Những điểm mới của Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024

Những điểm mới của Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024

Tại phiên họp trù bị diễn ra vào ngày 23/2/2024, Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 đã đã thông báo những điểm mới sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Giải thưởng.

tm-img-alt
Trong đợt tổ chức xét chọn và trao thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024, sẽ không yêu cầu nhà khoa học phải tự ứng cử

Theo đó, Quỹ NAFOSTED, cơ quan thường trực của giải thưởng, đã thông báo những điểm mới trong Thông tư 18/2023/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN.

Thông tư mới đã mở ra rất nhiều điều kiện mới cho Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Đó là mở rộng phạm vi xét chọn ứng viên, từ các ngành khoa học tự nhiên tới các ngành khoa học xã hội, và có thêm những tiêu chí mới để lựa chọn ứng viên.

TS. Phạm Đình Nguyên, Giám đốc NAFOSTED cho biết: “Trong đợt tổ chức xét chọn và trao thưởng lần này, sẽ không yêu cầu nhà khoa học phải tự ứng cử như những lần trước nữa. Đây sẽ là cơ hội để chúng ta có thể tạo ra một nét văn hóa ở khoa học Việt Nam: nhà khoa học sẽ không phải ‘đi xin’ người ta khen mình nữa, từ bây giờ, các đồng nghiệp, các tổ chức KH&CN có thể phát hiện, giới thiệu những nhà khoa học mà mình thấy xứng đáng”.

Việc bỏ yêu cầu nhà khoa học tự ứng cử mình là một trong những đề xuất của các nhà khoa học qua nhiều năm. Tuy nhiên, để hội nhập với thông lệ quốc tế, từ việc đánh giá chất lượng nghiên cứu, tài trợ cho nghiên cứu… đến khen thưởng nhà khoa học, bao giờ cũng cần phải có thời gian và sự cân nhắc.

Theo GS. TS Nguyễn Hải Nam (Hội đồng khoa học ngành Hóa học), trong quá trình sửa đổi thông tư, Quỹ đã phải hỏi rộng rãi ý kiến cộng đồng khoa học, đặc biệt là các hội đồng khoa học chuyên ngành, qua đó “đã tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, bên cạnh việc rút ra những bất cập của những lần xét chọn giải thưởng trước”.

Tiêu chuẩn đối với nhà khoa học được xét tặng Giải thưởng

1. Được tổ chức, cá nhân đề cử và gửi hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.

2. Có kết quả nghiên cứu cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn sau: a) Được thực hiện tại Việt Nam; b) Được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế ít nhất một năm và không quá bảy năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.

3. Có đóng góp quan trọng nhất đối với kết quả nghiên cứu.

Tiêu chí đánh giá kết quả nghiên cứu cơ bản trong hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng

1. Ý nghĩa, giá trị khoa học của kết quả nghiên cứu;

2. Vai trò, đóng góp của nhà khoa học đối với kết quả nghiên cứu cơ bản được công bố trong các bài báo khoa học quốc tế.

Chất lượng, uy tín, các chỉ số tác động và xếp hạng quốc tế của tạp chí khoa học đăng tải kết quả nghiên cứu là thông tin tham khảo trong quá trình xét chọn Giải thưởng.

Nguyên tắc làm việc của Hội đồng xét tặng Giải thưởng

1. Hội đồng xét tặng Giải thưởng làm việc trên nguyên tắc thảo luận dân chủ, khách quan, khoa học.

2. Hội đồng xét tặng Giải thưởng bỏ phiếu lựa chọn nhà khoa học trên cơ sở tham khảo kết quả đánh giá, đề xuất của các Hội đồng khoa học ngành và các tài liệu liên quan. Nhà khoa học được lựa chọn phải có tỷ lệ phiếu đề nghị tặng Giải thưởng từ 70% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng (nếu thành viên Hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản). Trường hợp các nhà khoa học nhận được tỷ lệ phiếu đề nghị tặng Giải thưởng ngang nhau và vượt quá cơ cấu Giải thưởng thì Chủ tịch Hội đồng xét tặng Giải thưởng sẽ lựa chọn nhà khoa học.

Việc đánh giá, lựa chọn ứng viên giải thưởng được thực hiện qua hai vòng đánh giá, vòng 1 là các Hội đồng khoa học, vòng 2 là Hội đồng Giải thưởng. Cả hai vòng đánh giá đều tham khảo nhận xét của chuyên gia quốc tế độc lập.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích