Những bài học kinh nghiệm quý báu của Bắc Giang trong phòng, chống dịch Covid-19
Những bài học kinh nghiệm quý báu của Bắc Giang trong phòng, chống dịch Covid-19
Trong buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Giang và trao Huân chương Lao động hạng Ba cho tỉnh Bắc Giang vì thành tích chống dịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định các bài học kinh nghiệm tốt của Bắc Giang trong phòng, chống COVID-19
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định các bài học kinh nghiệm tốt của Bắc Giang trong phòng, chống COVID-19, đó là giãn cách kịp thời; thứ hai là bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bằng nhiều nguồn lực; thứ ba là chữa trị tích cực cho người mắc COVID-19 nên hạn chế được số ca tử vong; và thứ tư tích cực vận động tiêm vaccine cho những đối tượng theo thứ tự ưu tiên.
Cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang
Kể từ đầu tháng 5/2021, Bắc Giang đã trải qua hơn 2 tháng hết sức khó khăn do dịch COVID-19 lây lan nhanh trong các khu công nghiệp và là tâm dịch lớn nhất cả nước. Trong hơn 2 tháng chống dịch, tỉnh đã lấy gần 2 triệu mẫu xét nghiệp COVID-19, điều trị cho gần 5.766 bệnh nhân, 07 bệnh nhân tử vong , 5079 người đã khỏi bệnh và được ra viện.
Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh “cơ bản đã được kiểm soát” đẩy lùi và đang dần ổn định. 2/5 ổ dịch đã được dập tắt hoàn toàn, 2/5 ổ dịch cơ bản khống chế, 01 ổ dịch mới phát sinh đã được khống chế, phong toả và xử lý bằng những biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, tích cực
Đến 10/8, tất cả các khu, cụm công nghiệp đã hoạt động bình thường với 270.000 lao động. 100% các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường như trước dịch. Một số doanh nghiệp còn tuyển thêm lao động để mở rộng quy mô sản xuất.
Điểm sáng trong 7 tháng đầu năm, đó là dù bị tác động của dịch bệnh, giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Giang vẫn tăng tới 10,5% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh đã thu hút gần 776 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, đứng thứ 8 cả nước. Ngay trong dịch bệnh, tỉnh đã có một mùa vải thiều rất thành công, sản lượng 215.000 tấn, xuất khẩu đi hơn 30 nước. Thu từ vải thiều và sản phẩm phụ trợ lên tới trên 6.800 tỷ đồng. Những kết quả đó giúp tỉnh thu ngân sách nhà nước đã đạt 85% dự toán cả năm nay với 7.600 tỷ đồng.
Bắc Giang cũng đã thực hiện các gói hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng gặp khó khăn do COVID-19 và đến nay đã phê duyệt hỗ trợ gần 4.100 lao động khó khăn với số tiền gần 10 tỷ đồng; 46 chủ sử dụng lao động với số tiền trên 89 tỷ đồng.
Những bài học kinh nghiệm quý giá
Có thể nói, theo dõi toàn bộ quá trình chống dịch của tỉnh Bắc Giang, chúng ta phải nhấn mạnh về những quyết định hết sức táo bạo, quyết liệt nhưng vô cùng chính xác và hiệu quả của lãnh đạo tỉnh.
Đầu tiên phải kể đến quyết định về thời điểm đóng cửa khu công nghiệp. Để đưa ra quyết định này, áp lực cho lãnh đạo tỉnh vô cùng lớn vì nguồn thu ngân sách, hàng chục vạn lao động và niềm tin của các xí nghiệp quốc tế trên địa bàn tỉnh … Nhưng ngay khi phát hiện dịch vào khu công nghiệp, Lãnh đạo tỉnh đã ngay lập tức thực hiện phong tỏa ngay ổ dịch, xét nghiệm cho toàn bộ số công nhân trong khu công nghiệp để đánh giá mức độ lây nhiễm, từ đó đưa ra quyết định về thời điểm đóng cửa khu công nghiệp (từ 00h00 ngày 18/5/2021) sao cho có thể giữ lại toàn bộ công nhân, không để cho họ tràn về quê. Nhanh chóng khoanh vùng, truy vết các trường hợp liên quan (đi cùng xe, làm cùng phân xưởng, ở cùng khu trọ); phong tỏa ngay các khu dân cư tập trung đông công nhân có nguy cơ cao ở huyện Việt Yên như: My Điền, Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng, Quang Biểu,… Đưa thiết chế cách ly tập trung vào những khu vực này để thiết lập mô hình khu cách ly tập trung tại chỗ nhằm khoanh vùng, khống chế dịch ngay. Thực hiện nghiêm ngặt việc nội bất xuất, ngoại bất nhập không cho dịch lây lan sang các địa phương khác.
