Những cú “rút chân” của VN-Index vào cuối phiên chưa đủ tin cậy

Mặc dù những phiên gần đây, VN-Index thường hồi phục cuối phiên, tuy nhiên phần lớn cổ phiếu vẫn giảm, nhà đầu tư được khuyến nghị thận trọng.

Tâm lý giằng co, thị trường đi ngang trong lo sợ

Công ty chứng khoán DNSE

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/12, VN-Index kết thúc tại ngưỡng 1.018,88 điểm, giảm nhẹ 4,25 điểm, tương đương 0,42% so với phiên trước. Thanh khoản sàn HoSE đạt 14.414,22 tỷ đồng, giảm 17,47% và ở dưới ngưỡng trung bình 20 phiên.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index hình thành mẫu nến giảm điểm, có thân ngắn và bóng dưới dài hơn bóng trên. Dù đã rút chân nhưng giá hiện ở dưới MA20 và MA6, đồng thời cũng bật giảm ngược trở lại khi tiệm cận mốc 1.035 điểm. Chỉ số RSI hạ nhiệt nhẹ và chưa có dấu hiệu cải thiện càng cho thấy rõ khả năng tiếp tục giảm điểm. Nhà đầu tư chưa nên mua mới, tiếp tục quan sát để đưa ra quyết định sáng suốt nhất.

Những cú
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index (Ảnh chụp màn hình).

Vẫn phải tính đến kịch bản VN-Index lùi về 980-1.000 điểm

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên tạo nến đỏ với bóng nến dài phía dưới cho thấy tâm lý giằng co mạnh của nhà đầu tư tại khu vực 1.010 điểm. Với lực cầu về cuối phiên, ở khung đồ thị giờ, chỉ báo RSI đã cho phân kỳ dương cùng nến hammer. Tuy nhiên, DI- và ADX vẫn đang có xu hướng đi lên nên chưa thể khẳng định VN-Index đã lấy lại được điểm cân bằng.

Trong kịch bản tích cực, đà giảm của VN-Index sẽ chững lại quanh vùng điểm 1.010-1.020 để tái tích lũy trở lại. Tuy nhiên nếu lực bán tiếp tục duy trì thì kịch bản xấu hơn là VN-Index lùi sát về hỗ trợ 980 -1.000 điểm vẫn cần được tính đến.

Với kịch bản tích cực, nếu VN-Index cho tín hiệu tích lũy trở lại, các nhà đầu tư có thể canh những nhịp phục hồi ngắn để giao dịch T+ với những nhóm cổ phiếu đang có diễn biến tốt hơn chỉ số chung như ngân hàng, chứng khoán. Ngược lại nếu áp lực bán tiếp tục được duy trì, các nhà đầu tư chủ động đứng ngoài quan sát thị trường để hạn chế tối đa rủi ro trong ngắn hạn.

Thận trọng quan sát diễn biến thị trường

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)

Mặc dù thị trường giảm nhẹ 4 điểm song kết phiên số mã giảm vẫn gấp 2,5 lần số mã tăng, trong đó có đến 30 mã giảm sàn trên HoSE cho thấy áp lực bán vẫn đang hiện hữu tại hầu hết nhóm ngành. Trong bối cảnh thanh khoản giảm tới 17%, dòng tiền có sự phân hóa rõ nét khi chỉ tập trung vào các mã cổ phiếu riêng lẻ thuộc nhóm ngân hàng và thực phẩm đồ uống.

Trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index có 2 phiên liên tiếp kiểm định thành công hỗ trợ trung hạn MA50. Do đó, đây sẽ là ngưỡng hỗ trợ quan trọng của chỉ số trong các phiên sắp tới. Trong kịch bản tích cực, chỉ số có thể tiếp tục đà tăng theo quán tính song rung lắc có thể xảy ra khi chỉ số tiệm cận ngưỡng cản MA20 quanh vùng giá 1.030-1.035 điểm. Ở kịch bản kém khả quan nếu áp lực bán gia tăng, rủi ro thị trường điều chỉnh về quanh vùng giá 980-1.000 điểm có thể xảy ra. Nhà đầu tư nên thận trọng quan sát diễn biến thị trường và có thể cơ cấu tăng tỷ trọng tiền mặt tại các nhịp hồi phục.

VN-Index tăng trước giảm sau, nhà đầu tư hạn chế giao dịch

Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Chỉ số VN-Index tiếp tục tạo một cây “nến rút chân” cho nhà đầu tư cảm giác nhịp hồi cuối phiên hôm qua sẽ tiếp tục được duy trì sang phiên 22/12, diễn biến này cũng đã được lặp lại ở phiên sáng qua sau nhịp hồi cuối phiên trước đó.

Về kỹ thuật, diễn biến dao động tăng trước giảm sau, phía trên ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật MA50 và dưới vùng tích lũy từ đầu tháng 12 chỉ phù hợp với việc trading trên cơ sở cổ phiếu đã có sẵn trong danh mục, không phù hợp với việc mua mới và mua đuổi trong phiên.

Thanh khoản thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục thấp trong các nhịp chỉ số được kéo lên và tăng ở các nhịp chỉ số giảm. Do vậy, nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch, chiến lược đứng ngoài quan sát có thể được áp dụng ở giai đoạn này.

Kỳ vọng đợt điều chỉnh có thể gần đến giai đoạn kết thúc

Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Thị trường tiếp tục đà giảm và đợt điều chỉnh vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên phiên hôm qua đã có những nỗ lực phục hồi nhất định, lực cầu cuối phiên tăng lên giúp VN-Index chốt phiên chỉ còn giảm 4,25 điểm (0,42%) dù trong phiên có nhiều thời điểm giảm gần 20 điểm.

VN-Index tiếp tục xu hướng điều chỉnh và làm rộng thêm biên độ điều chỉnh của sóng hồi, do đó thời gian quay trở lại trạng thái hồi phục tiếp theo vẫn chưa xảy ra, mặc dù mức độ điều chỉnh giai đoạn hiện tại là khá mạnh nhưng điểm hỗ trợ của VN-Index quanh 1.000 điểm chưa bị vi phạm. Với nỗ lực phục hồi cuối phiên hôm qua, kỳ vọng đợt điều chỉnh sẽ có thể gần đến giai đoạn kết thúc.

Thị trường điều chỉnh hiện tại chưa làm thay đổi trạng thái vận động là giai đoạn điều chỉnh trong sóng hồi, nhưng biên độ điều chỉnh mạnh sẽ làm đợt hồi phục tiếp theo ít tin cậy hơn. Với góc nhìn ngắn hạn, nhà đầu tư có thể tận dụng đợt điều chỉnh đang diễn ra để tham gia vào thị trường. Xét xu hướng trung hạn, thị trường đang vận động trong sóng hồi và chưa xác định uptrend. Dự báo quá trình hồi phục của thị trường sẽ song hành với các giai đoạn điều chỉnh và biên dao động của VN-Index và VN30 theo thời gian sẽ hẹp dần.

Đây là giai đoạn hồi phục đầu tiên sau khi kết thúc downtrend nên sóng hồi có thể còn tiếp tục tiếp diễn (giai đoạn hồi phục đầu tiên luôn là giai đoạn biến động mạnh với những đợt hồi mạnh và điều chỉnh sâu).

Giai đoạn điều chỉnh như hiện tại vẫn là cơ hội để các nhà đầu tư trung, dài hạn gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục để đón đầu đợt sóng hồi tiếp theo. Việc lựa chọn cổ phiếu nên hướng tới các cổ phiếu có nền tảng cơ bản và đà tăng trưởng tốt bị bán quá đà trong giai đoạn downtrend vừa qua, các dòng cổ phiếu có tính chất dẫn dắt thị trường và các cổ phiếu có xu hướng vận động tích cực đang hình thành kênh uptrend mới. Mục tiêu của VN-Index sau giai đoạn điều chỉnh sẽ hướng tới 1.150 điểm.

Lưu ý: Khuyến cáo từ các công ty chứng khoán trên đây chỉ mang tính chất tham khảo đối với nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng đã tuyên bố miễn trách nhiệm với các nhận định trên.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích