Nhu cầu bất động sản sẽ bật trở lại sau thời gian bị nén
Tín hiệu tích cực từ thị trường bị ảnh hưởng lớn nhất
Tại tọa đàm “Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng” do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 28/10, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam cho biết, đại dịch diễn ra từ năm 2020 nhưng phải đến nay mới thấy ảnh hưởng, đặc biệt trong quý II, III/2021 khi ghi nhận những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
TP.HCM là thị trường bị ảnh hưởng lớn nhất vì giãn cách xã hội kéo dài trong 4 tháng khiến thị trường bất động sản bị tác động nặng nề, nhất là phân khúc nhà ở. Rất nhiều dự án, rất nhiều kế hoạch triển khai của doanh nghiệp bị đình trệ.
Theo thống kê của CBRE, tại TP.HCM chỉ có 2 dự án được mở bán dưới hình thức trực tuyến. Hạn chế giao dịch khi tâm lý thận trọng của cả các nhà đầu tư và khách hàng, khiến cho nguồn cung – tổng số lượng căn hộ chỉ 1.600 căn thuộc 2 dự án, chủ yếu phân khúc cao cấp. Nguồn cung trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 7.500 căn, giảm hơn 30% so với cùng kỳ và là cột mốc thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Với thị trường Hà Nội, nhờ vào hạ tầng, giúp phát triển nguồn cung ở những khu đô thị lớn, góp phần nguồn cung tăng nhẹ so với năm 2020. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội đón nhận khoảng gần 12.000 căn hộ. Khoảng 90% căn hộ được mở bán đều năm ở phía Tây, phía Đông…
Về nhu cầu, ở TP.HCM do nguồn cung giảm nên tỷ lệ chào bán cũng giảm. Quý 3/2021 có khoảng 1.500 căn hộ được chào bán thành công. Trong khi đó, doanh số quý 3 tại Hà Nội khoảng 3.000 căn, tỷ lệ chào bán thành công vẫn thấp hơn TP.HCM.
“Dù ảnh hưởng dịch bệnh, đối với TP.HCM tình hình chào bán vẫn khá cao cho thấy nhu cầu vẫn tốt”, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, điểm đáng lưu ý là những khu vực vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương phát triển nổi bật, như Bình Dương có nhiều dự án căn hộ; Long An đã chào bán dự án căn bộ bình dân và tỷ lệ thành công tốt cho thấy nhu cầu căn hộ bình dân rất tốt.
Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong thời gian dịch kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, hơn 70% các sàn giao dịch gặp khó khăn, chỉ có khoảng 30% sàn giao dịch hoạt động với công suất khoảng 50%; các hoạt động của môi giới giảm đáng kể. Thị trường bị tổn thương và người mua sụt giảm mạnh.
Lúc này, các nhà môi giới, chủ đầu tư đã cung cấp cho khách hàng qua công nghệ; tổ chức hoạt động giới thiệu các dự án cho khách hàng và tổ chức giao dịch qua nền tảng công nghệ. Đây là giải pháp giúp cho thị trường trở nên có động lực. Trong lúc khó khăn, vẫn có rất nhiều công ty môi giới và chủ đầu tư ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường. Đây là tín hiệu tích cực.
Đến thời điểm hiện tại, mọi người đã thích nghi và sẵn sàng trong thời gian tới, tổ chức hoạt động bán hàng. Nhiều nơi đã bắt đầu mở bán và có tín hiệu giao dịch thành công trong tháng 10 này.
“Về phía khách hàng, trong giai đoạn hiện nay, để có được sự phục hồi về niềm tin của khách hàng với thị trường, chúng tôi nhận thấy nhiều khách hàng đã đầu tư trở lại. Sau một khoảng thời gian dù khách hàng còn thận trọng nhưng vẫn có khởi sắc. Khách hàng sẽ tập trung vào những thị trường có lợi thế, có tính ổn định như TP.HCM, Bình Dương… những nơi ở vùng kinh tế phát triển sẽ thu hút hơn”, ông Phạm Lâm đề cập.
Theo ông Lâm, các chủ đầu tư lớn, có uy tín, có sản phẩm nhận được niềm tin của khách hàng. Và đây là thời điểm tốt để khách hàng tham gia thị trường khi nhận thấy sự điều chỉnh, cơ chế, chính sách… Các chủ đầu tư đưa ra nhiều chương trình về thanh toán thuận lợi, tài trợ lãi suất, thậm chí có chủ đầu tư đưa ra chính sách nhận nhà vào ở vẫn tiếp tục thanh toán. Đây là tín hiệu tích cực sau tái khởi động của nền kinh tế. Bức tranh này đem lại kỳ vọng tín hiệu lạc quan từ nay đến cuối năm 2021.
