Những chiến sĩ áo trắng thầm lặng trong chống dịch Covid-19 trên biển Hải Phòng

Những chiến sĩ áo trắng thầm lặng trong chống dịch Covid-19 trên biển Hải Phòng

Ngô Quang Phú –  Thứ năm, 18/11/2021 12:11 (GMT+7)

Cảng Hải Phòng là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, lớn thứ 2 ở Việt Nam sau cảng Sài Gòn và lớn nhất miền Bắc, là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam nên công tác phòng chống dịch Covid 19 hết sức được chú trọng.

tm-img-alt

Cảng Hải Phòng là cảng lớn nhất miền Bắc, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sản xuất lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế. Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, việc đảm bảo an toàn dịch bệnh tại đây có vai trò lớn đối với hoạt động của cảng. Để thực hiện thành công mục tiêu trên, các kiểm dịch viên làm việc tại phao số 0 trước khi tàu vào cảng giữ vai trò then chốt.

Trạm hoa tiêu Hòn Dáu có không khí yên bình tĩnh lặng, là nơi để các kiểm dịch viên cùng nhân viên của trạm thực hiên nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cảng Hải Phòng trước dịch bệnh. Không như kiểm dịch trên đất liền, kiểm dịch trên biển rất khó khăn vất vả, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như thời gian làm việc không theo giờ hành chính.

Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thuộc Sở Y tế Hải Phòng cho biết: Từ khi triển khai test nhanh sàng lọc Covid-19 tại khu vực đón trả hoa tiêu Hòn Dáu, đội kiểm dịch luôn phải làm việc kéo dài không kể thời gian. Lên ca nô từ sáng có khi đến 24 giờ mới được về bờ. Cơm trưa không có chỉ ăn bánh lương khô với nước lọc. Ăn uống như vậy cũng quen rồi, những hôm sóng to gió lớn có say nhưng ít bị nôn hơn các loại thức ăn bình thường khác…”.

Để thực hiện được công việc kiểm dịch thì các kiểm dịch viên phải đi nhờ phương tiện của trạm hoa tiêu vì kiểm dịch viên không có tàu riêng chuyên dụng. 

Anh Cường, Trạm trưởng Trạm hoa tiêu Đồ Sơn cho biết: Hoa tiêu chúng tôi luôn tạo điều kiện giúp đỡ đảm bảo giờ ăn và giờ giao ca để ổn định sức khỏe và sự an toàn cho kiểm dịch viên khi làm việc trên biển; không gây ảnh hưởng đến công việc chung của Trung tâm.

tm-img-alt

Có thời điểm như ngày 3/11, có đến 7 tàu cập cảng tại phao số 0 nên chúng tôi phải làm việc liên tục suốt nhiều giờ đồng hồ. Trên ca nô hoa tiêu chòng chành nên việc nấu ăn rất khó khăn vì vậy cũng chỉ ăn lương khô và uống nước lọc.

Việc kiểm dịch trên biển phụ thuộc nhiều vào thủy triều (con nước), tàu vào ngày thì làm ngày, tàu vào đêm phải làm đêm. Có những đêm làm thông cho đến sáng, cứ theo con nước mà làm.

Được biết, để làm việc trên biển, các kiểm dịch viên phải hoàn thành các chứng chỉ liên quan đến an toàn hàng hải, tiếng Anh, rèn luyện chịu sóng, kĩ năng leo thang dây… Các tàu biển rất cao (hàng chục mét) thường thả thang dây cho kiểm dịch viên lên tàu kiểm dịch. Những ngày sóng gió lớn, việc giữ được thang dây lên được tàu để kiểm dịch là vô cùng vất vả, khó khăn đòi hỏi kiểm dịch viên phải nhanh, chính xác gọn gàng thì mới lên tàu được. Đã có trường hợp vì sóng gió to, thang dây đung đưa ở mạn tàu, ca nô chở kiểm dịch viên ở dưới chòng chành làm kiểm dịch viên rơi xuống biển…

tm-img-alt

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, công tác kiểm dịch y tế bao gồm:

Yêu cầu khai báo y tế bắt buộc đối với thuyền viên và hành khách.

Tổ chức giám sát dịch tễ chặt chẽ thuyền viên, hành khách, hàng hóa và tàu thuyền, đặc biệt đối với các tàu thuyền đến từ vùng dịch áp dụng khai báo y tế bắt buộc theo quy định của Bộ Y tế.

Kiểm soát chặt chẽ thân nhiệt và các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm đường hô hâp cấp do Covid-19.

Thực hiện cách ly người nhập cảnh đi qua vùng dịch là 14 ngày theo quy định của thành phố và Sở Y tế.

Thực hiện kiểm tra y tế, đo thân nhiệt, khai báo y tế đối với thuyền viên trên các tàu từ vùng dịch đến cảng Hải Phòng ngay khi cập cầu, phối hợp với khoa Xét nghiệm test Covid-19 cho những trường hợp thuyền viên rời tàu, cách ly tập trung.

Cập nhật theo dõi thường xuyên thông tin trên mạng của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế về tình hình diễn biến của dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới và trong nước để tăng cường công tác giám sát, phát hiện kịp thời và có những biện pháp chủ động phòng, chống dịch, không để dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhập vào thành phố.

Duy trì chế độ thường trực 24/24 để thực hiện công tác làm thủ tục kiểm dịch y tế kịp thời bảo đảm yêu cầu, điều kiện cho tàu thuyền, máy bay xuất nhập cảnh, quá cảnh.

Chuẩn bị sẵn sàng trang bị phòng hộ cá nhân, trang thiết bị, vật tư và hóa chất cần thiết phục vụ công tác phòng chống dịch.

Tổ chức kiểm tra vệ sinh, kiểm nghiệm cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế về nước và thực phẩm trên các tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh. 

Khi có người dương tính Covid, các bác sĩ sẽ thực hiện biện pháp tức thì như cách ly bệnh nhân, ngay lập tức báo về Trung tâm Kiểm dịch để đưa bệnh nhân đến điểm cách ly và điều trị.

Sau đó sẽ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho những thành viên còn lại, phun khử khuẩn toàn bộ con tàu và vùng xung quanh. Kết thúc kiểm tra y tế về người, các kiểm dịch viên kiểm tra vệ sinh, sinh hoạt các khoang tàu như: khoang sinh hoạt, khoang lái, khoang nấu, khoang lạnh chứa thực phẩm: rau, củ quả, khoang đông lạnh như: thịt, cá… Khi đáp ứng tất cả các chỉ tiêu an toàn cả về người và sinh hoạt trên tàu thì tàu đó mới được cấp giấy chứng nhận an toàn và được nhập cảng.

Ông Đỗ Việt Hà, Phó Giám đốc Công ty Vận tải biển VIMC, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam xúc động nói: Khi doanh nghiệp chúng tôi có tàu cập cảng Hải Phòng, ngoài công việc kiểm tra phải xét nghiệm… theo đúng thủ tục theo quy định, thuyền viên của chúng tôi còn được đưa xuống ngay gần cầu cảng đến xe tiêm chủng di động tiêm vaccine phòng Covid-19 cho mọi người.

Là doanh nghiệp có tàu cập cảng nhiều nước trên thế giới và nội địa nhưng ít thấy có cảng quan tâm chu đáo, nhiệt tình và sớm có xe tiêm chủng di động phục vụ tại cầu cảng như ở Hải Phòng.

Cám ơn Sở Y tế, Trung tâm kiểm dịch y tế và lãnh đão của thành phố Hải Phòng, rất mong mô hình phòng, chống dịch ở cảng Hải Phòng được nhân rộng trên khắp các cảng trong cả nước./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích