Những đứa trẻ… smartphone
Những đứa trẻ… smartphone
Một gia đình mà buổi tối được một học sinh lớp 5 tả cảnh sinh hoạt như sau: “Chị học bài, em học bài, bố vừa xem bóng đá trên smartphone vừa hò hét, mẹ vừa xem phim ngôn tình vừa khóc sướt mướt…” thì liệu có phương thuốc nào để cai nghiện điện thoại cho trẻ em?
1. Nghỉ hè, nhà có giỗ, 6 đứa
cháu nội ngoại về quê thăm ông bà. Sau màn chào hỏi, để đỡ phải trông coi chúng
nghịch ngợm phá phách, bố mẹ ném cho mỗi đứa một chiếc smartphone. Căn phòng
chừng hơn chục m2 trở thành nơi để bản giao hưởng của những tạp âm xô bồ vang
lên không ngớt. Đứa lớn nhất lớp 9 vừa xem tiktok vừa lắc lư theo điệu nhạc
Hàn, đứa bé nhất lớp mẫu giáo lớn ngồi chơi game bắn cá.
Nhóm còn lại từ lớp 3
đến lớp 5 tụ tập chơi đua xe tốc độ. Thi thoảng chúng lại hét toáng lên khoái
trá vì vừa được xem một đoạn video hot.
Người lớn tấm tắc khen, bọn
trẻ bây giờ giỏi thật, chiếm lĩnh công nghệ rất nhanh, cái gì cũng biết.
Smartphone kể cũng hay, đỡ phải canh chừng đám nhỏ leo trèo, chạy nhảy, phá
phách.
Nhà có khách, bà nội thở dài
vì không đứa cháu nào tự động chào hỏi. Khi được nhắc, chỉ mỗi đứa lớn nhất cất
tiếng chào cụt lủn nhưng mắt vẫn dán vào màn hình điện thoại.
Đến giờ thắp hương, cả nhà
đứng xếp hàng khấn vái, đám trẻ như bị “cưỡng bức” làm theo. Đứng trước bàn thờ
gia tiên, tay chắp chắp, đầu cúi cúi nhưng tiếng nhạc từ trò chơi điện tử vẫn tinh tinh trong đầu.
Cỗ bàn đã sẵn sàng, ngồi vào
mâm, đứa nhỏ nhất vẫn vừa xúc cơm vừa xem youtube, đứa lớn nhất cầm đũa vẫn
không rời tai nghe điện thoại.
Cơm nước xong xuôi, điện
thoại bị thu hồi, thằng bé nhất nằm lăn ra giữa nhà khóc lóc ăn vạ. Đám còn lại
mặt buồn thiu vì bị tước mất niềm vui, thói quen hằng ngày.
Anh chị em về quê để chơi
cùng nhau, cuối cùng mỗi đứa lại chơi cùng một chiếc điện thoại. Hương vị tình
thân không còn là những cái ôm ấm áp, những ánh nhìn trìu mến mà thay vào đó là
mỗi người một thế giới riêng rộng lớn hơn nhưng cũng chật hẹp hơn.
2. Những tranh cãi của người
lớn về việc có nên cho con cái sử dụng smartphone sớm dường như vẫn chưa có đáp
án đúng với tất cả. Nhóm “bảo thủ” cho rằng phải cấm tiệt trước khi lên cấp 3.
Lý lẽ được đưa ra là: ngày xưa mình có smartphone đâu mà vẫn lớn, vẫn trưởng
thành, thậm chí vẫn hiên ngang bước ra thế giới. Trẻ em bây giờ, hãy cứ học tốt
những gì có trong sách là đủ, giải trí bằng các môn thể thao, hoặc thi thoảng
cho đi xem phim, cần phòng ngừa những tác động xấu từ mạng xã hội.
Trái ngược với quan điểm
trên, nhóm “cấp tiến” cho rằng, cấm trẻ con sử dụng smartphone là thể hiện sự
bất lực của cha mẹ theo kiểu không quản được thì cấm. Bây giờ thế giới đã phẳng
nên đó là xu thế tất yếu mà gia đình nào, bố mẹ nào cũng phải tìm cách thích
nghi. Mặt khác, smartphone đồng thời cũng là công cụ rất tốt để học tập. Vấn đề
là cần phải giáo dục cho con biết cách sử dụng điện thoại thông minh đúng cách,
không để chúng nghiện smartphone.
Nói thì bao giờ cũng dễ nhưng
thực tế, ranh giới giữa dùng smartphone và nghiện smartphone với trẻ con là rất
mong manh. Ngay cả người lớn, thậm chí người già, nếu sử dụng điện thoại thông
minh, một ngày không sử dụng ít nhất vài tiếng cho nhu cầu giải trí cũng là
hiếm.