Khôi phục 70% hoạt động
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, Thành viên Van Phuc Group cho biết, thời điểm hiện tại, mọi người đã có thái độ ứng phó dịch bình tĩnh hơn trước đây. Khi có những ca F0 cộng đồng khá căng thẳng lo lắng, truy vết tới F1, F2, cách ly. Nay F0 đã có thể điều trị tại nhà, doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại. Đây là tín hiệu tích cực khi chúng ta tái mở cửa.
Sau khi doanh nghiệp mở cửa, ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp vẫn là bảo đảm quy trình và có giải pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động để duy trì bộ máy, chủ động cách ly nếu có ca nhiễm…
“Chúng tôi hiện đã khôi phục 70% hoạt động ở công trường dù công nhân khó khăn trong việc quay lại TP.HCM. Hiện, doanh nghiệp trong tâm thế xác định dịch bệnh còn kéo dài, có thể phải đối mặt những đợt bùng phát sắp tới, cần tìm giải pháp ứng phó linh hoạt, vượt qua được giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, ưu tiên duy trì nguồn nhân lực, hoạt động của tập đoàn, việc đầu tư phát triển trở lại trong quý 4”, bà Hương chia sẻ.
Gần đây, các chủ đầu tư đều có kế hoạch ra hàng, chào bán mạnh các sản phẩm dự án trong TP.HCM và tỉnh thành khác. Với tâm thế tăng tốc trong quý IV/2021 để bù lại thời gian ảnh hưởng dịch bệnh khá nặng nề trong quý 3/2021, các doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ trong bất động sản, nắm bắt xu thế mới.
Theo Tổng giám đốc Đại Phúc Land, thời điểm cuối năm nguồn cung giảm 70% so với trước nhưng quý cuối năm được đánh giá là sôi động nhất. Cầu sau thời gian có độ nén sẽ bật trở lại. Khi cung cầu gặp nhau sẽ tạo sự sôi động.
Các cơ quan ban ngành cũng đã cố gắng sau thời gian dịch bệnh, sẽ tích cực kích hoạt trở lại các hoạt động kinh tế – xã hội. Doanh nghiệp cũng sẽ có những hoạt động đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển dự án, đưa sản phẩm ra thị trường.
“Chúng tôi đã có kế hoạch đưa ra sản phẩm mới để đa dạng hóa sản phẩm, như nhà căn hộ bên cạnh nhà phố, shophouse. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạng mục, công trình xây dựng. Do có dự phòng sớm nên tiến độ công trường đã đạt 70%-80% và cuối năm bảo đảm tiến độ cam kết bàn giao từ ban đầu. Bên cạnh việc làm sao tăng tốc về đích năm 2021 thì doanh nghiệp cũng đã có lộ trình phát triển trong năm 2022 với sự chung tay của phía nhà nước với các chính sách, cơ chế hỗ trợ để có thêm nguồn lực”, bà Hương cho biết.
Tương tự, bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Kim Oanh chia sẻ, tình hình dịch bệnh thời gian qua khiến doanh nghiệp nào cũng khó khăn nhưng đã nỗ lực vượt qua, không chịu lùi bước và thất bại. May mắn là thị trường đã hoạt động trở lại.
Vừa qua, địa ốc Kim Oanh đã triển khai các dự án ở Bình Dương, Đồng Nai phân khúc từ 1 tỷ đồng trở lên. Mặc dù không bằng năm 2020 nhưng cũng sẽ vượt qua.
“Trong khó khăn, mỗi doanh nghiệp cần có định hướng riêng và xây dựng lại. Chúng tôi cũng dừng lại xem mình cần làm gì. Bước đầu tiên là hoàn thiện các dự án, công trình. Thời điểm này, nếu không lấy được uy tín sẽ không phát triển được”, bà Oanh cho biết.
Chủ tịch Kim Oanh cũng nêu, doanh nghiệp bất động sản hiện rất vướng, rất khó khăn, chỉ mong các địa phương làm đúng theo luật, mong muốn có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm địa phương, bộ ngành… để doanh nghiệp bớt áp lực, bớt chi phí, thời gian kéo dài… Nếu không xử lý được, doanh nghiệp không thể phát triển được, mất uy tín, người dân chịu trận do chậm được cấp sổ./.