Thứ hai là lãnh đạo tỉnh đã khẩn cấp chỉ đạo các lực lượng thần tốc điều tra, truy vết tất cả các trường hợp liên quan ngay sau khi phát hiện các trường hợp F0, yêu cầu điều tra đến F3; quản lý chặt chẽ việc cách ly tập trung các trường hợp F1, ra quyết định cách ly tại nhà đối với các trường hợp F2. Đã phát động toàn dân khai báo y tế, cài đặt Bluezone, thực hiện 5K. Ngoài ra, Tổ giám sát thông tin trên tờ khai y tế theo phần mềm https://tokhaiyte.vn của Bộ Y tế đã gọi cho gần 10.000 người có từ khai y tế bất thường. Do đặc điểm virus lây lan dịch ở Bắc Giang là biến thể Delta có khả năng lây truyền cao hơn 40% so với biến thể tại Anh. Đồng thời, đặc điểm dịch tễ xuất hiện ở khu công nghiệp nên số lượng ca bệnh có liên quan dịch tễ lên tới vài chục nghìn người. Do đó, việc xét nghiệm phải thực hiện nhanh trên diện rộng, số lượng lớn. Tính đã áp dụng việc áp dụng test nhanh kháng nguyên để sàng lọc tại chỗ các nguồn lây nhiễm mạnh; tiến hành lấy mẫu xét nghiệm quét định kỳ 2-3 ngày/lần tại những khu vực phong tỏa, những nơi có số ca nhiễm cao để phát hiện và đưa nhanh người nhiễm ra khỏi cộng đồng. Đây là quá trình làm sạch ổ dịch, được tỉnh đã và đang làm rất kiên trì, thường xuyên, liên tục.
Thứ ba, quyết liệt trong giãn mật độ dân cư tại các khu tập trung đông công nhân sinh sống, có nguy cơ bùng phát bệnh dịch cao. Đặc biệt xuất sắc là chỉ trong vòng 24 giờ tỉnh đã tổ chức việc di chuyển toàn bộ hơn 9.000 công nhân để làm sạch ổ dịch thôn Núi Hiểu; di chuyển, giãn mật độ công nhân trong các khu vực phong tỏa có nguy cơ lây nhiễm cao tại huyện Việt Yên.
Việc di chuyển hàng nghìn công nhân là nhằm giãn cách mạnh mẽ hơn nữa đối khu vực thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, nơi được coi là “ổ dịch” để tiến tới bao vây, khống chế dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất. Sau đó thực hiện khử khuẩn, làm sạch môi trường toàn bộ khu vực. Tỉnh đã huy động một lực lượng, phương tiện đông đảo để việc di chuyển gần 1 vạn con người diễn ra nhanh chóng, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong việc đi trước, chặn đầu, không chạy theo dịch bệnh, không để dịch lây lan trên diện rộng, từ đó khống chế dịch thành công tại điểm nóng Quang Châu, Việt Yên. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng kịp thời chỉ đạo các ngành, UBND huyện, thành phố phối hợp với các tỉnh, thành phố tạm thời đưa công dân về địa phương để giảm tải trong các xóm trọ, khu phong tỏa để đảm bảo công tác phòng chống dịch và an sinh xã hội.
Chuẩn hóa kinh nghiệm của Bắc Giang để áp dụng cho địa phương khác
Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang vào ngày 18/8/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang đã có nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt, hiệu quả, đa mục tiêu, không khí khôi phục sản xuất kinh doanh rất sôi động. Đây là thành tích xuất sắc, đóng góp vào thành tích chung của của cả nước và là kinh nghiệm tốt với nhiều địa phương cả nước.
Chủ tịch nước nêu các bài học kinh nghiệm tốt của Bắc Giang trong phòng, chống Covid-19, đó là giãn cách kịp thời; thứ hai là bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bằng nhiều nguồn lực; thứ ba là chữa trị tích cực cho người mắc Covid-19 nên hạn chế được số ca tử vong; và thứ tư tích cực vận động tiêm vaccine cho những đối tượng theo thứ tự ưu tiên.
“Thành công trong thực hiện mục tiêu kép của Bắc Giang còn nằm ở việc quyết đoán chọn thời điểm cách ly đúng và kịp thời, giữ kỷ luật nghiêm khắc trong cách ly, hạn chế lây chéo. Đưa F0, F1 vào điều trị kịp thời và phân loại nhanh chóng. Hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ ở các cấp, có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cũng khẳng định, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều mô hình sáng tạo như lập vành đai bảo vệ vùng vải, đưa vải thiều lên nhiều sàn thương mại điện tử, hợp tác công tư trong phòng, chống dịch. Có sự phối hợp hài hòa, hiệu quả giữa các sở; chính sách nhất quán, thông suốt. Đây là những kinh nghiệm có thể chuẩn hóa để áp dụng cho nhiều địa phương khác.
Chủ tịch nước cũng chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Bắc Giang, xứng đáng là địa phương đầu tiên được Chủ tịch nước tặng Huân chương về kết quả phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu Bắc Giang cần tiếp tục giữ vững ổn định đời sống và niềm tin của nhân dân, đón bắt thời cơ phát triển; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, không để khu vực, dân tộc, người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị