Những hành vi khai thác khoáng sản trái phép bị xử lý hình sự

(TN&MT) – Bạn đọc Nguyễn Thanh Phương (Thái Nguyên) hỏi: Tôi thấy hiện nay khoáng sản, nhất là các loại quặng đang bị khai thác ồ ạt, trong đó, có nhiều mỏ bị khai thác trái phép. Xin hỏi, theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi khai thác khoáng sản nào sẽ bị xử phạt hành chính? Hành vi nào bị xử lý hình sự? Mức phạt cao nhất đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép là bao nhiêu năm tù?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Hiện nay, pháp luật quy định cụ thể những các hành vi khai thác khoáng sản trái phép sẽ bị xử phạt hành chính và xử lý hình sự. Cụ thể:

Các hành vi khai thác khoáng sản trái phép bị xử phạt hành chính

Theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, hành vi khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản sẽ bị xử phạt hành chính gồm: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng mà không thuộc đối tượng phải xin giấy phép; Khai thác khoáng sản trái phép mà lại không phải là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng công trình; Khai thác khoáng sản trái phép (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) mà không có giấy phép khai thác khoáng sản;

Hoặc, khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản; Các hành vi khai thác khoáng sản trái phép khác…

khai-thac-khoang-san-trai-phep.jpg
Ảnh minh họa

Các hành vi khai thác khoáng sản trái phép bị xử lý hình sự

Theo Điều 227, Bộ Luật Hình sự năm 2015, tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên như sau:

Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên; Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 trở lên; Có tổ chức; Gây sự cố môi trường; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 4 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; Làm chết người.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Như vậy, mức phạt cao nhất đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép là 7 năm tù.

Bạn cũng có thể thích