yến (65 tuổi) nằm lọt thỏm giữa đống đất của đại công trường.
Hàng ngày, bà Yến theo lối mòn để đi làm thuê ở khu tái định cư, cách vùng dự án khoảng 7 km.
Căn nhà của con gái ông Ngô Quang Hạnh (63 tuổi) cũng nằm sâu dưới dốc đất. Không điện, không nước sinh hoạt, căn nhà của ông Hạnh trơ khung và đặc quánh bụi bặm. Không đủ điều kiện cho cuộc sống sinh hoạt, con gái ông Hạnh chuyển sang khu Bình Sơn ở trọ để đi làm, ông Hạnh chọn ở lại vùng dự án để giữ nhà nguyên vẹn.
Để vào nhà, ông Hạnh tương tự bước xuống một căn hầm. “Tôi chỉ ước con gái được giải quyết thỏa đáng bồi thường, bốc phần đất tái định cư thì đi ngay, mong chính quyền địa phương nhìn thấy tâm tư của người dân, đâu ai muốn sống trong điều kiện ngặt nghèo thế này”, ông Lê Quang Hạnh nói.
Ban ngày, ông Hạnh tìm đến nhà những người hàng xóm đồng cảnh ngộ để hùn hạp gạo, trứng, cùng ăn uống qua bữa.
Chập choạng tối, người đàn ông 63 tuổi trở về căn nhà ở giữa đại công trường bạt ngàn đất cát.
Một năm trước, ông Hạnh vẫn còn có thể nấu ăn. “Từ ngày mất điện, nước, kẻ gian lén lúc mình đi vắng trộm tôn, dây điện, giờ chỉ còn cái mái nhà mình phải cố ở mà giữ”, ông Hạnh nói.
Xã Suối Trầu – vùng bị giải tỏa trắng, 100% người dân trong diện di dời tái định cư, hoặc sáp nhập với những địa bàn lân cận. Xã Suối Trầu từ đó không còn tên trên bản đồ địa giới hành chính của huyện Long Thành. Men theo con đường, đoạn trải nhựa đoạn đất cát, người dân nơi đây cho biết những ngôi nhà bị “khui” nóc hoặc bị đập dang dở đồng nghĩa hộ đó đã được tái định cư.
Ngược lại, những căn nhà dù trơ trọi, người dân vẫn cố bám trụ để giữ lại mái nhà để chờ giải quyết bồi thường. Ông Lê Minh Quang là một trong những hộ dân còn trụ lại lâu nhất. Không phải ở lại chỉ vì giữ mái nhà chờ bồi thường, người đàn ông mấy mươi năm gắn bó nơi đây cũng chưa biết phải đi về đâu vì chưa được giải quyết 1.500 m2 đất nông nghiệp, 300 m2 đất thổ cư.
Còn bà Dương Thị Hiếu (50 tuổi), hàng ngày vẫn rảo xe quay lại ngôi nhà và trang trại heo để trông chừng mái tôn, cột sắt. Bà Hiếu cho biết đã nhận khoản tiền bồi thường nhà, thế nhưng trang trại rộng 820 m2 của người phụ nữ vẫn chưa được giải quyết. “Họ chỉ giải quyết đất còn toàn bộ tài sản trên đất, mái nhà, cổng vòm, hàng rào hay chuồng gà, chuồng heo đều liệt kê 0 đồng. Tôi phải ở đây chờ lãnh số tiền còn lại để trả nợ”, người phụ nữ nói.
Tình cảnh không khá hơn, bà Hoàng Thị Thúy cho biết đang sống qua ngày cùng một mẹ già 90 tuổi và chồng đang bệnh nặng, để chờ được giải quyết bồi thường 300 m2 đất thổ cư. Người phụ nữ cho biết lý do không thể rời đi vì phần đất 300 m2 đất thổ cư từ đời mẹ để lại, giờ chỉ được chính quyền giải quyết 250 m2 với lý do cơ quan địa chính kê khai đất sai vị trí.
“Ngày xưa sổ đỏ không có bản vẽ mà chỉ căn cứ theo thửa số mấy, 300 m2 đất thổ cư của nhà tôi lại nằm ở ngoài rẫy cao su, trong khi tôi ở đây từ năm 1976”, bà Thúy giãi bày.
Như ông Hạnh, ông Quang, bà Hiếu, bà Thúy cũng thừa nhận hơn hai năm không làm gì ra tiền. Cả nhà bà Thúy nương tựa nhau sống bằng tiền tiết kiệm khi còn làm rẫy dành dụm được. “Lo nhất là bà cụ mỗi khi trở bệnh gọi xe cấp cứu không thể vào tới. Chở xe máy thì bà ngồi không nổi, từng ói vì sốc xe một lần”, người phụ nữ nói.
Bản đồ khu vực sân bay Long Thành. Ảnh: Google Maps. |
Nguồn: Báo xây dựng