Nói vậy để thấy, cơ chế
“nghiện” smartphone nó diễn biến rất tự nhiên. Đôi khi chính người sử dụng nếu
không tỉnh táo rất khó để phát hiện chính mình đang mắc nghiện, nói gì đến trẻ
con.
Thử tượng tượng xem trong một
gia đình mà buổi tối được một học sinh lớp 5 tả cảnh sinh hoạt như sau: “Chị
học bài, em học bài, bố vừa xem bóng đá trên điện thoại vừa hò hét, mẹ vừa xem
phim ngôn tình vừa khóc sướt mướt…” thì thử hỏi phương thuốc nào để cai nghiện
smartphone cho trẻ em?
3. Tôi có anh bạn cực kỳ lười
đọc nhưng điều kỳ lạ là nhà anh lại đầy ắp các loại sách. Từ khoa học thường
thức đến ngoại văn, cổ sử, giá sách trong phòng làm việc của anh dễ đến ngàn
cuốn, quy mô như một thư viện mini.
Theo lý giải của anh, dù mình có không đọc
nhưng nó như là lời nhắc nhở các con phải chăm học, chăm đọc, phải biết trọng
chữ. Đó cũng là cách để giúp các cháu hạn chế tiếp xúc sớm với smartphone và
các nền tảng số khác. Theo anh, cuộc sống số dù hấp dẫn đến mấy vẫn không thể
hấp dẫn bằng cuộc sống đời thường. Nghỉ hè, thay vì nhốt bọn trẻ trong bốn bức
tường bê tông với điều hòa, tủ lạnh, anh tranh thủ đưa các con đi du lịch trải
nghiệm để cảm nhận đầy đủ những chiều góc sinh động nhất của cuộc sống.
Gia
đình anh có một quy định bất thành văn, tuyệt đối không sử dụng smartphone khi
ăn cơm. Sau bữa cơm, cả nhà dành ít phút để trò chuyện, tâm sự. Khi các con ở
bên, vợ chồng anh không bao giờ được phép xem điện thoại rồi cười to, nói to
hoặc chửi tục, chửi thề khi chứng kiến một câu chuyện, một hình ảnh tác động
mạnh đến cảm xúc. Anh nói, những việc tuy nhỏ nhưng nó tác động rất lớn đến tâm
lý, tình cảm, suy nghĩ, thói quen của trẻ.
Vì thế, nếu muốn trẻ em sử dụng
Smartphone đúng cách, đúng liều lượng, trước hết, người lớn cần phải gương mẫu.
Không thể có chuyện con khóc, bố ném cho một chiếc điện thoại thông minh để dỗ
dành.
4. Cuối năm học vừa rồi, cậu
con trai 9 tuổi của tôi nhất quyết không ăn mực, không ăn trứng, không ăn xôi
lạc và không mặc quần áo đen trong gần một tuần thi học kỳ. Con nói rằng, nếu
ăn và mặc như thế sẽ “đen”, thi cử không gặp may mắn, điểm sẽ thấp. Hỏi ra mới
biết, tất cả là từ chiếc Smartphone và Smart tivi.
Bạn nhỏ lớp 3 đã dùng điện
thoại lên mạng xem các video vui về kiêng khem của sĩ tử trong mùa thi. Do chưa
đủ lớn để hiểu nên con đã bắt chước, làm theo bất chấp người lớn giải thích thế
nào cũng không nghe.
Mới đây vào viện, gặp một
hình ảnh một cháu bé chừng 13 – 14 tuổi nằm trên cáng cấp cứu, mặt mày nhợt nhạt
nhưng vẫn gắn tai phone, mắt vẫn dán vào điện thoại. Vị bác sỹ khám lâm sàng
hỏi triệu chứng nhưng cháu toàn trả lời “nhát gừng” vì đang tập trung xem video
hot.
Những câu chuyện, hình ảnh
như thế xảy ra ngày càng nhiều và ở ngay trong chính gia đình của mỗi chúng ta.
Chứng nghiện điện thoại đã trở thành một căn bệnh xã hội mà không chỉ các
chuyên gia y tế, chuyên gia tâm lý khuyến cáo mà ngay cả các hãng sản xuất,
buôn bán điện thoại cũng đưa ra những lời khuyên.
Cha mẹ trước hết
phải làm gương cho trẻ. Mình không nghiện điện thoại, giải trí bằng các trò
chơi vận động sẽ khiến con cái làm theo. Không nên cấm cản hoàn toàn mà cần quy
định thời gian giải trí bằng điện thoại. Tăng cường trò chuyện, giao tiếp khi ở
bên nhau thay vì mỗi người cầm một chiếc điện thoại với một thế giới riêng.
Hướng các con chăm chỉ đọc sách, yêu sách, quý trọng chữ nghĩa để hạn chế tương
tác với thế giới ảo. Nếu có điều kiện, khi rảnh rỗi cần đưa con cái đi chơi xa,
gần gũi với thiên nhiên, cuộc sống thực tế.