Những điểm sáng kinh tế 7 tháng năm 2024
Theo đó, hoạt động khai thác gỗ được đẩy mạnh trong bối cảnh giá gỗ nguyên liệu có xu hướng tăng. Sản lượng gỗ khai thác tháng 7 đạt 1.945,7 nghìn m3, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng năm 2024 đạt 11.943,2 nghìn m3, tăng 7,1%.
Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển. Trong bảy tháng năm 2024, sản lượng một số loại thủy sản chủ yếu như cá tra ước đạt 970,8 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước do giá cá tra nguyên liệu ổn định ở mức cao và xuất khẩu dần hồi phục; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 425,8 nghìn tấn, tăng 5,2%; tôm sú đạt 151,2 nghìn tấn, tăng 2,3%.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Bảy tăng 11,2%, bảy tháng năm 2024 tăng 8,5%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4% đáp ứng đầy đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Nhiều điểm sáng kinh tế 7 tháng năm 2024.
Các hoạt động thương mại, vận tải, du lịch duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,8%); vận chuyển hành khách tăng 11,9% và luân chuyển tăng 5,5%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,5% và luân chuyển tăng 12,4%. Tính chung bảy tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 7,2% và luân chuyển tăng 10,5%; vận chuyển hàng hóa tăng 13,3% và luân chuyển tăng 11,3%.
Nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh nhằm tăng cường thu hút khách du lịch. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 7/2024 ước đạt 1,15 triệu lượt người, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng năm 2024 đạt gần 10 triệu lượt người, là mức cao nhất của cùng kỳ các năm 2020-2024, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Đây là những tín hiệu khả quan để có thể đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.
Thương mại toàn cầu được cải thiện đã tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tính chung bảy tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%. Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng tăng khá: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 51,5%; hạt tiêu tăng 46,3%; chè tăng 34,8%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 31,5%; cà phê tăng 30,9%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 30,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 30%; gạo tăng 25,1%; rau quả tăng 24,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,3%…
Cán cân thương mại hàng hóa bảy tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD) thể hiện nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh đầu tư thế giới suy giảm, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tính đến ngày 20/7/2024, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 10.763,9 triệu USD, tăng 11,6% về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước có 1.627 dự án và vốn đăng ký đạt 7.935,1 triệu USD). Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức thực hiện cao nhất của 7 tháng trong giai đoạn 2020-2024.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi sau nhiều tháng gặp khó khăn, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong bảy tháng năm 2024 đạt 139,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 125,5 nghìn doanh nghiệp.
Phương Nam