Những dấu ấn của vụ vải thiều Bắc Giang 2023

(Xây dựng) – Năm 2023 đánh dấu sự ổn định của vải thiều Bắc Giang khi nhiều năm giữ được mức giá tốt, thu nhập từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.800 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Để có được kết quả ấy là sự nỗ lực từ nhiều phía…

Những dấu ấn của vụ vải thiều Bắc Giang 2023
Khách thăm quan thích thú với các vườn vải thiều trĩu quả.

Vị thế mới của vải thiều Bắc Giang

Theo thống kê của UBND tỉnh Bắc Giang, tính đến nay, toàn tỉnh đã tiêu thụ trên 201 nghìn tấn vải thiều các loại, tăng hơn 21 nghìn tấn so với kế hoạch. Giá trị doanh thu từ vải thiều và từ các dịch vụ phụ trợ ước đạt khoảng trên 6.876 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.658 tỷ đồng, tăng hơn 247 tỷ đồng so với năm 2022; doanh thu từ dịch vụ phụ trợ ước đạt 2.218 tỷ đồng.

Xét về thị trường, vải thiều Bắc Giang đã khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng của mình ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị của quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã đạt được khi sản lượng xuất khẩu ước đạt gần 111,2 nghìn tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng. Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng khi chiếm trên 98% sản lượng xuất khẩu toàn tỉnh. Ngoài ra, vải thiều Bắc Giang đã tiếp cận với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều thị trường khó tính đã chấp nhận vải thiều Việt Nam: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Qata, Úc, Thái Lan… Thống kê của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airline cho biết, sản lượng vải thiều tươi vận chuyển đi quốc tế của riêng hãng này đã đạt gần 90 tấn, tăng gấp đôi so với năm trước, tiếp cận 7 thị trường quốc tế như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Malaysia… Tại thị trường Hoa Kỳ, năm nay gần 20 tấn vải thiều đã được vận chuyển đến bằng đường biển để “lên sạp” những hệ thống siêu thị lớn như Safeway và Albertsons ở các tiểu bang bờ Tây. Giá bán trung bình vào khoảng 3,99 USD (tương đương khoảng 200.000 đồng). Đây cũng là năm đầu tiên vải thiều Việt Nam được cung ứng tại các hệ thống siêu thị lớn của người Mỹ thay vì bán nhỏ lẻ ở các chợ dành cho người Việt như trước đây. Điều này cho thấy, thị trường quốc tế đã có được sự chấp nhận đối với trái vải thiều Việt Nam, mở ra nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản này trong thời gian tới.

Đa dạng những phương thức xúc tiến tiêu thụ vải thiều

Năm nay, Bắc Giang đã tập trung cho việc tiêu thụ vải thiều bằng nhiều biện pháp sáng tạo, linh hoạt, hiện đại, bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện nay. Hàng loạt các hoạt động được tỉnh này tổ chức nhằm nâng cao thương hiệu, tạo điểm nhấn và sức hút mới cho vải thiều. Đáng chú ý là việc Bắc Giang tổ chức chiến quảng bá du lịch gắn với tiêu thụ nông sản địa phương với chủ đề “Bắc Giang đa sắc” thu hút hơn 70 nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok trên toàn quốc tham gia. Bằng việc tổ chức “Chợ phiên OCOP” trên Tiktokshop – Khám phá đặc sản, trong đó có vải thiều Bắc Giang, đã thu hút hơn 4,5 triệu lượt xem. Với 4 giờ livestream, hoạt động này đã bán được hơn 5.100 đơn hàng với sản lượng 23 tấn vải thiều, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại huyện Lục Ngạn còn tổ chức thành công show trình diễn thời trang gắn với quả vải thiều, mời NSƯT Xuân Bắc dẫn chương trình các cuộc thi hái vải thiều… từ đó mang quả vải thiều đến gần với người dân ở các vùng miền hơn. Các tour du lịch vải thiều được nhiều hợp tác xã trên địa bàn tổ chức thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, hái vải và đưa đặc sản này đến nhiều vùng đất nước. Những hoạt động này đã tạo những hiệu ứng tích cực cho việc quảng bá và tiêu thụ vải thiều trong vụ thu hoạch năm nay.

Những dấu ấn của vụ vải thiều Bắc Giang 2023
Người dân Lục Ngạn vận chuyển vải thiều đến các điểm thu mua trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Bắc Giang tiếp tục mở rộng các diện tích vải thiều bảo đảm tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, tăng số lượng các vườn vải thiều được cấp mã vùng xuất khẩu. Công tác xúc tiến thương mại với các thị trường trong nước như các chợ đầu mối nông sản phía Nam được chú trọng. Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại cho quả vải thiều tại Bằng Tường, tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn tại các cửa khẩu với nước bạn Trung Quốc nhằm khơi thông dòng chảy của quả vải thiều. Đây chính là những biện pháp tích cực góp phần đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, tạo động lực cho người dân vùng vải tiếp tục đầu tư, sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị vải thiều trong thời gian tới.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích