“Những chiến sĩ áo blouse trắng”: Họ xứng đáng được vinh danh
Trong các năm 2020, 2021 lực lượng Y tế phải căng mình chống dịch, bất chấp hiểm nguy và chính họ đã góp phần đẩy lùi đại dịch. “Những chiến sĩ mặc áo blouse” – họ xứng đáng được vinh danh! |
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, biết bao nhiêu thế hệ nghĩa sĩ, chiến sĩ, đồng bào ta đã ngã xuống, hy sinh vì nền độc lập của nước nhà. Tổ quốc mãi mãi ghi nhớ công lao của các anh hùng, chiến sĩ…
Cũng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, trong những năm tháng dịch Covid-19 bùng phát, một đại dịch thế kỷ chưa từng có tiền lệ, nghe theo tiếng gọi của trái tim, thực thi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó chủ đạo là các bác sĩ, y tá, điều dưỡng của ngành Y tế từ các bệnh viện Trung ương đến bệnh viện tuyến tỉnh, thành, quận, huyện, hệ thống trung tâm y tế… đã không quản hiểm nguy, xung phong ra tuyến đầu chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, vì sự bình yên của đất nước.
Nhớ lại những tháng ngày “khủng khiếp” của năm 2020, 2021 khi đại dịch Covid-19 hoành hành tại các địa phương như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,… bên cạnh thế trận “mỗi gia đình là một chiến sĩ, mỗi tổ dân phố, làng xã là một pháo đài” cùng với lực lượng vũ trang, nhìn cảnh nhân viên Y tế căng mình chống dịch mà lòng không khỏi xót xa. Dưới cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè đỏ lửa, những nhân viên Y tế phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít suốt 8 tiếng, thậm chí 12 tiếng đồng hồ trong tâm dịch, nhiều cán bộ, nhân viên Y tế mệt lả thậm chí ngất đi trong lúc làm việc, lòng ai, chẳng quặn đau!
Đặc biệt, tại trung tâm kinh tế lớn nhất nước là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai xảy ra đại dịch vượt tầm kiểm soát của địa phương, nghe theo tiếng gọi của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, từng đoàn quân áo trắng từ các bệnh viện tuyến đầu của đất nước như Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương… các lực lượng Y tế địa phương đã đồng loạt tình nguyện vào miền Nam chống dịch. Tinh thần ấy làm sống dậy trong ta khung cảnh của những năm 60 -70 của thế kỷ trước, khi tầng tầng, lớp lớp thanh niên, sinh viên miền Bắc rời làng quê, thành phố thân yêu, xếp bút nghiên lên đường vào Nam để thực hiện sứ mệnh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, nhìn khung cảnh chống dịch những tháng ngày ấy, lại nhớ đến những vần thơ trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu: “Tin về nửa đêm/Hoả tốc hoả tốc/Ngựa bay lên dốc/Đuốc chạy sáng rừng…/Loa kêu từng cửa/Làng bản đỏ đèn đỏ lửa…/Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn/Những đồng chí, thân chôn làm giá súng/Đầu bịt lỗ châu mai/Băng mình qua núi thép gai/Ào ào vũ bão/Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/Nát thân, nhắm mắt, còn ôm/Những bàn tay xẻ núi, lăn bom/Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện…”. Dẫu biết, mọi so sánh đều là khập khiễng, song trong mọi “trận đánh” lại đều có mẫu số giống nhau chính là sự quả cảm, hy sinh.
Vâng, trong cuộc chiến chống Covid-19, bất luận thế nào, nhìn tổng thể, họ vẫn chính là những anh hùng. Và vì thế, họ cũng xứng đáng được vinh danh!
Nguồn: Báo lao động thủ đô