Nhóm hợp chất làm suy giảm tầng ozone, gây ra mối đe dọa đối với khí hậu
Nhóm hợp chất làm suy giảm tầng ozone, gây ra mối đe dọa đối với khí hậu
Nhóm chlorofluorocarbons (CFC) gồm 5 hợp chất hữu cơ halogen oxi hóa, trong đó có carbon, clo và flo, đã tăng đáng kể trong bầu khí quyển của Trái Đất từ năm 2010-2020. Nhóm CFC này làm suy giảm tầng ozone, gây mối đe dọa đối với khí hậu.
Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn nghiên cứu trên cho biết CFC là khí nhà kính mạnh gấp hàng nghìn lần so với carbon dioxide (CO2). Kể từ những năm 1980, lượng khí thải CFC nói chung đã giảm xuống còn khoảng 5% so với mức cao nhất, và lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực vẫn đang trên đà phục hồi vào khoảng năm 2060. Vì vậy, tình trạng gia tăng CFC nói trên khiến các nhà khoa học bất ngờ.
Tác giả chính của nghiên cứu trên, Tiến sĩ Luke Western tại Đại học Bristol ở Anh cùng Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết nhóm hợp chất CFC tăng tương đối nhanh trong khí quyển kể từ năm 2010. Trong nỗ lực khắc phục lỗ hổng ngày càng lớn trong tầng ozone, Nghị định thư Montreal năm 1987 đã cấm phát thải các khí dưới dạng aerosol (sol khí) làm suy giảm “lá chắn” ở tầng bình lưu này của Trái Đất kể từ năm 2010. Tuy nhiên, CFC vẫn được sử dụng để tạo thành các hợp chất khác hoặc dưới dạng phụ phẩm trong quá trình sản xuất. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là nguồn gốc của 3 loại khí nói trên trong CFC khiến nhóm hợp chất này tăng đáng kể trong bầu khí quyển. Tiến sĩ Western nhận định nhiều khả năng số lượng 3 loại khí này ngày càng tăng liên quan việc sử dụng chúng trong quá trình sản xuất các hóa chất khác, đặc biệt là hydrofluorocarbons (HFC). Hiện các nhà nghiên cứu chưa xác định được nguồn gốc của 2 loại khí còn lại trong nhóm này.
HFC là các hợp chất hữu cơ chứa nguyên tử flo và hydro, được sử dụng chủ yếu trong làm lạnh và máy điều hòa không khí. HFC được cho là chất thay thế CFC, “thân thiện” với khí hậu và tầng ozone hơn. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Western, nghiên cứu mới cho thấy việc sử dụng HFC cũng có thể giải phóng CFC.
Năm 2016, Bản sửa đổi Kigali trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal, đã được các nước thành viên phê chuẩn nhằm giảm HFC.
Nhà khoa học khí quyển Robyn Schofield tại Đại học Melbourne cho biết việc giảm HFC diễn ra rất chậm và chất này thường được thay thế bằng hydrofluoroolefin (HFO) – một loại chất làm lạnh mới hơn hiện được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống điều hòa không khí, song nó cũng tiềm ẩn những tác động.
Theo Tiến sĩ Schofield, HFO có thời gian tồn tại trong khí quyển rất ngắn, nhưng không có nghĩa là chất này không gây vấn đề gì bởi chúng bị cuốn trôi khỏi khí quyển và tạo thành axit trifluoroacetic, ảnh hưởng tới nước uống.
Giáo sư Ian Rae tại Trường Hóa học thuộc Đại học Melbourne nhận định có khả năng hiện tượng gia tăng 3 loại khí trong nhóm hợp chất CFC là do năng lực quản lý các ngành công nghiệp còn hạn chế. Theo Giáo sư Rae, nghiên cứu trên có thể sẽ được đề cập tại cuộc họp Nghị định thư Montreal trong tương lai, sau đó, các nhà khoa học sẽ yêu cầu các quốc gia đánh giá kỹ lưỡng hơn các vấn đề liên quan.
Giới khoa học dự báo tác động tổng thể đối với lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực sẽ không đáng kể nếu duy trì lượng khí thải như ở mức hiện tại. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Western, vấn đề lớn hơn là khả năng CFC gây ấm lên toàn cầu, do đây là khí nhà kính mạnh, lượng phát thải các loại khí này năm 2020 tương đương tổng lượng khí thải CO2 của Thụy Sĩ. Vì vậy, việc giảm thiểu lượng khí thải này sẽ tác động lớn đến khí hậu, tương tự việc một quốc gia nhỏ đưa phát thải ròng carbon về mức 0.
Trong khi đó, Tiến sĩ Schofield cho biết có những lựa chọn thay thế khả thi cho việc sử dụng HFC mà không tạo ra CFC và ít gây hiệu ứng nhà kính hơn. Chẳng hạn, có thể sử dụng CO2 làm chất làm lạnh cho các bộ trao đổi nhiệt nước trong điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên, một số biện pháp vẫn đặt ra thách thức và nhìn chung, các thiết bị bị loại bỏ vẫn là nguồn phát thải CFC lớn nhất thế giới.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị