Những điểm mới về thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng

Những điểm mới về thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng

Đối với việc thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm. Bộ TN&MT thông tin về những điểm mới về nội dung này.

Quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất của đông đảo quần chúng nhân dân, Qua công tác tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung thu hồi đất có 956.276 lượt ý kiến góp ý. Đây là một trong những nội dung có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến hệ thống an sinh xã hội nên luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm (trước đây quá trình xây dựng Luật Đất đai năm 2013 thì Điều luật về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là Điều luật được xem xét thông qua cuối cùng ngay sau khi Hiến pháp được thông qua), cụ thể:

Tại khoản 3 Điều 54 của Hiến pháp đã quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã có những quan điểm chủ trương chỉ đạo về công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cụ thể: “Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình.”

“Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.”

Thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những điểm đổi mới căn bản về công tác thu hồi đất như sau:

Thứ nhất, quy định rõ khái niệm “Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa”

Thứ hai, quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện để Nhà nước thu hồi đất:

Các tiêu chí để thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh chính là các công trình được liệt kê tại Điều 78 của dự thảo Luật.

Các tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79, gồm 3 tiêu chí lớn gồm: (1) xây dựng công trình công cộng; (2) xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; (3) các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như: nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách….

Về điều kiện để thu hồi đất tại Điều 80 của dự thảo Luật đã quy định cụ thể về căn cứ, điều kiện thu hồi đất như: (1) phải đáp ứng tiêu chí là thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất; (2) phải có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; (3) dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận; (4) đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư.

Có thể thấy các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã được rà soát thể hiện rõ sự cần thiết phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Thứ ba, quy định cho phép thu hồi đất để xây dựng các công trình sự nghiệp được xã hội hóa như y tế, giáo dục, thể dục thể thao…không phân biệt nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hay nguồn vốn tư nhân.

Trong thời gian qua, Nhà nước ta có các chính sách đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa, các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế giáo dục. Có thể thấy chính sách về xã hội hóa góp phần thay đổi nhận thức của xã hội trong việc sử dụng các dịch vụ sự nghiệp do đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cung ứng; thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia vào hoạt động phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá và thể dục thể thao, môi trường; tạo điều kiện thuận lợi hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của nhân dân với các loại hình dịch vụ này; góp phần giảm áp lực, sự quá tải trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhà nước có điều kiện tập trung nguồn lực cho các dịch vụ sự nghiệp có vai trò thiết yếu đối với xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt đựợc, theo phản ánh của các địa phương, thủ tục đất đai liên quan đến thực hiện các dự án xã hội hóa vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định, đó là các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất với người có đất để triển khai thực hiện dự án, chi phí tiếp cận đất đai cao dẫn đến dịch vụ y tế, giáo dục…người dân phải chi trả cũng cao theo. Từ đó có thể ảnh hưởng đến chính sách xã hội hóa, các chương trình, mục tiêu quốc gia.

Mặt khác, các dự án công trình sự nghiệp như cơ sở văn hóa, cơ sở giáo dục, y tế, cơ sở thể dục thể thao đều có tính chất phục vụ công cộng lâu dài. Do đó, việc Nhà nước thu hồi đất sẽ giúp nhiều người dân có điều kiện tiếp cận được không gian văn hóa, giáo dục, dịch vụ y tế và thể dục thể thao do chi phí rẻ hơn. Đồng thời chính sách này cũng tạo sự bình đẳng về môi trường kinh doanh giữa doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp thuộc khối tư nhân.

Thứ tư, quy định cụ thể trình tự, thủ tục các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn, đảm bảo nguyên tắc người có đất bị thu hồi được xem xét tái định cư trước khi thu hồi đất.

Dự thảo Luật đã có quy định người dân được tham gia ngay từ khi có dự án Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi chủ trì phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các cơ quan có liên quan, tổ chức họp với người có đất trong khu vực thu hồi để phổ biến, tiếp nhận ý kiến của người dân về các nội dung: (1) Mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, công trình được triển khai trên vùng đất dự kiến thu hồi; (2) Các quy định của Nhà nước về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; (3) Dự kiến nội dung kế hoạch triển khai bồi thường, hỗ trợ; (4) Dự kiến khu vực tái định cư trong trường hợp người có đất bị thu hồi phải chuyển chỗ ở và kế hoạch tái định cư.

Tại bước thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, người dân được tham gia phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các cơ quan có liên quan thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, thống kê, phân loại diện tích đất thu hồi và tài sản gắn liền với đất thu hồi; xác định nguồn gốc đất thu hồi và tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, thu nhập từ việc sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, nguyện vọng tái định cư, chuyển đổi nghề ;

Tại bước lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, người dân được tham gia thông qua việc tổ chức lấy ý kiến bằng việc niêm yết công khai, họp trực tiếp, đối thoại.

Đồng thời, quy định UBND cấp có thẩm quyền được ban hành quyết định thu hồi đất trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày thực hiện xong các công việc liên quan đến bố trí tái định cư, cụ thể: (1) Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp không phải bố trí tái định cư; (2) Người có đất bị thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ và đồng ý nhận tiền bồi thường chi phí tạm cư; (3) Người có đất bị thu hồi đã được cơ quan có thẩm quyền giao đất, bàn giao đất trên thực địa để tự xây dựng nhà ở tái định cư; (4) Người có đất bị thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bàn giao nhà ở tái định cư; (5) Người có đất bị thu hồi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bàn giao đất ở gắn liền với nhà ở tái định cư; (6) Người có đất bị thu hồi đồng ý và đã nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở.

Thứ năm, quy định rõ và phân biệt các trường hợp Nhà nước thu hồi đất và các trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất bằng quy định về thứ tự ưu tiên thực hiện nếu quỹ đất đáp ứng các điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích