Những điều cần biết để tránh đột quỵ khi chạy bộ

Để ngăn ngừa đột quỵ khi chạy bộ, mỗi người phải có chiến lược tập luyện rõ ràng cũng như kiểm tra sức khỏe định kỳ, theo dõi nhịp tim, bổ sung nước và điện giải hợp lí, quan trọng hơn hết là nhận biết được triệu chứng đột quỵ.

Trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào, bạn cần phải kiểm tra thể lực xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp.

Những điều cần biết để tránh đột quỵ khi chạy bộ
Ảnh minh họa.

Trong quá trình chạy, cần điều chỉnh cường độ, không nên bắt đầu chạy quá nhanh hoặc quá mạnh, hãy tăng dần cường độ và khoảng cách khi cơ thể đã sẵn sàng. Cần có kế hoạch tập luyện tăng dần cường độ và quãng đường chạy, ví dụ mỗi tuần chỉ nên tăng 200m quãng đường, không tự ý tăng đột ngột quãng đường chạy.

Việc nhận thức rõ ràng và tuân thủ các biện pháp dự phòng có thể giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ ngưng tim và đột quỵ khi chạy bộ, đồng thời nâng cao hiệu quả và an toàn trong quá trình tập luyện.

Trước khi bắt đầu hoặc nâng cao cường độ tập luyện, hãy kiểm tra sức khỏe để xác định có mắc các bệnh lý tim mạch hoặc các yếu tố nguy cơ khác không. Đặc biệt quan trọng đối với những người trên 40 tuổi hoặc có tiền sử gia đình về bệnh tim mạch.

Hiểu biết về các triệu chứng của đột quỵ (như yếu liệt đột ngột, méo miệng, nói khó) và ngưng tim (như mất ý thức, ngưng thở) để có thể phản ứng kịp thời, bao gồm cả việc thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR), khử rung khi cần thiết. Phát hiện sớm triệu chứng và cấp cứu kịp thời góp phần đáng kể vào giảm tỷ lệ tử vong sau ngưng tim.

Bắt đầu tập luyện từ mức độ nhẹ và từ từ tăng cường độ, giúp cơ thể thích nghi dần với áp lực. Việc tập luyện quá nhanh hoặc cường độ cao có thể gây căng thẳng quá mức cho tim và gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Sử dụng thiết bị theo dõi nhịp tim trong lúc luyện tập để đảm bảo không vượt quá giới hạn nhịp tim an toàn. Nếu cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, đau ngực hoặc khó thở, hãy dừng lại ngay và tìm sự trợ giúp y tế gần nhất.

Đảm bảo cung cấp đủ nước và chất điện giải, đặc biệt trong các buổi chạy dài hoặc trong thời tiết nóng. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu, và tránh ăn uống quá no trước khi chạy.

Khởi động kỹ lưỡng trước khi chạy và giãn cơ sau khi chạy để giúp cơ thể chuẩn bị và hồi phục, giảm nguy cơ chấn thương và căng thẳng cho tim.

Giữ cơ thể mát mẻ, bổ sung nước và điều chỉnh cơ thể tránh sốc nhiệt. Trong quá trình chạy bạn hãy lắng nghe cơ thể, khi cảm thấy không thoải mái hoặc quá mệt hãy dừng lại và nghỉ ngơi, nếu cần thiết hãy gọi trợ giúp.

Khi hoàn thành quá trình chạy, hãy từ từ giảm tốc độ và làm một số động tác co giãn giúp cơ thể phục hồi.

Trên đây là những lưu ý khi chạy bộ để tránh đột quỵ. Để đảm bảo việc chạy bộ đem lại hiệu quả tốt nhất bạn nên kiểm tra sức khoẻ, hoặc tìm đến bác sĩ để được tư vấn, tránh những hệ quả đáng tiếc xảy ra trên đường chạy.

P.Thắng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích