Như Xuân (Thanh Hóa): Cụm công nghiệp Xuân Hòa có nguy cơ bị hủy quyết định thành lập do chậm tiến độ
(Xây dựng) – Mặc dù, UBND huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã 5 lần gửi văn bản tới Công ty Cổ phần Tập đoàn Công Hà đôn đốc, đề nghị tiến hành thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Xuân Hòa tại xã Xuân Hòa, theo đúng cam kết thế nhưng đơn vị này vẫn không có động thái thực hiện.
Cụm công nghiệp Xuân Hòa có nguy cơ “chết lâm sàng”. |
Liên tục chậm tiến độ dù bị đốc thúc nhiều lần
Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án Cụm công nghiệp Xuân Hòa đã được UBND tỉnh Thanh Hóa thành lập tại Quyết định 4414/QĐ-UBND ngày 28/10/2019, điều chỉnh tiến độ tại Quyết định 5048/QĐ-UBND ngày 25/11/2020. Dự kiến chỉ trong thời gian ngắn, các nhà đầu tư sẽ xây dựng hạ tầng, nhà máy thu hút nhiều lao động, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Anh Lê Văn Hưng (35 tuổi) sinh sống tại xã Xuân Hóa cho hay: “Cụm công nghiệp được kẻ vẽ hoành tráng, quy mô, đến nay chỉ là bãi đất trống quây tôn, nham nhở đất. Nhà đầu tư chỉ làm một khu nhà tạm trông coi, còn lại không có bất kỳ máy móc, thiết bị nào hoạt động. Là người địa phương, tôi mong cụm công nghiệp này đi vào hoạt động để người dân như tôi không phải bỏ quê đi làm ăn xa”.
Cụm công nghiệp được kẻ vẽ hoành tráng, quy mô, đến nay chỉ là bãi đất trống quây tôn, nham nhở đất. |
Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Lê Văn Tuyên cho biết: “Người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương về cụm công nghiệp trên địa bàn chậm tiến độ. Nhà đầu tư không có động thái thực hiện như đã cam kết, cần sớm có văn bản báo cáo cấp trên xem xét đôn đốc hoặc chấm dứt hoạt động”.
UBND huyện Như Xuân đã nhiều lần có văn bản đôn đốc tiến độ. Ngày 27/3/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công Hà (đơn vị đầu tư, có địa chỉ tại Bắc Ninh) có Văn bản 273/2023/CV-CH gửi huyện Như Xuân. Theo đó, ngày 15/03/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công Hà nhận được Công văn số 306/SCT-QLCN, về yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư và thu hút dự án thứ cấp vào Cụm công nghiệp Xuân Hòa, huyện Như Xuân. Công ty Cổ phần Tập đoàn Công Hà xin có ý kiến như sau: Trong quá trình triển khai xây dựng dự án, đặc biệt là việc san lấp mặt bằng cụm công nghiệp, công ty chúng tôi có gặp những khó khăn, bất cập do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan… Tuy kế hoạch và thời gian thực hiện có chậm hơn so với cam kết, nhưng công ty sẽ cố gắng khắc phục bằng việc tăng ca, tăng kíp để công việc sớm được hoàn thành.
Mặc dù cam kết như vậy, nhưng theo báo cáo của UBND huyện Như Xuân, tới ngày 10/8/2023, chủ đầu tư mới thực hiện san lấp được khoảng 30%. Hiện nay không hề có bất kỳ hoạt động nào.
Về việc này, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Như Xuân Nguyễn Quang Dự cho hay: “Hiện nay, huyện cũng rất sốt ruột khi nhà đầu tư không triển khai thi công hạ tầng Cụm công nghiệp Xuân Hòa. Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tuất đã 5 lần gửi văn bản tới chủ đầu tư đôn đốc. Thế nhưng đơn vị này không có động thái thực hiện”.
Từ tình hình thực tế nêu trên, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Công Hà tiến hành thực hiện thi công dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Xuân Hòa theo đúng cam kết.
Trường hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Công Hà không triển khai thực hiện theo Công văn số 273/CV-CH ngày 27/3/2023 và cam kết đã ký tại Biên bản làm việc ngày 26/8/2022, UBND huyện Như Xuân báo cáo Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét chấm dứt hiệu lực Quyết định thành lập Cụm công nghiệp Xuân Hòa, theo quy định pháp luật.
Kiên quyết thu hồi dự án treo, chậm tiến độ
Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa ngày 14/12, ông Phạm Bá Oai – Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa đã nêu các nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ triển khai hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp trên địa bàn. Từ đó, đưa ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp trong thời gian tới.
Đặc biệt, trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Công Thúy về trách nhiệm của Sở Công Thương đối với việc chậm triển khai hạ tầng tại các cụm công nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Hàng tháng, Sở Công Thương đã rà soát về tiến độ của các cụm công nghiệp, xác định những khó khăn, vướng mắc, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, của cơ quan quản lý Nhà nước. Từ đó, Sở Công Thương sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để chấm dứt hiệu lực của quyết định đối với chủ đầu tư đó và lựa chọn chủ đầu tư mới.
Sở Công Thương sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi những dự án chậm tiến độ và lựa chọn nhà đầu tư mới. |
Dẫn chứng về việc chấm dứt hiệu lực của quyết định đối với chủ đầu tư chậm triển khai hạ tầng cụm công nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: “Như Cụm công nghiệp Tam Linh thành lập năm 2018 đến năm 2022 không có động thái gì, thời điểm đó có đợt dịch Covid-19, nên nhà đầu tư thấy không có đủ năng lực, cộng với việc những nhà đầu tư thứ cấp cam kết ký hợp đồng thì họ không đầu tư nữa dẫn đến chủ đầu tư gặp khó khăn. Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi dự án này và đã lựa chọn được nhà đầu tư mới, đến nay đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng…”.
Kết luận về nội dung chậm triển khai hạ tầng tại các cụm công nghiệp trên địa bàn, ông Đỗ Trọng Hưng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp.
Sớm ban hành, triển khai và đảm bảo tính đồng bộ của các quy hoạch, như: Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng vùng huyện, Quy hoạch phát triển đô thị, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chung xây dựng xã để có cơ sở lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp. Phải dành quỹ đất cần thiết để xây dựng các cụm công nghiệp; quan tâm cân đối, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập.
Nguồn: Báo xây dựng