Những giấy tờ cần có khi thực hiện thủ tục nhận thừa kế nhà đất

(Xây dựng) – Thừa kế nhà đất được hiểu là sự dịch chuyển quyền sử dụng đất của người đã mất cho người sống. Để thực hiện thủ tục hưởng thừa kế nhà đất, chúng ta cần chuẩn bị những giấy tờ quan trọng như: Giấy chứng tử, giấy đăng ký kết hôn của người để lại di sản, các giấy tờ nhân thân…

Những giấy tờ cần có khi thực hiện thủ tục nhận thừa kế nhà đất
Giấy tờ nhận thừa kế nhà đất phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền thừa kế như sau: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.

Thừa kế nhà đất được hiểu là sự dịch chuyển quyền sử dụng đất của người đã mất cho người sống. Quyền thừa kế sẽ được phân chia theo di chúc, hoặc theo pháp luật.

Theo Khoản 1 Điều 58 Luật Công chứng 2014 quy định: “Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.”

Để được nhận thừa kế, người thừa kế chuẩn bị các giấy tờ như sau: Bản sao di chúc nếu thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng nếu chia thừa kế theo pháp luật; Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết; giấy đăng ký kết hôn của người để lại di sản, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu có)… Các giấy tờ nhân thân: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu… của người khai nhận di sản thừa kế.

Các giấy tờ về tài sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các giấy tờ khác về tình trạng tài sản chung/riêng như bản án ly hôn, văn bản tặng cho tài sản, thỏa thuận tài sản chung/riêng… Hợp đồng ủy quyền (nếu có)…

Theo điểm c Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (trong đó gồm: văn bản khai nhận di sản thừa kế đất) được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

Người nhận thừa kế nộp các khoản phí như: lệ phí trước bạ (trừ trường hợp được miễn theo Khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP). Lệ phí trước bạ bằng 0,5% x giá trị nhà đất nhận được.

Lệ phí cấp sổ đỏ, tùy thuộc vào từng tỉnh thành. Tuy nhiên, lệ phí cấp sổ đỏ không quá 100.000 đồng.

Phí thẩm định hồ sơ, theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC. Phí thẩm định hồ sơ khi đăng ký biến động (chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế…) do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành thu nên mức thu có thể sẽ khác nhau.

Thuế thu nhập cá nhân, trừ trường hợp thuộc Điểm d Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC. Các trường hợp còn lại, nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Điểm c Khoản 9 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích