Nhu cầu gạo thế giới giảm vì giá xuất khẩu lên cao

Cụ thể, theo Reuters, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ báo tăng từ 358 – 363 USD trong tuần tính đến ngày 3/9 lên 360 – 365 USD/tấn trong tuần trước, mức cao nhất kể từ cuối tháng 7. Đồng rupee đã tăng khoảng 0,7% kể từ đầu tháng, làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu và do đó khiến họ tăng giá gạo tính theo đồng USD.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, thuộc bang Andhra Pradesh, cho biết một số người mua đã chuyển sang Myanmar và Pakistan, những thị trường cũng cung cấp gạo với giá cạnh tranh.

Tuy nhiên, Ấn Độ có thể chiếm tới 45% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu trong năm 2021, do công suất xếp dỡ tại cảng được mở rộng, theo đó cho phép quốc gia trồng lúa lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc xuất khẩu khối lượng kỷ lục cho người mua trên khắp châu Phi và châu Á.

2944-thitruonggao
Ảnh minh họa

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm từ 380 – 402 USD/tấn trong tuần tính đến ngày 3/9 xuống 380 – 393 USD/tấn vào tuần trước. Dù giá giảm nhưng theo các thương nhân có trụ sở tại Bangkok, thị trường vẫn trầm lắng trong bối cảnh chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao.

Thị trường có nguồn cung tốt vì trời mưa nhưng không có người mua, một thương nhân cho biết. “Chính phủ nên đưa ra một số biện pháp để hỗ trợ nông dân và các nhà xuất khẩu gạo”, người này nói thêm.

Dù vậy cuối tuần trước, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan báo cáo rằng công ty Tanasan Rice, một nhà xuất khẩu lớn của Thái Lan, gần đây đã ký hợp đồng với các nhà nhập khẩu Iraq để cung cấp 44.000 tấn gạo trắng 100%.

Chủ tịch hiệp hội, ông Kriangsak Tabnanon cho biết đây sẽ là lô hàng thứ hai mà Iraq mua từ Thái Lan trong năm nay. Lô 44.000 tấn đầu tiên đã được giao vào ngày 18/8. Giao dịch này đánh dấu một thời điểm lịch sử đối với xuất khẩu gạo khi Iraq đã tẩy chay gạo từ Thái Lan trong 7 năm vì lo ngại về chất lượng, theo Pattayamail.

Tại thị trường trong nước, giá gạo 5% tấm cũng đã tăng từ 400 USD của tuần trước nữa lên 410 – 420 USD/tấn nhờ nhu cầu phục hồi. Mặc dù vậy, nguồn cung từ Việt Nam vẫn gặp trở ngại do khan hiếm container và các quy định về hạn chế di chuyển do đại dịch gây ra, một thương nhân có trụ sở tại tỉnh An Giang cho biết.

Nhiều nhà xuất khẩu cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công để xử lý việc vận chuyển và xuất khẩu gạo của họ, thương nhân này nói thêm. Tháng 8, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng 7,4% so với tháng trước lên 499.033 tấn, theo dữ liệu hải quan.

Giá gạo hôm nay (20/9) không biến động vào ngày đầu tuần. Cụ thể, tại An Giang, giá lúa hôm nay (20/9) ổn định trong ngày đầu tuần. Cụ thể, lúa IR 50404 vẫn ở mức 4.700 – 5.000 đồng/kg, lúa OM 9582 ổn định với giá 4.700 – 4.8500 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg, OM 5451 giá 5.000 – 5.200 đồng/kg.

Lúa OM 6976 giá 5.100 – 5.200 đồng/kg, OM 18 có giá 5.500 – 5.600 đồng/kg, Nàng hoa 9 có giá 6.000 – 6.100 đồng/kg, Nàng Nhen khô 11.500 – 12.000 đồng/kg. Với các loại nếp như nếp vỏ (tươi)- 3 tháng rưỡi tiếp tục có giá 4.200 – 4.300 đồng/kg, còn nếp tươi Long An ở mức 4.500 – 4.700 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, giá lúa IR 50404 là 4.800 – 5.000 đồng/kg, OM 9582 là 4.700 – 4.8500 đồng/kg, OM 6976 là 5.100 – 5.200 đồng/kg, OM 18 là 5.500 – 5.600 đ/kg, Đài thơm 8 là 5.600 – 5.700 đồng/kg, OM 5451 là 5.100 – 5.200 đồng/kg, Nhật (DS1) là 4.700-4.900 đồng/kg.

Tuần qua giá lúa gạo nhiều địa phương cũng chung xu hướng ổn định. Như tại Sóc Trăng, Đài thơm 8 giữ giá 7.500 đồng/kg, ST24 ;là 7.950 đồng/kg, OM 4900 là 7.500 đồng/kg, OM6976 là 6.500 đồng/kg.

Tại Hậu Giang, giá lúa OM 5451 ổn định ở mức 6.300 đồng/kg, nhưng IR50404 và Đài thơm 8 giảm 100 đồng/kg, ở mức 5.800 đồng/kg và 6.600 đồng/kg. Tại TP Cần Thơ, giá lúa IR50404 ở mức 5.800 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg; Jasmine giảm 100 đồng/kg còn 6.600 đồng/kg, OM4218 ổn định ở mức 6.100 đồng/kg.

Với các loại gạo hôm nay cũng đứng yên so với cuối tuần trước. Cụ thể, tại các chợ An Giang, gạo thường ở mức 11.000 – 11.500 đồng/kg; gạo nàng Nhen có giá 20.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài 16.000 – 18.000 đồng/kg.

Gạo Jasmine ở mức 14.000 – 15.000 đồng/kg, Hương Lài là 18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng giá 15.000 đồng/kg; nàng Hoa 16.200 đồng/kg; Sóc thường 14.000 đồng/kg, Sóc Thái giá 18.000 đồng/kg, gạo thơm Đài Loan giá 20.000 đồng/kg, gạo Nhật giá 19.000 đồng/kg và nếp ruột 13.000 – 14.000 đồng/kg.

Cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Hè Thu, Thu Đông cho doanh nghiệp vùng ĐBSCL, VTV News đưa tin.

Tuy nhiên theo các doanh nghiệp, dù vụ Thu Đông đã bắt đầu thu hoạch nhưng nguồn vốn vẫn rất khó tiếp cận. 85 – 90% là lượng tồn kho ở hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo trên địa bàn TP Cần Thơ. Khi đầu ra bị hạn chế do dịch bệnh, áp lực về lãi vay cho hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tấn gạo là không nhỏ.

Một doanh nghiệp cho biết đã liên hệ 3 ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn ngoài hạn mức, nhằm thu mua lúa gạo cho nông dân nhưng câu trả lời vẫn là… chờ hội sở. Dù lãi suất của ngành hàng lương thực hiện nay chỉ ở mức 4 – 5%/năm, nhưng để có thể tạm trữ 1.000 tấn gạo, doanh nghiệp cần nguồn vốn lên đến 15 tỷ đồng.

Với những áp lực về đầu ra, lãi vay, sản xuất 3 tại chỗ… hạn mức của hầu hết doanh nghiệp đều không còn. Trong khi đó từ đầu tháng 9, vụ Thu Đông ở nhiều địa phương đã bắt đầu cho thu hoạch.

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích