Những điểm sáng về kinh tế 4 tháng đầu năm 2024

Trong bốn tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tình trạng bất ổn an ninh, chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực; lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm, nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt… tạo áp lực lớn lên thị trường tài chính, tiền tệ, tỷ giá tại các nước đang phát triển. Trong nước, Bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra trong Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2024. Tình hình kinh tế – xã hội bốn tháng đầu năm 2024 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng nhất định.

Những điểm sáng về kinh tế 4 tháng đầu năm 2024.

Chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm tăng trưởng khá do thị trường tiêu thụ ổn định, người sản xuất có lãi; hoạt động chăm sóc, bảo vệ rừng và thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác được đẩy mạnh; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt kết quả tích cực do sản lượng cá tra và tôm tăng cao.

Đàn lợn và đàn gia cầm có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán thịt lợn hơi tăng. Ước tính đến cuối tháng 4/2024, tổng số lợn tăng 3,7% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số gia cầm tăng 2,2%.

Trong bốn tháng đầu năm 2024, số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 31,1 triệu cây, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 5.133,8 nghìn m3, tăng 5,2%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 4/2024 ước tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá tra tăng 8% do giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức khá; tôm thẻ chân trắng tăng 5,2%. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 4,3%, trong đó cá tra tăng 5,3%; tôm thẻ chân trắng tăng 5,6%.

Sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp bốn tháng đầu năm 2024 ước tăng 6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,5%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3%. Một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,7%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 24,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 17,3%; khai thác quặng kim loại tăng 16,9%; dệt tăng 14,5%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 13,6%; sản xuất kim loại tăng 13,0%.

Hoạt động dịch vụ trong bốn tháng đầu năm 2024 diễn ra sôi động và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 8,5%, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 15,3%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 49,3%; vận chuyển hành khách tăng 8,4% và luân chuyển hành khách tăng 12,7%; vận chuyển hàng hóa tăng 12,7% và luân chuyển hàng hóa tăng 7,6%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa bốn tháng đầu năm 2024 ước tính tăng cao ở mức 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch một số mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tăng cao như: Hàng điện gia dụng và linh kiện tăng 29,7%; điện thoại và linh kiện tăng 27,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 26,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 23,1%; sợi dệt tăng 22,5%; bông tăng 20,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 18,9%… Đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang tích cực thúc đẩy sản xuất phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới.

Cán cân thương mại hàng hóa bốn tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD).

Ngành Du lịch tiếp tục phục hồi rõ rệt nhờ chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn, thu hút thêm nhiều du khách quốc tế. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4/2024 ước đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 58,2% so với cùng kỳ năm trước; tính chung bốn tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid -19.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm. Tính đến ngày 20/4/2024, cả nước có 966 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 7,11 tỷ USD, tăng 28,8% về số dự án và tăng 73,2% về số vốn so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 có 750 dự án và vốn đăng ký đạt 4,1 tỷ USD), cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Bình quân bốn tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.

Nam Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích