Những điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của ‘ông lớn’ xây dựng Ecoba Việt Nam

Những điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của 'ông lớn' xây dựng Ecoba Việt Nam

Những điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của ‘ông lớn’ xây dựng Ecoba Việt Nam 

Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng mạnh

Công ty Cổ phần Ecoba Việt Nam được thành lập vào đầu năm 2010, trụ sở ban đầu đóng tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội nhưng tới năm 2016 thì chuyển về phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.

Ghi nhận ở những năm đầu thành lập, Ecoba Việt Nam có vốn điều lệ 225 tỷ đồng, do ông Võ Tiến Đạt làm tổng giám đốc. Ông Đạt sinh năm 1972, thường trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.

Là ông chủ của Ecoba Việt Nam, ông Võ Tiến Đạt có tỷ lệ sở hữu chi phối với 65%. Theo sau là các cổ đông: Lê Thị Quỳnh Hoa 33,69%, Lê Nguyên Hồng 0,89% và Ngô Tấn Long 0,42%.

Năm 2013, ông Đạt giảm tỷ lệ sở hữu xuống 60%, bà Lê Thị Quỳnh Hoa giảm xuống 20% trong khi 2 cổ đông còn lại giữ nguyên.

Biến động cổ đông xuất hiện vào năm 2016 khi ông Ngô Tấn Long thoái vốn, ông Đạt tăng tỷ lệ sở hữu lên 60,417%.

Tháng 6/2020, Ecoba Việt Nam bán vốn cho nhà đầu tư Nhật Bản, tập đoàn Haseko. Vốn điều lệ của công ty tăng lên 317 tỷ đồng, trong đó vốn ngoại chiếm 29%, tương đương 91,9 tỷ đồng.

Cơ cấu lãnh đạo của Ecoba Việt Nam lúc này gồm: CEO Võ Tiến Đạt, thành viên HĐQT Iwatani Akihiko (sinh năm 1963, Nhật Bản, đại diện của tập đoàn Haseko); ban kiểm soát có các ông/bà: Trịnh Hồng Nhung (sinh năm 1981), Mai Văn Độ (sinh năm 1984) và Vũ Hoàng Yến (sinh năm 1989).

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2017 – 2019, Ecoba Việt Nam làm ăn khá tốt. Doanh thu các năm này tăng trưởng liên tục với tốc độ nhanh. Cụ thể, năm tài chính 2017 (kết thúc vào tháng 3/2017) ghi nhận doanh thu thuần 2.009 tỷ đồng; năm 2018 tăng gấp đôi lên 4.264 tỷ đồng và năm 2019 tăng 10% lên 4.699 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp tăng trưởng mạnh mẽ, từ 120 tỷ đồng (2017) lên 273 tỷ đồng (2018) rồi lên 344 tỷ đồng (2019). Tính chung 3 năm, lợi nhuận gộp đã tăng gần 3 lần.

Nhờ vậy, biên lợi nhuận gộp được cải thiện qua các năm, lần lượt là: 5,9%, 6,4% và 7,3%.

Dù các khoản chi phí gia tăng khá mạnh (chi phí tài chính đội từ 16 tỷ đồng năm 2017 lên 49 tỷ đồng năm 2019; chi phí quản lý tăng từ 41 tỷ đồng năm 2017 lên 64 tỷ đồng năm 2019), tuy nhiên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Ecoba Việt Nam vẫn khá lớn và tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt: 66 tỷ đồng (2017), 200 tỷ đồng (2018) và 229 tỷ đồng (2019).

Kết quả là trong giai đoạn nói trên, công ty báo lãi sau thuế liên tục với mức lãi ngày càng tăng: 53 tỷ đồng (2017), 154 tỷ đồng (2018) và 176 tỷ đồng (2019). Như vậy, trong 3 năm, lợi nhuận sau thuế đã tăng gấp 3,3 lần.

Có thể thấy giai đoạn 2017 – 2019 ghi dấu sự tăng trưởng ấn tượng của Ecoba Việt Nam, đưa doanh nghiệp này lên ngang hàng với những “ông lớn” trong ngành xây dựng, thậm chí ở một số khía cạnh còn tích cực hơn.

Trong lĩnh vực phát triển đô thị, Ecoba Việt Nam hiện là tổng thầu dự án Hoàng Huy Commerce, nhà ở xã hội An Đồng của Hoàng Huy Group và dự án Grand Tower Hoàng Huy của Xây dựng Đại Thịnh Vượng (Hải Phòng); tổng thầu D&B và EPC dự án khu đô thị An Lạc Green Symphony; nhà thầu chính của các dự án: K7 Starlake – Tây Hồ Tây, Tiến Bộ Plaza, Lotte Mall Hà Nội – Aquarium, The Terra An Hưng (Hà Nội), Vega City (Khánh Hòa)…

 Trong lĩnh vực xây dựng công trình năng lượng, công ty là tổng thầu dự án điện áp mái 1000 KWP – nhà xưởng công ty bê tông ly tâm Thủ Đức, điện áp mái 4,6 MWP – nhà máy thủ công mỹ nghệ Viên Na, điện áp mái 3MWp – nhà máy Lê Phan Gia; là thầu chính nhà máy lọc hóa dầu Long Sơn, thầu phụ nhà máy bột giấy VNT19…

 

Quan ngại tài chính

Trong khi bức tranh kinh doanh của Ecoba Việt Nam rất sáng thì bức tranh tài chính lại có phần “kém màu” hơn, thể hiện ở khoản phải thu, nợ vay, dòng tiền…

Cụ thể, về tài sản, trong giai đoạn 2017 – 2019, tổng tài sản của Ecoba Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, từ 1.072 tỷ đồng lên 2.438 tỷ đồng rồi 4.206 tỷ đồng, tức trong 3 năm, tài sản tăng gấp 4 lần (số liệu tính tới 31/3 mỗi năm).

Tuy vậy, đa phần tài sản của Ecoba Việt Nam lại tập trung ở các khoản phải thu ngắn hạn, cụ thể năm 2017 là 849 tỷ đồng (chiếm 79% tổng tài sản), năm 2018 là 2.158 tỷ đồng (chiếm 88,5% tổng tài sản) và năm 2019 là 3.836 tỷ đồng (chiếm 91,2% tổng tài sản). Tỷ trọng quá lớn của khoản phải thu ngắn hạn trong tổng tài sản là điều rất không tốt với bất kỳ doanh nghiệp nào.

Đáng chú ý, tồn kho của công ty cũng gia tăng mạnh trong các năm kể trên, từ 31 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng, tức tăng gấp 5,5 lần.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Ecoba Việt Nam tăng mạnh qua các năm, từ 822 tỷ đồng (2017) lên 2.030 tỷ đồng (2018) và cán mốc 3.622 tỷ đồng (2019). Nợ phải trả chiếm đến 86% tổng tài sản (tại ngày kết thúc năm tài chính 2019), cho thấy mức độ sử dụng đòn bẩy của công ty là khá cao. Điều này thể hiện trực tiếp trong việc gia tăng của khoản vay ngắn hạn, từ 177 tỷ đồng (2017) lên 690 tỷ đồng (2019).

Tuy vậy, điểm tích cực trong cơ cấu nợ phải trả của Ecoba Việt Nam là sự tăng lên của khoản “phải trả người bán ngắn hạn”, từ 431 tỷ đồng (2017) lên 1.468 tỷ đồng (2018) và 2.511 tỷ đồng (2019). Khoản mục này cho thấy Ecoba Việt Nam ngày càng “chiếm dụng” được nhiều vốn từ các nhà cung cấp, tương thích với sự “nở ra” của doanh thu qua các năm.

Về vốn chủ sở hữu, dù vốn điều lệ không quá lớn, song nhờ lợi nhuận sau thuế các năm khá cao bồi đắp vào, vốn chủ sở hữu của Ecoba Việt Nam đến tháng 3/2019 đã đạt 584 tỷ đồng. Tuy vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty vẫn ở mức rất cao, 6,2 lần (năm 2019).

Về dòng tiền, điểm đáng lưu tâm là dòng tiền kinh doanh của Eoba Việt Nam trong hai năm 2018 – 2019 âm khá nặng, lần lượt là -63 tỷ đồng và -270 tỷ đồng. Đây là nguyên do chính khiến công ty phải tăng cường vay nợ, biểu hiện cụ thể là dòng tiền vay/trả ngày càng lớn, tới năm 2019 đã đạt tới 1.537 tỷ đồng/1.318 tỷ đồng.

Việc lưu chuyển tiền thuần âm trong các năm 2018 – 2019 đã làm sụt giảm quy mô vốn bằng tiền của công ty, khiến tiền và tương đương tiền khi kết thúc năm tài chính 2019 chỉ còn 17 tỷ đồng. Đây cũng là một điểm khá đáng quan ngại đối với Ecoba Việt Nam và nhiều khả năng là một trong những nguyên nhân chính khiến công ty phải “mở cửa” cho khối ngoại, tăng vốn vào năm 2020 (đã nói ở phần trên).

Tựu trung lại, có thể thấy bức tranh tài chính của Ecoba Việt Nam có nhiều điểm đáng quan ngại, nhất là việc phụ thuộc vào vốn vay. Song, con số vay nợ bao nhiêu không quan trọng bằng việc dùng nợ vay đó như thế nào. Thực tế cho thấy trong giai đoạn 2017 – 2019, Ecoba Việt Nam tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận rất tốt, phản ánh hiệu quả sử dụng vốn khá cao.

Mặt khác, vốn vay rẻ hơn vốn chủ nên việc tìm tới các khoản vay để cân đối dòng tiền, tài trợ cho các dự án cũng là một điều bình thường đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong ngành thâm dụng vốn như xây dựng.

Tất nhiên, việc để nợ phải trả quá lớn hay phụ thuộc vào vốn vay sẽ là một điểm “lấn cấn” cho người chủ doanh nghiệp trong việc hoạch định các bước đường kinh doanh trong trung và dài hạn.

 

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích