Những “chuyến đò” đặc biệt…

Chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (quận Bình Thạnh) vào một ngày trong tuần. Nơi đây đang chăm sóc giáo dục phục hồi cho 316 trẻ mồ côi khuyết tật và 92 trẻ khuyết tật cộng đồng.

“Đây là con gì đây các con? Các con thấy bông hoa này màu gì nào?”, tiếng của một cô giáo cứ phải lặp đi lặp lại, mặc cho không nhận được câu trả lời hoặc trả lời bằng ngôn ngữ không rõ ràng, ú ớ. Cô giáo vẫn ân cần và chờ đợi các câu trả lời trong sự nhẫn nại đến kỳ diệu.

Đó là những gì diễn ra mỗi ngày ở lớp mầm non của cô giáo Thân Thị Thanh Khiêm (54 tuổi, ngụ quận 12) tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mô côi Thị Nghè (quận Bình Thạnh).

Những “chuyến đò” đặc biệt...
Trung tâm có 75 trẻ có thể tham gia học tập, 42 trẻ can thiệp học tập tại khoa.

Sau khi tốt nghiệp Trung học Sư phạm mầm non, cô Khiêm có khoảng thời gian dạy ở trường mầm non công lập. Khi biết đến Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè và tìm hiểu về hoàn cảnh đặc biệt của trẻ nơi này, cô Khiêm đã rất trăn trở.

“Tôi đã khóc khi lần đầu gặp các em bé đầu tiên mà tôi nhìn thấy lúc mới đến đây. Tôi chưa từng nghĩ có đông trẻ mắc bệnh như vậy. Thương các em với những hoàn cảnh đặc biệt nên tôi quyết định gắn bó từ ngày ấy cho đến bây giờ”. Thời gian thoi đưa, cái khoảnh khắc cô giáo trẻ chọn ở lại với những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nơi đây cũng đã ngót nghét 20 năm.

Mỗi ngày, cô Khiêm tới trung tâm lúc 6h30 để phụ chăm sóc, tắm rửa cho các em. Hiện, trung tâm có 316 trẻ mồ côi khuyết tật, có 75 em có thể tham gia học tập và 42 em can thiệp giáo dục tại khoa (có khả năng học tập nhưng không di chuyển được).

Cô Khiêm chia sẻ, lớp trẻ ở đây khác hoàn toàn các lớp trẻ bên ngoài. Các em ở đây được chia lớp theo nhận thức. Nghĩa là dù ở độ tuổi nào, nếu tương đồng về nhận thức các em sẽ được xếp chung vào 1 lớp để các cô hướng dẫn học tập, giáo dục kỹ năng…

Dạy một học sinh bình thường đã khó, làm nghề “đưa đò” với những học sinh khuyết tật lại khó khăn gấp nhiều lần. Chính vì vậy, điều kiện tiên quyết để trở thành một giáo viên dạy trẻ khuyết tật chính là lòng yêu nghề, mến trẻ. Tại ngôi trường này, không chỉ có trách nhiệm giữa thầy, cô giáo đối với học trò mà còn có cả sự yêu thương, tình cảm gắn bó như những người cha, người mẹ, người bạn đồng hành của trẻ .

Có rất nhiều em sau khi đủ 15 tuổi, tuy hơi chậm nhưng vẫn đủ điều kiện để tiếp tục đi học, giáo viên ở trung tâm lại liên hệ tìm nơi để các em có thể theo học lên.

Cô Khiêm chia sẻ, cũng có những lúc vì nhiều lý do, có ý định bỏ nghề, nhưng cứ đến lớp, nhìn những gương mặt ngây thơ, những nụ cười hồn nhiên, cô lại chạnh lòng, không nỡ rời đi. Như một diệu kỳ của lòng trắc ẩn, những “bông hoa nhỏ” kém may mắn ở nơi đây đã níu giữ bước chân của cô ở lại.

“Các em sinh ra đã không may có những khiếm khuyết, không may bị bỏ rơi, vì vậy, các em cần được yêu thương, dạy bảo, chăm sóc nhiều hơn nữa. Nhìn gương mặt rạng ngời của các em, nhìn các em tiến bộ từng ngày, từng tháng dù là rất nhỏ thôi, nhưng với tôi đó là điều rất hạnh phúc”, cô nói.

Cũng theo cô Khiêm, mỗi một tiết học ở lớp sẽ không như những tiết học bình thường khác, tùy vào tình trạng sức khỏe mà các em có vị trí ngồi khác nhau. Những câu trả lời ngọng nghịu, những cánh tay được giơ lên yếu ớt khi được cô giáo hỏi.

Nhưng với cô Khiêm, một cô giáo 20 năm với những trò nhỏ khiếm khuyết thì sự thấm thía của khó khăn bao nhiêu thì trái ngọt lại dịu mát bấy nhiêu. Nhìn các em tiến bộ mỗi ngày là động lực lớn nhất để cô Khiêm có thể gắn bó suốt 20 năm ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. Một sự gắn bó với lòng trắc ẩn, thương yêu, để rồi cô hạnh phúc khi thấy các em tiến bộ từng bước đi dù có nhỏ bé so với người bình thường.

Chia sẻ với chúng tôi, cô Khiêm cho biết, việc có thể giúp các em nhận biết con chó, con mèo, bông hoa, cái cây hay đơn giản các em có thể phân biệt được màu sắc, biết trả lời khi được hỏi tên, tuổi đã là điều gì đó thật đặc biệt với cô.

Đa số các em mắc nhiều hội chứng, chủ yếu là chậm phát triển, não úng thủy, hội chứng Down, tự kỷ… và hầu hết đều là trẻ mồ côi. Với những em bị khiếm khuyết nhẹ, có thể lao động, sẽ được đưa lên cơ sở 2 của Trung tâm ở Thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) để tiếp tục chăm sóc, dạy bảo và hỗ trợ tăng gia sản xuất.

“Trung tâm có tổ chức những chuyến đi dã ngoại để tạo điều kiện đưa các em đến gần hơn với thiên nhiên và khám phá thế giới theo góc nhìn của chính mình. Không ít bé lần đầu được tiếp xúc với biển, sự thích thú, hiện rõ lên trong ánh mắt ngây thơ. Đôi tay bé nhỏ, tò mò nghịch nước, khoảnh khắc lần đầu chạm tay vào nước biển, từng biểu cảm, cử chỉ, cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc của các em khiến cô Khiêm cũng cảm thấy thêm hạnh phúc và thêm tự hào về công việc của mình”, bà Ngô Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè cho hay.

Bà Ngô Thị Vân Anh, nhận xét, cô Khiêm là một người yêu nghề, yêu trẻ và giàu lòng nhân ái. Cô Khiêm cũng như tất cả cán bộ, công nhân viên trung tâm đều xem các em như con cháu trong nhà, dùng tất cả tình thương của một người cha, người mẹ, người thân để chăm sóc, dạy bảo. Mặc dù, các bé ở đây khiếm khuyết về tất cả. Nhưng không vì thế mà các bé không được hưởng quyền lợi như bao trẻ bình thường khác.

Lâm Ngọc

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích