Những biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ hàng Việt
(Xây dựng) – Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại mới từ các quốc gia nhập khẩu, đòi hỏi cần có những biện pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa, Việt Nam cũng sử dụng nhiều hơn các công cụ phòng vệ thương mại.
Tăng cường cảnh báo sớm, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại. |
Theo Bộ Công Thương, tính đến tháng 6/2024, Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường với đa dạng các mặt hàng. Đồng thời, cơ quan điều tra nước ngoài thường xuyên rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại với quy trình và các yêu cầu rất phức tạp.
Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương cũng đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đến tháng 6 và gửi các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng thông tin cảnh báo về nguy cơ các nước điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Gần đây nhất là cảnh báo Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng xuất khẩu của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại đã mang lại kết quả tích cực. Nhiều vụ việc các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Việt Nam luôn chủ động vận dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng hóa nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.
Đầu tháng 8/2024, Cục Phòng vệ thương mại liên tiếp ra thông báo điều tra rà soát cuối kỳ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm nhập khẩu như: Điều tra rà soát cuối kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm bột ngọt xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme xuất xứ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc…
Cuối tháng 7/2024, Bộ Công Thương cũng đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc; quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc…
Việt Nam luôn chủ động vận dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. |
Các chuyên gia cho rằng, một trong những tác dụng lớn của biện pháp phòng vệ thương mại là giúp tạo lập lại môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng; ngăn chặn hành vi bán phá giá và hành vi bán hàng vào Việt Nam được nước xuất khẩu trợ cấp.
Nguồn: Báo xây dựng